TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Trong phát biểu Đề dẫn Hội nghị thông báo dân tộc học năm 2015, PGS.TS Vương Xuân Tình - Viện trưởng Viện Dân tộc học đã tổng hết vấn đề nghiên cứu tộc người từ năm 1980 đến nay. Kể từ khi bản Danh mục các thành phần dân tộc ở Việt Nam được công bố năm 1979 đến nay chưa có cuộc tổng kết nghiên cứu dân tộc học nào được thực hiện. Trong bối cảnh phát triển của nhân học, nhiều ý kiến cho rằng nghiên cứu dân tộc học có ý nghĩa to lớn. Từ sau chiến tranh lạnh kết thúc, nghiên cứu tộc người vẫn được quan tâm ở Việt Nam. Đáng chú ý hơn đó là sự trở lại vai trò của dân tộc học, nhân học về tộc người ở Bắc Mỹ, châu Âu và đặc biệt là châu Á. Việc nghiên cứu dân tộc học ở Việt Nam trên nhiều phương diện khác nhau đã góp phần tư vấn tốt cho công tác xóa đói giảm nghèo và các chính sách khác của Đảng và Nhà nước về dân tộc.
PGS.TS Vương Xuân Tình - Viện trưởng Viện Dân tộc học phát biểu Đề dẫn tại Hội nghị
Trên cơ sở phân tích những hạn chế trong công tác nghiên cứu dân tộc học và sự biến đổi mạnh mẽ trong đời sống của đồng bào dân tộc, PGS.TS Vương Xuân Tình đã đưa ra một số định hướng nghiên cứu dân tộc học từ 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030 như: cấu trúc tộc người trong bối cảnh mới; bản sắc văn hóa tộc người trong bối cảnh CNH, HĐH; mối quan hệ dân tộc đa chiều và phức tạp, đặc biệt là qian hệ dân tộc xuyên quốc gia…
Rất đáng chú ý trong Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu (Khoa Nhân học, trường ĐH KHXH & NV Hà Nội) đã chia sẻ thực tiễn đào tạo tại trường ĐH KHXH & NV Hà Nội. Dân tộc học đã là ngành nghiên cứu tộc người từ lâu đời. Trong điều kiện hội nhập và đòi hỏi thực tiễn, trường đã tái cấu trúc lại môn học, xây dựng môn học Các dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam, là môn học bắt buộc với các lớp đào tạo đại học Triết học, lịch sử, chính trị học… Đây cũng là ý kiến rất hay để cho các trường Đại học có đào tạo những ngành khoa học xã hội học hỏi.
Đại biểu tham gia Hội nghị
Hội nghị thông báo dân tộc học đã nhận được trên 100 bài tham dự và đã lựa chọn 70 bài viết có chất lượng đưa vào Hội nghị báo cáo. Đại học Tân Trào cũng 2 có bài tham dự Hội nghị này đó là bài viết Đạo phật trong đời sống tinh thần của người Cao Lan (Ths Trần Thị Mỹ Bình) và Tính tẩu trong đời sống văn hóa nghệ thuật của người Tày ở Tuyên Quang (NCS Nguyễn Thị Thanh Thảo). Tại Hội nghị, nhiều ý kiến được đưa ra bàn luận sôi nổi. Đặc biệt, hướng nghiên cứu những vấn đề về dân tộc sẽ thế nào trong bối cảnh phát triển nhân học.
ThS Trần Thị Mỹ Bình tại Hội nghị
Hội nghị cũng đã nghe các tham luận về hướng nghiên cứu sâu về các lĩnh vực như: nhân học tôn giáo, nhân học sinh thái, nhân học văn hóa… PGS. TS Vương Xuân Tình đã tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học và kết luận mấy vấn đề sau: Thứ nhất, nghiên cứu tộc người hiện nay vẫn là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, cần có những phương pháp mới và những lý thuyết mới để đánh giá chính xác có nhiều biến đổi về đời sống đồng bào dân tộc sâu sắc như ở Việt Nam. Thứ hai, nghiên cứu vấn đề tộc người cần nhìn trên nhiều phương diện, đặc biệt cần nghiên cứu trên góc nhìn so sánh. Thứ ba, thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu tộc người và chính sách dân tộc, tư vấn tốt cho các nhà quản lý ban hành và thực hiện các chính sách dân tộc. Thứ tư, xác định khoảng thời gian nghiên cứu các vấn đề về dân tộc. Các nhà khoa học cần có cái nhìn xa, nghiên cứu có tính chất dự báo về tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Những ý kiến của các nhà khoa học đã vạch ra định hướng nghiên cứu tộc người từ 2015-2020 và tầm nhìn đến 2030 có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với các nhà khoa học trẻ đang tiếp tục các thế hệ tiền bối nghiên cứu về dân tộc.