Nguy cơ thiếu hụt nhân lực STEM trình độ cao, lãnh đạo Bộ GDĐT đề xuất giải pháp
 
Đội ngũ nòng cốt trong nguồn nhân lực công nghệ cao chính là những người được đào tạo trình độ đại học trở lên các lĩnh vực STEM.

LTS: Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và quốc tế hóa, đã định hướng rõ nét chủ trương giáo dục cũng như phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu trở thành một nước “có công nghiệp hiện đại” vào năm 2030 thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có liên hệ mật thiết với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Giáo dục đại học chính là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực quan trọng này.

Tuy nhiên, một thực tế đang hiện hữu đó là quy mô đào tạo sau đại học ở nước ta rất thấp và không tăng trong nhiều năm qua, đặc biệt tỉ trọng quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM rất thấp.

Trước thực tế đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để lắng nghe chia sẻ của ông về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết so với tổng quy mô đào tạo tất cả các trình độ của giáo dục đại học thì quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta đang chiếm tỉ trọng như thế nào?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Trong một vài năm gần đây, quy mô đào tạo trình độ đại học ở nước ta tăng khá trở lại sau một thời gian sụt giảm, năm học 2021-2022 đạt khoảng 2,1 triệu sinh viên, số sinh viên nhập học mới theo tất cả các hình thức đào tạo năm 2022 xấp xỉ 570 ngàn. Trong khi đó, quy mô đào tạo sau đại học rất thấp và không tăng trong nhiều năm qua, năm 2021 chỉ đạt xấp xỉ 122 ngàn (110 ngàn học viên thạc sĩ và 12 ngàn nghiên cứu sinh tiến sĩ), tính tỉ lệ trên dân số chưa bằng 1/3 so với Malaysia và Thailand và 1/2 so với Singapore và Philippines, xấp xỉ 1/9 lần so với mức trung bình của các nước OECD.

Nguy cơ thiếu hụt nhân lực STEM trình độ cao, lãnh đạo Bộ GDĐT đề xuất giải pháp ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

So với tổng quy mô đào tạo của 3 trình độ cấp văn bằng giáo dục đại học (cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ và các văn bằng trình độ tương đương), quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ chiếm tỉ trọng xấp xỉ 5,0%, ở trình độ tiến sĩ chưa đạt 0,6%, trong khi các tỉ trọng đó ở Malaysia lần lượt là 10,9% và 7,0%, ở Singapore là 9,5% và 2,2%, tính bình quân các nước có thu nhập trung bình lần lượt là 10,7% và 1,3%, tính bình quân các nước OECD lần lượt là 22,0% và 4,0%.

Phóng viên: Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về tỉ trọng quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM đang ở mức nào? So với các nước trong khu vực và trên thế giới thì con số này nói lên điều gì?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Theo Danh mục giáo dục, đào tạo của Hệ thống giáo dục quốc dân, khối ngành STEM bao gồm 8 lĩnh vực là Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng; tương ứng với 3 lĩnh vực theo phân loại của UNESCO trong Danh mục ISCED-F 2013 là Khoa học tự nhiên, toán và thống kê, Công nghệ thông tin và truyền thông, Kỹ thuật, sản xuất và xây dựng.

Tính trên tổng số sinh viên, tỉ lệ sinh viên khối STEM của Việt Nam ở trình độ đại học nằm ở mức tương đương với nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên ở các trình độ sau đại học lại thấp hơn hàng chục lần.

Quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM suy giảm một cách đáng lo ngại trong những năm gần đây và chỉ chiếm chưa tới 4,0% tổng quy mô đào tạo các trình độ thuộc khối STEM và có sự khác biệt lớn giữa các lĩnh vực đào tạo.

