TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, chất lượng
HĐND tỉnh đã dành thời gian 1 ngày để xem xét, thảo luận báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các báo cáo khác trình tại kỳ họp. Nội dung các vấn đề đại biểu phát biểu xoay quanh việc đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; vấn đề đại biểu quan tâm cần tăng cường trách nhiệm giải quyết, kịp thời tháo gỡ khó khăn thuộc ngành, lĩnh vực quản lý đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc; đồng thời đại biểu đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề đại biểu quan tâm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Các đại biểu đặc biệt quan tâm và phấn khởi khi 20/20 chỉ tiêu KTXH đạt và vượt kế hoạch năm 2024. Đây là năm trong bối cảnh nhiều yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 gây ra nhưng UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Đại biểu Quan Văn Duyên, Tổ đại biểu HĐND huyện Chiêm Hóa tham gia thảo luận tại Kỳ họp.
Cử tri Ma Văn Thọ, xã Bạch Xa (Hàm Yên) rất đồng tình với các ý kiến thảo luận, giải trình của đại biểu về những vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện quản lý dự án, như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tài nguyên, khoáng sản, thủ tục đầu tư... dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Theo cử tri Ma Văn Thọ, trên địa bàn xã Bạch Xa có khoảng 200 hộ dân phải thực hiện GPMB cho công trình xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đến nay vẫn còn một số vướng mắc chưa được giải quyết. Để giải quyết được thì cần có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương.
Đồng chí Hà Văn Thị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tứ Quận (Yên Sơn) cho biết, các đại biểu tham gia thảo luận đã đi khá đúng và trúng vào trọng tâm, trọng điểm vào các vấn đề được chủ tọa gợi ý thảo luận. Một số nội dung rất được nhiều người quan tâm như việc giải quyết cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ hiến đất làm đường cũng đã được đại biểu đưa vào nghị trường. Trên địa bàn xã có hàng trăm hộ với trên 2 ha đất được hiến để mở các tuyến đường. Nếu điều chỉnh lại diện tích đất thì các hộ lại mất phí chuyển đổi. Đây là vấn đề cần được tỉnh nghiên cứu có cơ chế đặc biệt giúp các hộ thực hiện việc điều chỉnh diện tích đất sau khi hiến.
Làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Cử tri Ma Thị Hoa xã Yên Thuận (Hàm Yên) rất tán thành việc đại biểu nêu về việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh. Nội dung đại biểu băn khoăn về yêu cầu vốn đối ứng cho các hộ nghèo, cận nghèo để làm nhà, mức hỗ trợ còn thấp. Vấn đề này đã được đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và đồng chí Hoàng Việt Phương trả lời rất rõ về quan điểm, chủ trương của Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát là “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình có người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình khó khăn về nhà ở, với 6.928 hộ thì trước hết bản thân những hộ nghèo cần phải có trách nhiệm chính đối với việc làm nhà của mình.
Bên cạnh đánh giá về những kết quả đã đạt được, các ý kiến thảo luận của các đại biểu cũng đã thể hiện sự trăn trở, tâm huyết và trách nhiệm cao đối với cử tri và sự phát triển của tỉnh. Trong đó đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế được cử tri quan tâm như: nhiều thủ tục hành chính rườm rà phức tạp kéo dài; một bộ phận cán bộ, công chức còn né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ;...
Những nội dung đại biểu nêu cũng đã được lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan trả lời một cách thấu đáo. Để giải quyết các kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh và các sở ngành cam kết sẽ khẩn trương có giải pháp tháo gỡ vấn đề về đất đai; tăng cường ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế; chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, phải khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, trọng tâm là công tác CCHC...
Chủ động “về đích” hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII
Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Thị Nga lưu ý, HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, thực hiện tốt chức năng quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, chủ động xây dựng. Đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách đã ban hành, điều chỉnh kịp thời những vướng mắc, bất cập, “điểm nghẽn” để khơi thông, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội và nguồn lực trong Nhân dân, phục vụ đắc lực cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh.
Trên cơ sở chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đại biểu đã tâm huyết, trách nhiệm thảo luận vào các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp gồm, các nghị quyết phê duyệt, phân bổ ngân sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; quy định về mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; quy định một số chính sách dịch vụ y tế; giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2025; Phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội... Các ý kiến thảo luận đã được lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, lãnh đạo các cơ quan tham mưu soạn thảo nghị quyết đã trả lời làm rõ.
Với 17 nghị quyết thông qua tại kỳ họp, cử tri kỳ vọng, các nghị quyết sẽ là tiền đề để địa phương chủ động “về đích” các mục tiêu Nghị quyết Đại hội.