Nhiều thứ cần làm đối với giáo dục, nhưng Nhà giáo phải giữ lấy 3 điều căn cốt
 
10 năm vừa qua được xem là thập niên “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” xuất phát từ Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (năm 2013).

Nghị quyết 29-NQ/TW có 9 giải pháp để “đổi mới căn bản, toàn diện”, trong đó có 1 giải pháp về “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý”, đề cập đến “chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”. Đến nay, về chuẩn trình độ thì đã được Luật Giáo dục (Luật 43/2019/QH14) quy định, còn chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT. Có thể nói liên quan đến Chuẩn giáo viên cơ bản đã rõ nhưng để chuẩn giáo dục là cả một quá trình.

Nhận thức là một quá trình, nên giáo dục cũng là cả một quá trình “bồi đắp” thường xuyên, liên tục. Tập trung nỗ lực ở một hai nhiệm kì, một vài khâu trọng yếu thì cũng khó thay đổi được căn bản. Nếu dựa vào Chuẩn để đo lường, xác định Đạt, Khá, Tốt thì xét cho cùng cũng là một quy trình như bao quy trình. Nếu xem ở khía cạnh tích cực thì đó là cái “khung” để soi và chỉnh thì phù hợp; còn nếu xem đó là “đòn bẩy” để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là không khả thi.

Thực tế cho thấy còn có rất nhiều việc phải bàn và phải làm đối với chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện nay, nhưng căn bản vẫn là nhận thức về vị trí Nhà giáo và Nghề giáo.

Ảnh minh hoạ 

Có thể nói nghề nào cũng cao quý, nhưng với nghề giáo phải đúng vị trí nghề cao cả nhất của các nghề” (St.Grégoire). Và nếu xem là “Nghề cao cả nhất” thì đầu tư cho công tác đào tạo nhà giáo cũng phải xứng tầm. Nói theo Nghiêm Thủy Thạch thì “’Nghề chơi còn lắm công phu huống hồ rèn luyện nhân vị cho trổ hoa quả nhân cách. Phải có cả một nghệ thuật tinh vi, nhà giáo dục mới thành công sứ mệnh cao cả của mình” [1].

Chúng ta tư duy theo hướng “chất lượng giáo viên rất quan trọng, nên đầu vào sư phạm phải cao”, có vẻ thực tế không sai, nhưng cũng chưa chắc chuẩn. Điểm đầu vào phản ánh phần nào chất lượng người học, nhưng quan trọng nhất vẫn là thái độ. Nếu vì yêu quý nghề giáo, tôn trọng tri thức và mong muốn chiếm lĩnh để truyền dạy cho thế hệ mai sau, người học chọn sư phạm thì kết quả sẽ không còn gì bằng và xã hội không có gì phải lo.

 

Còn nếu chọn sư phạm vì học phí, vì học bổng… mà không có một mảy may yêu thích gì nghề giáo thì rất tai hại. Mặt khác, trong thực tế đánh giá giáo viên căn cứ vào Chuẩn, nhưng sự thật dễ đo, dễ thấy và đa phần cảm nhận, đó chính là thành tích hướng dẫn, bồi dưỡng học sinh giỏi hay tỉ lệ đỗ đạt của học trò… và như vậy thì 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí của Thông tư 20/2018 cũng chỉ là cái tham chiếu, để bám víu cho khỏi bị “lệch chuẩn” mà thôi.

Theo quan điểm cá nhân, giáo viên dù ở bất cứ bậc nào, trước tiên vẫn phải là một Nhà giáo dục, sau đó mới là Nhà chuyên môn. Thầy giáo dạy Toán, dạy Văn hay dạy Thể dục… thì mục tiêu đầu tiên vẫn là giáo dục, sau đó mới là nâng bồi kiến thức. Không nên tồn tại dù chỉ là bâng quơ về môn chính hay môn phụ trong giáo dục.

Kiến thức cần được kết nối một cách có hệ thống, không tách rời, riêng rẽ theo từng môn học như hiện nay hay thậm chí 1 môn 3 người dạy như môn Khoa học tự nhiên ở một số trường. Năng lực của người học sẽ được hình thành nhờ sự kết nối kiến thức, qua thực hành, thực tế, trải nghiệm… mới “thẩm thấu” sâu, “tiêu hóa” kĩ.

Đừng vì khối lượng mà cố chạy cho kịp chương trình, rồi người học phải lo học thêm, phải lo luyện thi đến kiệt sức. Đó hoàn toàn không phải giáo dục và khi Nhà trường không làm tròn chức năng giáo dục thì những thứ khác cũng vô nghĩa.

“Giáo dục được đặc biệt tôn vinh là địa hạt tôn quý của xã hội bởi từ xưa học đường lãnh nhiệm vụ cốt tủy là vun bồi trí tuệ tuyệt vời, nuôi dưỡng tâm hồn cao thượng và hai bàn tay làm lành. Vậy nhưng mấy năm nay, sự thanh khiết của sứ mạng đó, đúng hơn chính sứ mạng cao cả ấy, đang đứng trước nguy cơ bị thay thế bằng những mưu toan cấp thời, ngắn hạn, thiếu tập trung”[2]có vẻ nhận xét của Thakur S Powdyel (Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bhutan giai đoạn 2008-2013) trong cuốn My Green School (2014) cũng trùng với bức tranh giáo dục của chúng ta hiện thời.

Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi còn có nhiều thứ cần làm đối với giáo dục, nhưng Nhà giáo cần cố giữ được 3 điều căn cốt sau đây, mới gìn giữ được giá trị của “nghề cao cả nhất”.