Nguy cơ thiếu hụt nhân lực STEM trình độ cao, lãnh đạo Bộ GDĐT đề xuất giải pháp ảnh 2

Năm 2021, số học viên đang theo học thạc sĩ chỉ chiếm 3,37% quy mô đào tạo các trình độ trong khối STEM (thấp hơn tỉ lệ học viên thạc sĩ nói chung) và chiếm 20,08% tổng số học viên thạc sĩ tất cả các lĩnh vực (thấp hơn tỉ lệ sinh viên đại học khối STEM tính trên tổng số sinh viên đại học tất cả các lĩnh vực). Tuy nhiên 3 lĩnh vực có tỉ lệ học thạc sĩ đạt dưới 2% bao gồm Máy tính và công nghệ thông tin (1,99%), Sản xuất và chế biến (1,83%) và Công nghệ kỹ thuật (0,18%).

Trong khi đó các lĩnh vực Khoa học và toán có tỉ lệ theo học thạc sĩ lớn nhất và gấp nhiều lần mức trung bình cả khối STEM. Xét về số lượng, hai lĩnh vực Sản xuất và chế biến và Công nghệ kỹ thuật đóng góp không đáng kể vào quy mô đào tạo thạc sĩ của cả khối. Năm 2021, tuyển sinh toàn khối STEM chưa đạt được 40% chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ và không có lĩnh vực nào tuyển đạt 50% chỉ tiêu.

Nguy cơ thiếu hụt nhân lực STEM trình độ cao, lãnh đạo Bộ GDĐT đề xuất giải pháp ảnh 3

Thực trạng quy mô đào tạo tiến sĩ ở các lĩnh vực STEM cho bức tranh màu xám hơn khi tỉ lệ nghiên cứu sinh trên tổng số sinh viên các trình độ đào tạo của khối này thấp hơn 0,4%, chỉ bằng khoảng 1/9 so với Hàn Quốc, 1/13 so với Israel và mức trung bình của EU, 1/15 so với Phần Lan và Đức. Đặc biệt đáng lo ngại là với xu hướng tuyển sinh hiện nay, quy mô đào tạo tiến sĩ có xu hướng tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo nếu không sớm có những giải pháp đột phá.

Trong năm 2021, tổng số nghiên cứu sinh tuyển mới các ngành STEM chỉ vỏn vẹn 309 người, nếu tính tới cả tỉ lệ không tốt nghiệp được và giả thiết tất cả những người tốt nghiệp tiến sĩ đều sẽ về làm giảng viên đại học thì trung bình hàng năm mỗi cơ sở giáo dục đại học chưa bổ sung được thêm 01 giảng viên có trình độ tiến sĩ khối STEM từ nguồn đào tạo trong nước, chưa nói tới đáp ứng nhu cầu của các viện nghiên cứu, các trung tâm R&D của các tập đoàn công nghệ.

Tỉ lệ nhân lực trình độ cao, nhất là trình độ thạc sĩ và tiến sĩ trong các lĩnh vực STEM thể hiện trình độ phát triển của khoa học-công nghệ và của cả nền kinh tế. Đào tạo các trình độ sau đại học khối ngành STEM cung ứng nguồn nhân lực thiết yếu cho phát triển các lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ cao phục vụ chuyển đổi cơ cấu, phát triển nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Quy mô đào tạo sau đại học thấp và khan hiếm là thực trạng đáng lo ngại đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phóng viên: Nguyên nhân vì sao khiến quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM ở mức rất thấp và có xu hướng ngày càng giảm như vậy, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Giáo dục đại học cũng như giáo dục nghề nghiệp là những dịch vụ công đặc biệt, nhưng nó cũng tuân thủ những quy luật của thị trường nếu không có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước. Mức độ phát triển và cấu trúc của nền kinh tế đặt ra nhu cầu của thị trường lao động, từ đó tác động trực tiếp tới quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Ngược lại, quy mô, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quyết định tới năng suất lao động, khả năng thu hút đầu tư, dịch chuyển cơ cấu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Khi trình độ khoa học, công nghệ ở nước ta còn thấp, các ngành sản xuất vẫn nặng về khai thác, gia công và lắp ráp, các dự án đầu tư vẫn chủ yếu dựa trên lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, thì nhu cầu trước mắt về nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khối STEM sẽ không cao. Sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ hết sức cân nhắc giữa chi phí và cơ hội của việc chọn con đường học tiếp lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, so với việc lựa chọn đi làm ngay để có thu nhập, nhất là khi thiếu chế độ, chính sách học bổng phù hợp.

