TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Các nhà khoa học tham gia Hội thảo quốc tế tại Trường Đại học Tân Trào
Ngày 14 tháng 8 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1404/QĐ-TTg nâng cấp trường Cao đẳng Tuyên Quang thành trường đại học mang tên Tân Trào, một địa danh lịch sử cách mạng của tỉnh cũng như cả nước. Kết quả trên thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nhằm xây dựng trường đại học đầu tiên của tỉnh và khu vực.
Trải qua 5 năm thành lập và đào tạo bậc đại học, 20 năm đào tạo bậc cao đẳng, nhà trường đã đào tạo hàng vạn cán bộ quản lý, giáo viên phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành giáo dục và đào tạo nói riêng cho tỉnh Tuyên Quang cũng như cả nước. Từ một trường cao đẳng chỉ thực hiện công tác đào tạo chủ yếu là ngành sư phạm, đến nay Đại học Tân Trào là một đại học trực thuộc địa phương nhưng tất cả mọi hoạt động đã và đang tiếp cận dần với hệ thống đại học trong cả nước và thế giới trên tất cả các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế.
Trung bình hàng năm, nhà trường đào tạo, liên kết đào tạo trên 4.000 sinh viên, học viên của 15 ngành đại học, 17 ngành cao đẳng, 10 ngành thạc sĩ thuộc các lĩnh vực sư phạm, nông lâm ngư nghiệp, kinh tế - quản trị kinh doanh, văn hóa, du lịch, quản lý đất đai, khoa học môi trường…; trên 7.000 học viên được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, quản lý giáo dục, nghiệp vụ sư phạm, tin học, ngoại ngữ...
Sinh viên trường Đại học Tân Trào trong giờ thực hành môn Vật lý
Ngoài hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học cơ bản, nhà trường đã triển khai việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong ngành nông lâm nghiệp, nghiên cứu sản xuất các giống cây lâm nghiệp, nông nghiệp, dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô, tế bào, cung cấp hàng triệu cây giống cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Bắc Kạn, Yên Bái. Công tác hợp tác quốc tế của Đại học Tân Trào cũng đã trở thành điểm sáng trong hoạt động đối ngoại của tỉnh. Từ khi thành lập đại học, trường Đại học Tân Trào đã tổ chức 3 hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của hàng trăm học giả đến từ nhiều nước trên thế giới, triển khai hợp tác nghiên cứu 1 đề tài khoa học với 7 trường đại học trong khối ASEAN. Hàng năm, nhà trường đã thực hiện trao đổi hàng trăm giảng viên, sinh viên, thực tập sinh và tổ chức giao lưu văn hóa với trên 20 trường đại học trên thế giới. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, trường Đại học Tân Trào là một trong số các trường đại học, cao đẳng trong cả nước có tỷ lệ cao (97%) giảng viên đạt trình độ thạc sĩ trở lên trực tiếp giảng dạy trong tất cả các lĩnh vực (trong đó có 15% tiến sĩ). Về hoạt động khoa học công nghệ, chỉ tính riêng trong 5 năm thành lập đại học, đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường đã thực hiện gần 750 sản phẩm nghiên cứu khoa học, trong đó gần 160 các đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở; đã biên soạn, xuất bản gần 120 sách giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo, gần 500 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó có trên 30 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế xếp hạng trong danh mục ISI của các ngành vật lý, sinh học, hóa học, toán học và thuộc top trường hàng đầu trong khối đại học địa phương về công bố quốc tế. Tạp chí khoa học, Đại học Tân Trào đã được cấp mã số quốc tế ISSN và đã được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tính 0.5 điểm công trình của các ngành Vật lý, Giáo dục, Văn học.
Khu nuôi cấy mô giống keo lai của Trung tâm Thực nghiệm thực hành và
Chuyển giao công nghệ, trường Đại học Tân Trào
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Đại học Tân Trào cũng như các trường đại học trong cả nước đang đứng trước những thách thức, áp lực và dư luận xã hội đòi hỏi phải tự chuyển mình, đổi mới, khắc phục những hạn chế, yếu kém để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sau 5 năm thành lập, là một trường đại học mới, trực thuộc địa phương nằm trong khu vực miền núi phía Bắc, nhà trường đã phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức để đánh giá lại mọi hoạt động và xác định lại nhiệm vụ cho chính đại học. Nhà trường đã xây dựng các đề án phát triển và đã được Thường trực Tỉnh ủy thông qua 5 đề án lớn, trong đó đề án quan trọng nhất là Chiến lược phát triển Đại học Tân Trào đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trường Đại học Tân Trào sẽ trở thành trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất và cung ứng dịch vụ của khu vực và có hợp tác quốc tế sâu rộng. Được sự quan tâm của tỉnh, cơ sở vật chất của nhà trường đã được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại. Diện tích của nhà trường hiện nay là 60 ha so với 4,6 ha trước khi thành lập trường. Thư viện của nhà trường có trên 3.000 đầu sách với trên 150.000 bản, gần 1.000 máy tính và thiết bị dạy học, hệ thống wifi được phủ sóng miễn phí toàn bộ không gian trường cho sinh viên sử dụng để tra cứu và học tập. Trung tâm thực nghiệm, thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ của nhà trường rộng trên 10 ha đang được cải tạo thành khu sinh thái và đầu tư thiết bị nghiên cứu chuyên sâu để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giảng viên, nhân viên và hợp đồng lao động luôn được đảm bảo, sinh viên của nhà trường tham gia tích cực vào nhiều hoạt động xã hội, phục vụ nhiều hoạt động lớn của tỉnh, của khu vực và khối các trường đại học. Trong thời gian qua, nhiều sinh viên nhà trường đã đạt các giải cao trong các kỳ thi olympic sinh viên toàn quốc và khu vực.
Để thực hiện tốt được chiến lược phát triển, ngoài sự ủng hộ của tỉnh, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; trường Đại học Tân Trào đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động quản trị đại học và chất lượng đào tạo, tăng cường và khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế; quan tâm phát triển đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có khả năng thực hiện nhiệm vụ đào tạo có chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu khoa học, sử dụng ngoại ngữ thành thạo và có khả năng hợp tác, đặc biệt là hợp tác quốc tế. Từ đó xây dựng nhà trường ngày càng phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực.