TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Ký ức một thời hào hùng
Với ông Dương Phú Quý, sinh năm 1925, ở thôn Thúc Thủy, xã An Khang (TP Tuyên Quang), cán bộ tiền khởi nghĩa, mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn còn nhớ như in những ký ức về ngày lịch sử hào hùng giải phóng thị xã Tuyên Quang. Ông Quý cho biết, trước năm 1945, người dân Tuyên Quang sống cuộc đời lầm than nô lệ của giặc ngoại bang Pháp, Nhật. Năm 1944, ông bắt đầu theo Việt Minh. Nhờ thông thuộc địa hình và móc nối được với những người Việt làm cho Nhật nhưng có tấm lòng yêu nước, ông Quý đã chỉ đạo anh em lấy được 20 tấn muối, 10 khẩu súng trường của Nhật ở kho Xã Tắc, phường Tân Quang giao cho ông Khắc Hùng, xã Tràng Đà lấy thuyền sắt chở vào chiến khu.
Ông Dương Phú Quý, ở thôn Thúc Thủy, xã An Khang (TP Tuyên Quang) kể về những kỷ niệm lịch sử.
Nghe tiếng ông Quý hoạt động sôi nổi ở Trung đội Nhượng, lập nhiều chiến công, đồng chí Song Hào, phụ trách Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã cho gọi ông Quý lên giao làm việc trong Ban trừ gian. Ngày 16-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Tuyên Quang được thành lập do đồng chí Song Hào làm Chủ tịch, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Đúng 2 giờ sáng ngày 17-8-1945, lệnh khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Tuyên Quang được phát đi. Các mũi tiến công của quân ta đồng loạt tiến công vào các vị trí trọng yếu của địch. Ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ trừ gian, cắt đứt đường, phá cầu, chặn sự liên lạc của quân địch. Đến ngày 21-8-1945, Thị xã Tuyên Quang được giải phóng, đánh dấu mốc thắng lợi hoàn toàn của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Lúc này, tổ chức giao ông đi thông báo cho người dân trong tỉnh về mít tinh mừng thị xã được giải phóng.
Là một trong số ít những người còn sống tham gia giải phóng thị xã, ông Nguyễn Duy Cân, cán bộ tiền khởi nghĩa năm nay đã 98 tuổi hiện sinh sống ở tổ 4, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) kể lại, ông khi đó là một thanh niên vừa tròn 20 tuổi, tham gia đội du kích tập trung ở huyện Sơn Dương và thực hiện nhiệm vụ làm liên lạc, đưa tài liệu cho cán bộ Mặt trận Việt Minh. Đến nay, những kỷ vật của đời lính vẫn được ông lưu giữ như một tài sản vô giá với bao kỷ niệm đẹp cùng nhiều huân, huy chương cao quý ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng. Đặc biệt, tình nghĩa đồng chí đồng đội, tình quân dân trong kháng chiến mãi là ký ức không thể nào quên đối với người đảng viên 76 năm tuổi Đảng.
Ông Nguyễn Duy Cân, tổ 4, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) nói về những huân, huy chương cao quý ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng.
Sức vươn thành phố trẻ
78 năm đã qua, thị xã Tuyên Quang nhỏ bé, thơ mộng và yên bình bên dòng Lô lịch sử nay đã lên thành phố, từng ngày thay da, đổi thịt. Thành phố trẻ đang khoác lên mình tấm áo mới, vươn mình hòa vào nhịp sống sôi động. Diện mạo của thành phố Tuyên Quang đã có sự đổi thay rõ nét với hệ thống hạ tầng, kiến trúc đô thị được quy hoạch và đầu tư bài bản. Việc thu hút đầu tư và tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng đô thị được thành phố tập trung thực hiện với hàng loạt các công trình xây dựng. Trong đó, một số công trình, dự án lớn như: Khu nghỉ dưỡng thuộc khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Sân Golf Vinpearl Mỹ Lâm - Tuyên Quang; khu công viên thể dục, thể thao phường Mỹ Lâm; khu vui chơi, giải trí Bách Thảo viên phường Tân Hà; Cụm du lịch sinh thái núi Dùm; Thiền viện Trúc lâm chính pháp Tuyên Quang...
Diện mạo thành phố Tuyên Quang đổi thay từng ngày với những công trình trọng điểm.
Tháng 2-2021, thành phố vinh dự được nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tuyên Quang; công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Thành phố hiện có 10 phường và 5 xã với 214 thôn, xóm, tổ dân phố; dân số 136.505 người; thu nhập bình quân đầu người đạt 98,7 triệu đồng/người/năm. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt 73,3%, là một trong những thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao của khu vực miền núi phía Bắc.
Cùng với việc bố trí các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, nhiều tuyến đường, tuyến phố được mở mới, nâng cấp khang trang. Theo phòng Quản lý đô thị thành phố Tuyên Quang, thành phố đã tập trung cải tạo các tuyến đường, phố chính để xây dựng tuyến phố văn minh đô thị gồm: đường Trường Chinh, Quốc lộ 2 cũ, đường Nguyễn Văn Cừ, đường Lê Duẩn; chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng các công trình công cộng để nhân dân có không gian giải trí như: hồ Tân Quang, hồ Tân Hà, hồ Trung Việt. Thành phố hoàn thành công trình "Cải tạo, chỉnh trang đường ven hồ Tân Quang" gắn với xây dựng tuyến phố đi bộ quanh khu vực hồ Tân Quang; công trình vườn hoa công viên dọc bờ sông Lô; hoàn thành xây dựng 14 công trình đường giao thông thuộc Dự án "Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Tuyên Quang"...
Toàn cảnh thành phố Tuyên Quang hôm nay. Ảnh: Việt Hòa
Cùng với đó, sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa không ngừng phát triển. Nhiều lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì hàng năm như: Lễ hội Đền Hạ, Lễ hội Chùa Hang, Hội đua thuyền trên sông Lô... Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên từ lâu đã trở thành lễ hội có quy mô cấp tỉnh và được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận kỷ lục lễ hội có nhiều mô hình đèn trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam.
Thành phố Tuyên Quang đang chuyển mình từng ngày với những đổi thay rõ nét trên từng con đường, góc phố. Đến nay, thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành 57/59 tiêu chuẩn của đô thị loại II; 35/49 tiêu chuẩn của đô thị loại I về kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và vệ sinh môi trường (đạt 71,4%). Những kết quả đã đạt được sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục vươn mình, phát triển mạnh mẽ; từng bước xây dựng thành phố Tuyên Quang trở thành đô thị loại I vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội thành phố lần thứ XX đề ra.