TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức vào tháng 8/1945. (Ảnh tư liệu) |
Cách đây vừa tròn 79 năm, vào tháng 8/1945, chớp lấy thời cơ lịch sử, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân vùng lên đập tan xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến và giành lại nền độc lập cho dân tộc. Từ cuộc cách mạng vĩ đại đó, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã đưa nhân dân ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân phong kiến trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Giá trị lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 được thể hiện toàn diện cả ở phạm vi trong nước cũng như quốc tế.
Trước hết, đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn và tổ chức thực hiện đường lối chủ động, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của truyền thống yêu nước, tinh thần và ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, tạo nên sức mạnh phi thường của cả dân tộc. Đó còn là thắng lợi của nghệ thuật nắm thời cơ, tận dụng thời cơ chín muồi để phát động Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước,... Tinh thần quật khởi, giá trị to lớn và những bài học quý của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên chặng đường mới, viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, trong diễn văn kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Người khẳng định: “Suốt trong 80 năm nước ta bị Pháp chiếm, Nhân dân ta từ Nam đến Bắc đã nhiều lần nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Nhưng vì bọn vua quan hèn mạt, cấu kết với địch, phản nước hại dân, cho nên các cuộc khởi nghĩa đều thất bại. Cách mạng Nga thành công đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, dạy cho họ cách tổ chức, đấu tranh và giành thắng lợi. Nhờ vậy mà ta có Đảng tiên phong, có Mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân, kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do, làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân ta được hoàn toàn giải phóng: Đã phá tan cái xiềng xích nô lệ thực dân, đã đập đổ cái chế độ thối nát của vua quan phong kiến, đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ đó dân ta làm chủ nước ta” (1).
Ngày 19/8/1945, đường phố Hà Nội ngập tràn cờ đỏ sao vàng. (Ảnh tư liệu) |
Đối với thế giới, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 dẫn tới việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc ta và ý nghĩa sâu sắc với quốc tế. Thắng lợi đó đã trực tiếp góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai; cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa vươn lên đấu tranh tự giải phóng. Đồng thời, có ảnh hưởng to lớn đến các nước Lào và Campuchia. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. (2); “Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới. Cách mạng Tháng Tám có ảnh hưởng trực tiếp và rất to đến hai dân tộc bạn là Miên và Lào. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhân dân hai nước Miên, Lào cùng nổi lên chống đế quốc và đòi độc lập” (3).
Bên cạnh đó, giá trị lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 còn thể hiện ở những bài học kinh nghiệm quý báu mà sự kiện quan trọng đó để lại cho cách mạng Việt Nam. Đó là bài học về xác định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp của Đảng Cộng sản Việt Nam; bài học về dự báo thời cơ, nắm chắc thời cơ, không bỏ lỡ thời cơ; bài học về xây dựng lực lượng cách mạng, từ lực lượng chính trị đến lực lượng quân sự, huy động được lực lượng của toàn dân vào cuộc đấu tranh chung; bài học về kết hợp thời, thế và lực để lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; đó là bài học phân hóa kẻ thù, biết mình biết địch, nhân nhượng có nguyên tắc; bài học về khởi nghĩa từng phần đi đến tổng khởi nghĩa toàn quốc để giành thắng lợi hoàn toàn cho một cuộc cách mạng.
Đặc biệt, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 còn là hiện thân của tinh thần đoàn kết dân tộc, khắc phục khó khăn, cần cù sáng tạo, đồng tâm hiệp lực để đứng lên đấu tranh giành thắng lợi. Trong Cách mạng Tháng Tám, ở thời điểm khó khăn nhất, toàn thể dân tộc Việt Nam đã phát huy tinh thần đoàn kết, nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành lấy chính quyền trong toàn quốc. Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (4).
Gần 8 thập kỷ đã lùi xa nhưng giá trị lịch sử, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn trường tồn và ngày càng tỏa sáng cùng sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Kế thừa và phát huy những giá trị lịch sử, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm đó là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tranh thủ cơ hội, khắc phục thách thức, sớm hiện thực hóa mục tiêu đã được Đại hội XIII của Đảng xác định: “phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (5)./.
Tài liệu tham khảo:
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.85.
(2), (3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.25, 26.
(4). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.3.
(5). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 111 - 112.