Không gian văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh trong lịch sử cách mạng Việt Nam
 
Những năm đầu thế kỷ XX, Việt Nam chìm đắm trong đêm tối nô lệ, phong trào yêu nước diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, nhưng bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu.

Lãnh tụ của các phong trào đó bị thực dân Pháp bắt hoặc bị tử hình. Chính trong những năm tháng đen tối đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, chuẩn bị các điều kiện thành lập một chính đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Năm 1925, để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho việc thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã mở lớp huấn luyện chính trị chính thức đầu tiên, mở ra một bước ngoặt mới trong quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng; chuẩn bị cho việc thành lập Đảng và công cuộc cứu nước, giải phóng dân tộc. Bài giảng của lớp được tập hợp trong tác phẩm Đường kách mệnh (xuất bản năm 1927).

Chương 1 của tác phẩm, Hồ Chí Minh không viết về chính trị, mà Người bàn về đạo đức, về tư cách của người cộng sản. Hồ Chí Minh đã lý giải rõ về đạo đức cách mạng của người cộng sản là đạo đức hành động, được thể hiện trong 3 mối quan hệ, với chính mình - tự mình phải, chính tâm tu thân; với người - khoan dung; với việc - dĩ công vi thượng. Suy cho đến cùng, đạo đức cách mạng là mục tiêu của cách mạng.

Đến Di chúc (1969), khi nói về Đảng, việc cuối cùng mà Hồ Chí Minh lo lắng cũng là đạo đức, vì vậy Người căn dặn "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng".

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, mở ra tương lai tươi sáng cho sự nghiệp cách mạng và dân tộc Việt Nam. Thế hệ những người cộng sản đầu tiên tạo tiền đề cho tương lai tươi sáng của dân tộc đã tỏ rõ khí phách can trường, gan dạ kiên trung, dám chấp nhận hy sinh thanh xuân để hồi sinh sức sống của dân tộc Việt Nam.

15 năm đầu (1930 - 1945), Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, trong bối cảnh hoạt động bí mật, những trang sử oai hùng của dân tộc bằng máu đào của những thế hệ - những người cộng sản với ý chí gang thép, sự can trường, bất khuất, để dẫn đến thắng lợi của Cách Mạng Tháng Tám năm 1945. Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Không gian văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh trong lịch sử cách mạng Việt Nam- Ảnh 1.

Nhân dân xã Kim Liên, H.Nam Đàn (Nghệ An) đón Bác Hồ về thăm, năm 1957

ẢNH: BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH

Như vậy, để tạo sự thay đổi của thực tiễn cách mạng Việt Nam chính bằng sự hy sinh của những người cộng sản, bằng chính đạo đức hành động của họ. Có thể khẳng định, đạo đức Hồ Chí Minh là điểm đi, đồng thời cũng là điểm đến của cách mạng.

Hiện nay, đất nước đang từng ngày đổi mới. "Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân". 

Vì vậy, đạo đức cách mạng phải được thể hiện rõ "nói thì phải làm", đó là phương châm Hồ Chí Minh quán triệt ngay ở buổi đầu của cách mạng.

Nhưng ở thời điểm hiện nay, đạo đức của người cách mạng đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Trong Đảng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, sa vào chủ nghĩa cá nhân. 

Đó là những người "coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan, phát tài…". Liệu ngày nay chúng ta có thể vượt qua được "cửa ải" giàu sang không thể quyến rũ"? 

Do đó, tự rèn luyện, tự nhận thức, tự chuyển biến trong quá trình nhận thức đạo đức phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên.

Học tập đạo đức Hồ Chí Minh không phải để trở thành Hồ Chí Minh thứ hai, mà để trở thành chính mình và tìm lại mình trong cộng đồng. 

Đạo đức cách mạng giúp cán bộ, đảng viên đặt lên trên hết, trước hết trách nhiệm với Tổ quốc, với Nhân dân. 

Từ đó, có quyết định đúng đắn, phù hợp với lương tâm và giá trị đạo đức cho sự phát triển lâu dài, bền vững của sự nghiệp cách mạng, không vì lợi ích cá nhân mà làm mất niềm tin của nhân dân. Chính sự lựa chọn đạo đức của người cách mạng hình thành nên nhân cách, phẩm chất và con người thật sự của họ.

Trong toàn văn phát biểu tại lễ kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: "Đất nước đang trong những thời điểm lịch sử cần có ý chí, quyết tâm cao, cần có những quyết sách mang tính lịch sử… Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được với tư duy đổi mới, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, giải pháp đột phá, cách làm sáng tạo hiệu quả". 

Hơn lúc nào hết, cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, "dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung" của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bởi, suốt quá trình cách mạng, không lúc nào có cách mạng mà không có đạo đức cách mạng, cũng như không lúc nào có đạo đức mà không có cách mạng. 

Đúng như Hồ Chí Minh đã khẳng định "có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người".

thanhnien.vn