Như vậy, đối với các lĩnh vực STEM thì chỉ những sinh viên thuộc gia đình có điều kiện, có đam mê và có quyết tâm học lên cao, hoặc những người đã đi làm khi thấy thực sự có yêu cầu từ công việc (như giảng viên các trường đại học hoặc nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu) mới chọn con đường học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Bên cạnh đó, hiện nay những người có năng lực tốt có nhiều cơ hội nhận học bổng để lựa chọn đi học tại các trường đại học nước ngoài, nhất là ở trình độ tiến sĩ.

Việc lựa chọn học tiếp lên các trình độ sau đại học cũng phụ thuộc vào đặc điểm lĩnh vực, ngành đào tạo cũng như mô hình đào tạo.

Ví dụ, các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Toán và thống kê có tỉ lệ học sau đại học cao hơn hẳn những lĩnh vực khác, bởi một phần không nhỏ sinh viên tốt nghiệp những ngành này sẽ theo đuổi công việc giảng dạy hoặc nghiên cứu, việc học lên các trình độ cao hơn là rất cần thiết và được tạo điều kiện.

Trong khi đó, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật đã được định hướng ngay từ đầu theo hướng ứng dụng, vì vậy số học lên trình độ cao hơn thấp hơn hẳn. Đối với các ngành thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin hiện nay lại có cơ hội việc làm khá tốt, hầu hết sinh viên đã có việc làm trước hoặc ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp, vì vậy động lực để học tiếp lên trình độ thạc sĩ không nhiều.

Đối với các ngành kỹ thuật và một số ngành công nghệ, mô hình đào tạo kỹ sư và thạc sĩ hiện đang triển khai tại nhiều trường đại học cũng có vấn đề cần lưu ý. Đa số trường đại học kỹ thuật truyền thống thực hiện chương trình đào tạo kỹ sư 5 năm (nhất là đối với các lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Kiến trúc và xây dựng) tương tự mô hình đào tạo kỹ sư trước đây của các nước châu Âu. Nhiều chương trình đào tạo kỹ sư này có khối lượng thường nhiều hơn 150 tín chỉ, mặc dù chưa được coi là trình độ sau đại học nhưng đa số người học không nhìn thấy khác biệt lớn khi học lên trình độ thạc sĩ.

Bên cạnh yếu tố thị trường lao động và đặc điểm ngành học, thì quan niệm và sự hiểu biết chưa đầy đủ và đúng đắn của người học nói riêng và xã hội nói chung về vai trò của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, đặc điểm và cơ hội phát triển nghề nghiệp của các lĩnh vực STEM trong tương lai cũng là một nguyên nhân dẫn tới một số lĩnh vực STEM thiếu sức thu hút người học, nhất là ở bậc sau đại học.

Đặc biệt, sự định kiến về khả năng, sở trường và cơ hội phát triển của nữ giới trong các ngành kỹ thuật, công nghệ dẫn tới sự mất cân bằng lớn về giới trong cơ cấu đào tạo các ngành này, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ theo học sau đại học khối STEM rất thấp ở Việt Nam.

Đứng về các trường đại học, việc đào tạo các ngành STEM nói chung và ở các trình độ sau đại học nói riêng thường yêu cầu chi phí khá lớn, nếu không có hỗ trợ hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ từ Nhà nước hoặc doanh nghiệp sẽ khó có thể bù đắp chi phí đào tạo từ nguồn học phí của người học.

Đặc biệt là đào tạo ở trình độ tiến sĩ phải gắn với nghiên cứu, các trường đại học thường phải thực hiện chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ thêm cho nghiên cứu sinh từ nguồn thu hoạt động khoa học – công nghệ thì mới có khả năng cạnh tranh, tuyển chọn được nghiên cứu sinh có năng lực.

Trong khi đó, ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đại học bị cắt giảm theo lộ trình, các nguồn kinh phí khoa học-công nghệ từ Nhà nước cũng không tăng. Do vậy, chỉ một số ít các cơ sở đào tạo lớn có uy tín, có tiềm lực tài chính và có năng lực nghiên cứu mạnh thì mới có khả năng thu hút học viên sau đại học, nhất là nghiên cứu sinh các ngành STEM.