Một là, Nhà giáo phải đặt Tình thương và Công bằng lên trên hết để làm giáo dục. Xã hội ngày nay thay đổi nhanh đến chóng mặt, giá trị sống cũng đa dạng góc nhìn, người học rất khó định hình để học và sống. “Quyền thế” của Nhà giáo cũng không còn được như xưa. Để giáo dục đúng nghĩa giáo dục, để chuẩn giá trị vẫn xoay quanh mục tiêu “chân-thiện-mĩ"; để người học hướng đến với những điều tốt đẹp, tránh né những điều xấu xa… thì chỉ có dựa vào tình thương và sự công bằng, mới có thể cảm hóa, dẫn dắt người học đi đúng hướng.

Tình thương và Công bằng là tiêu chí khó đo lường với Nhà quản lí, nhưng với học trò thì không khó. Chọn Nghề giáo thì cũng cần chọn phương châm sống, để cống hiến và cảm nhận hạnh phúc. Nhà giáo cũng giống như người làm vườn, có yêu và thích mới kiến tạo được được khu vườn tươi đẹp.

Hai là, Nhà giáo thì đừng giả dối, cho dù chỉ là giả dối kiểu “đắc nhân tâm”. Trong giáo dục, khen vẫn là chính, nhưng cần khen thật; phê cũng cần nhưng cần đúng mức. Rất tiếc, ngày này vẫn còn các “kịch bản” trong các buổi thao giảng; những “kĩ năng” nghiệp vụ “lấy lòng người học” trong các các lớp học; có những “dự án khủng” so với năng lực người học tại các cuộc thi khoa học kĩ thuật… Thật ra, những thứ đó cốt cũng vì những lợi ích nhất thời cho tập thể hay cá nhân nào đó, nhưng hệ quả và tác hại thì vô cùng to lớn cho tất cả. Từ bỏ “lợi ích” trước mắt đối với một người, một tổ chức cũng thật sự khó, nhưng không từ bỏ ngay thì không còn giáo dục.

Ba là, Nhà giáo phải là Người học tập suốt đời. Đã là Thầy thì phải coi trọng tri thức, quý trọng sách, đam mê học tập… Khi đó, mọi vấn đề cần đào sâu nghiên cứu như một nhu cầu tự thân. Thầy biết rộng, hiểu sâu càng dễ dàng diễn giải, phân tích, chứng minh… cho người học hiểu cặn kẽ.

Đừng dừng lại ở câu “thần chú”: “chỉ cần biết đến đó, lên lớp trên các em sẽ được học kĩ”. Chỉ khi có được đam mê chuyên môn, yêu nghề thì Nhà giáo mới cảm nhận tự học, tự nghiên cứu là điều hạnh phúc và từ đó mới truyền được cảm hứng học tập, nghiên cứu cho học trò. Nếu hiểu biết sâu thêm một điều mới mẻ được gọi là hạnh phúc, thì truyền bá được cho nhiều người sẽ là hạnh phúc bội phần.

Xưa nay người ta thường nói “gừng càng già càng cay” và “ông giáo già, cô nuôi dạy trẻ”, vậy mà tiếc thay giờ đây, có những nơi vận động “ông giáo già” về hưu trước tuổi, bởi vì “già không theo kịp đổi mới giáo dục”. Đổi mới giáo dục mà “ông giáo già” không theo kịp, có thể bị lỗi nhịp đáng báo động ở cả về 2 phương diện, hoặc là thầy cô giáo giờ không còn mê học, hoặc là “cải cách” giáo dục đã làm đứt gãy những nấc thang trong tiến trình phát triển. Cả hai phương diện trên đều không nên có trong đổi mới giáo dục.

Tóm lại, dù cho xã hội có phát triển đến đâu thì giáo dục và đào tạo vẫn được xác định “là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”; “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội” [3].

Để giáo dục xây nền tảng vững chắc cho xã hội tương lai, điều tiên quyết là cần phải có đội ngũ Nhà giáo đủ tâm đúng tầm. Bên cạnh Chuẩn nghề nghiệp giáo viên để soi chiếu như Thông tư 20/2018, thì Nhà giáo cũng cần định vị mình trong giá trị của Nghề và lựa chọn giá trị sống, để chuẩn chỉnh về nhận thức và hành động hết mình vì sứ mệnh cao cả.

Đổi mới giáo dục là quá trình thường xuyên, liên tục theo tiến trình phát triển của xã hội; giáo dục cần vươn lên đi trước, để định hướng, dẫn đường chứ không phải đi theo sau, lâu dần tụt lại phía sau. Rồi giật mình thực hiện bằng những cuộc “cải cách” “đập cũ, xây mới” gây nên những đứt gãy khó nối. Quá trình đổi mới giáo dục diễn ra cần rất nhiều thứ và nhiều bên, nhưng trên hết vẫn là đội ngũ nhà giáo.

Nhà giáo cần được quan tâm, “được ưu tiên đi trước” từ Nhà nước, nhưng tự thân cũng cần có trách nhiệm “kí thác niềm tin vào Địa hạt tôn quý”[4], cùng đồng thanh, đồng hành đứng về phía sáng, để những mảng tối, tiêu cực trong giáo dục lui dần. Có như vậy sứ mệnh trồng người mới mãi mãi là sứ mệnh cao cả, được muôn đời ngợi ca.

Tài liệu tham khảo:

[1] Theo Nghệ thuật trồng Người của Hoàng Xuân Việt, Nhà xuất bản Đồng Tháp, 1996

[2] Thakur S Powdyel, Trường Xanh

[3] Nghị quyết 29

[4] Thakur S Powdyel, Trường Xanh

giaoduc.net.vn