Theo số liệu thống kê năm 2021, trong 59 cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ các ngành STEM với tổng số 2579 nghiên cứu sinh, chỉ có 20 cơ sở đào tạo có từ 20 nghiên cứu sinh trở lên và đã chiếm gần 90% tổng số nghiên cứu sinh khối ngành này.

Phóng viên: Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ đối với phát triển đất nước trong giai đoạn mới?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Khi sự phát triển nhanh chóng của thế giới được dẫn dắt bởi công nghệ, thì nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi của mỗi quốc gia.

Nguồn nhân lực này chính là một trong những yếu tố quyết định khả năng thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất công nghệ cao, giúp chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế từ thâm dụng lao động sang nền kinh tế dựa trên tri thức. Suy cho cùng, năng lực và trình độ phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của một quốc gia cũng phụ thuộc chủ yếu vào quy mô và chất lượng nguồn nhân lực.

Theo các báo cáo Tương lai việc làm của Diễn đàn kinh tế thế giới (2016, 2020, 2023), sự phát triển của công nghệ, nhất là công nghệ cao đã trở thành một trong những yếu tố cốt lõi tác động tới sự thay đổi cơ cấu ngành nghề, việc làm và nhu cầu thị trường lao động trên toàn thế giới. Nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nhiều năm tới.

Theo thống kê của Hội đồng khoa học quốc gia Hoa Kỳ, số nhân lực STEM có trình độ đại học trở lên tại nước này tăng lên gần 4 lần trong giai đoạn 2010-2019 (trong khi số nhân lực có trình độ đại học các ngành không thuộc STEM tăng 2,5 lần) và dự báo sẽ tăng trung bình xấp xỉ 10% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2029. Nhận rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã có chiến lược, chương trình thúc đẩy giáo dục, đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực STEM.

Tháng 12/2018, Hội đồng khoa học quốc gia Hoa Kỳ đã ban hành kế hoạch chiến lược liên bang 5 năm để thúc đẩy giáo dục và đào tạo STEM. Tháng 10/2021, Bộ trưởng Bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Malaysia đã tuyên bố nước này cần phải tăng tỉ lệ sinh viên theo học các lĩnh vực STEM lên 60%. Tổ chức UNESCO cũng có nhiều báo cáo và chương trình hành động để thúc đẩy đào tạo các lĩnh vực STEM, đặc biệt khuyến khích đề cao vai trò của nữ giới trong các nghề nghiệp STEM.

Thế giới vừa trải qua thời kỳ đại dịch Covid, rồi chứng kiến những sự biến động lớn của các nền kinh tế qua tác động của xung đột Nga-Ukraine, không chỉ nước ta mà tất cả các quốc gia đều nhận rõ hơn tầm quan trọng của một nền kinh tế tự chủ, lấy đội ngũ nhân lực chất lượng cao và khoa học – công nghệ làm nòng cốt. Một trong những bài học sâu sắc được rút ra là những công nghệ càng tiên tiến, càng có giá trị thì càng được các quốc gia bảo hộ, giữ độc quyền, khó thể mua hay chuyển giao cho một quốc gia khác. Đó là lý do mà hầu hết các sản phẩm công nghệ cao đều có giá trị bán ra cao hơn nhiều lần so với giá thành sản xuất, hay cũng là lý do mà các quốc gia sở hữu những công nghệ cao thường sử dụng làm công cụ đàm phán trong quan hệ quốc tế.

Tình hình thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM trên thị trường lao động Việt Nam những năm gần đây, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã được nhiều báo cáo phân tích, đánh giá. Đây là điểm nghẽn chính trong trong phát triển một nền kinh tế tri thức, kinh tế số dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là những ngành mà Việt Nam có tiềm năng như công nghệ thông tin, năng lượng mới, chăm sóc sức khỏe... Sự thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng là một trở ngại trong thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư mới hoặc mở rộng các hoạt động sản xuất và dịch vụ, dịch chuyển cơ cấu đầu tư sang các hoạt động R&D trong các lĩnh vực công nghệ cao .

Theo số liệu thống kê của UNESCO năm 2019, số người làm nghiên cứu (quy đổi sang lao động toàn thời gian) tính trên một triệu dân của Việt Nam là 757 người, tương đương mức bình quân nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng chỉ bằng 57% mức bình quân toàn thế giới, 1/2 của Thái Lan, khoảng 1/3 của Malaysia, 1/5 bình quân khối EU và chưa tới 1/10 lần của Hàn Quốc và Singapore.

Đáng chú ý là tỉ lệ này hầu như không tăng từ 2010, trong khi tỉ lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới tăng mạnh trong những năm gần đây. Để đạt được mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, tỉ lệ người làm nghiên cứu ở nước ta cũng cần tăng khoảng 76% để đạt tỉ lệ bình quân của nhóm quốc gia có thu nhập trung bình (1.311 người làm nghiên cứu/triệu dân).

Phóng viên: Theo chia sẻ của Thứ trưởng cho thấy việc chú trọng thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao là một yêu cầu cấp thiết của đất nước trong giai đoạn tới. Vậy theo ông, từ phía cơ sở giáo dục đại học/viện nghiên cứu và nhà nước cần những cơ chế, chính sách đột phá như thế nào để có thể mở rộng được quy mô mà vẫn đảm bảo chất lượng đối với các ngành STEM?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Đội ngũ nòng cốt trong nguồn nhân lực công nghệ cao chính là những người được đào tạo trình độ đại học trở lên các lĩnh vực STEM. Quy mô đào tạo các lĩnh vực STEM thấp là thực trạng đáng lo ngại đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, cần có chiến lược đầu tư trọng tâm, trọng điểm tại một số cơ sở giáo dục đại học có uy tín đào tạo các lĩnh vực STEM để tăng nhanh quy mô đào tạo nói chung và quy mô đào tạo sau đại học nói riêng.

Mối quan hệ giữa giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động tạo thành một vòng khép kín, nếu không có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước tạo thì giáo dục đại học sẽ tuân thủ hoàn toàn quy luật của thị trường, các cơ sở giáo dục đại học cũng như người học sẽ hành động để đáp ứng nhu cầu trước mắt của thị trường lao động. Vì vậy, trước hết từ phía Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các ngành STEM, nhất là ở trình độ sau đại học, tạo động lực dẫn dắt sự dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế và kéo theo là thị trường lao động trình độ cao, tác động tích cực trở lại đối với toàn hệ thống giáo dục đại học.

Giáo dục và đào tạo là một lĩnh vực đặc biệt, muốn đổi mới và phát triển phải có đủ nguồn lực, thời gian và lộ trình phù hợp, cần có những cơ chế, chính sách hiệu quả, ổn định và bền vững. Những chủ trương, chính sách đổi mới giáo dục đại học của chúng ta đang đi đúng hướng, nhất là chủ trương đẩy mạnh tự chủ đại học từ khi thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 (gọi là Luật số 34/2018/QH14). Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là việc triển khai chưa đồng bộ, hiệu quả các chính sách của Nhà nước về tài chính đối với giáo dục đại học đã được quy định tại Luật 34.

Nguy cơ thiếu hụt nhân lực STEM trình độ cao, lãnh đạo Bộ GDĐT đề xuất giải pháp ảnh 4

Đội ngũ nòng cốt trong nguồn nhân lực công nghệ cao chính là những người được đào tạo trình độ đại học trở lên các lĩnh vực STEM

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án này tích hợp nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực đặt ra từ một số chiến lược, chương trình và đề án phát triển đối với các ngành, lĩnh vực khác nhau đã được Thủ tướng phê duyệt và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Một số giải pháp cụ thể sẽ được đề xuất nhằm mở rộng quy mô đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao các lĩnh vực STEM, như áp dụng chính sách hỗ trợ trực tiếp người học qua cơ chế tín dụng và học bổng, chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu đào tạo các chương trình trọng điểm STEM, chính sách ưu tiên giao nhiệm vụ khoa học, công nghệ gắn với đào tạo sau đại học. Đặc biệt, đối với đào tạo ở trình độ tiến sĩ, nhất định phải có chế độ học bổng, hỗ trợ tài chính phù hợp để nghiên cứu sinh có thể tập trung toàn thời gian cho việc học tập, nghiên cứu và sinh hoạt học thuật tại đơn vị quản lý chuyên môn, bảo đảm chất lượng và đồng thời đóng góp cho phát triển nghiên cứu của cơ sở đào tạo.

Theo báo cáo của Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ năm 2019, trong số 72.991 người làm nghiên cứu (quy đổi toàn thời gian) thì chỉ có 24.423 người thuộc các trường đại học, cao đẳng (chiếm tỉ lệ 1/3), thể hiện rằng trong khoảng 80.000 giảng viên đại học, 12.000 nghiên cứu sinh tiến sĩ và 110.000 học viên thạc sĩ thì chỉ một tỉ lệ nhỏ về người hoặc thời gian làm việc được tính cho hoạt động nghiên cứu. Trong khi đó, nếu tính theo đầu người làm nghiên cứu có trình độ tiến sĩ thì khối đại học, cao đẳng chiếm 3/4 toàn quốc.

Bên cạnh đó, trong tổng kinh phí hơn 9.165 tỉ đồng chi ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển, phần chi cho khối đại học, cao đẳng chỉ đạt 1.624 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ xấp xỉ 1/6. Các số liệu này nói lên rằng, việc quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu cả từ phía nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học, nhất là đầu tư cho đào tạo sau đại học gắn kết với nghiên cứu khoa học sẽ là một giải pháp then chốt để vừa tăng mạnh tiềm lực nghiên cứu, đồng thời phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao.

Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu lớn cũng cần chủ động xác định rõ sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch và giải pháp phù hợp để tham gia phát triển nguồn nhân lực STEM trình độ cao, đào tạo tài năng khoa học - công nghệ cho đất nước trong giai đoạn mới.

Một giải pháp có thể coi là đột phá đối với các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu, đó là tăng cường hợp tác, liên kết thành một mạng lưới cơ sở đào tạo trọng điểm các lĩnh vực STEM để triển khai mô hình giáo dục đại học số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ giáo dục tiên tiến, qua đó vừa giúp mở rộng quy mô, đồng thời giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Các cơ sở đào tạo cũng cần hợp tác, liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để cùng đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, xóa bỏ định kiến giới tính trong con đường phát triển nghề nghiệp, qua đó thu hút nhiều sinh viên giỏi, tài năng đăng ký học các ngành STEM ở cả bậc đại học và sau đại học.

Trong bối cảnh mới, chương trình đào tạo cũng như phương pháp dạy và học các ngành STEM trong các trường đại học cũng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, chú trọng đồng thời kiến thức nền tảng, phát triển năng lực cốt lõi và khả năng thực hành nghề nghiệp; tăng cường tiếp cận liên ngành và xuyên ngành, gắn kết chặt chẽ hơn giữa đào tạo với nghiên cứu, trải nghiệm và sáng tạo.

Những người tốt nghiệp có khả năng thích nghi cao với những sự thay đổi của công nghệ và đủ năng lực sáng tạo để không bị thay thế bởi công nghệ, nhất định phải là người được trang bị kiến thức nền tảng vững chắc và năng lực cốt lõi thiết yếu để tự học, tự nghiên cứu, làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng thì chất lượng đào tạo và thành công của người học (trong cả quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp sau này) vẫn là yếu tố quyết định để thu hút đầu vào, qua đó từng bước mở rộng quy mô tuyển sinh và đào tạo. Bên cạnh đó, các trường đại học cần nghiên cứu để cải tiến mô hình đào tạo kỹ sư cho phù hợp với thông lệ quốc tế, thiết kế lại các chương trình đào tạo để bảo đảm tính liên thông giữa các trình độ, tạo thuận lợi cho sinh viên học chuyển tiếp lên thạc sĩ và tiến sĩ.

giaoduc.net.vn