Trường ĐH địa phương kiến nghị có chính sách tạo công bằng trong cạnh tranh GDĐH
 
Đầu tư cho trường đại học địa phương là đầu tư cho phát triển các vùng khó khăn, tạo điều kiện cho học sinh người DTTS, người có hoàn cảnh khó khăn đến với GDĐH.

Từ khi thành lập đến nay, các cơ sở cơ sở giáo dục đại học địa phương (trường đại học trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố) đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và các tỉnh/thành lân cận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, sự phát triển của các trường đại học địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng chảy máu chất xám đội ngũ giảng viên chất lượng cao, cạnh tranh gay gắt trong tuyển sinh, điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, khó khăn khi tự chủ về tài chính,...

Chật vật trong công tác tuyển sinh

Sinh viên Trường Đại học Tân Trào. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên Trường Đại học Tân Trào. Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Tân Trào là trường trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang - một tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tân Trào cho biết, đến nay, nhà trường đã có hơn 10 năm đào tạo trình độ đại học và trên 65 năm đào tạo sư phạm từ trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học.

Trong những năm vừa qua, đội ngũ nhân lực do trường đào tạo đã có sự đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc nói chung; đồng thời tạo điều kiện cho người dân địa phương có thêm cơ hội thuận lợi được tiếp cận với giáo dục đại học.

Chia sẻ về điểm thuận lợi trong công tác tuyển sinh, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn cho biết, bên cạnh các ngành đào tạo giáo viên vốn là thế mạnh của trường, một số ngành học khác hiện cũng đang thu hút được đông đảo thí sinh quan tâm như ngành Công nghệ thông tin, Kế toán, Điều dưỡng, Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành…

Với đặc thù là trường đóng tại địa phương, do vậy nhà trường có cơ hội nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tâm lý chọn ngành nghề của học sinh địa phương, vùng lân cận để xây dựng chương trình đào tạo và truyền thông tuyển sinh nhằm tuyển sinh được người học có chất lượng.

Người học không phải đi học xa, môi trường sống gần gũi và có học phí, chi phí sinh hoạt thấp cũng là một lợi thế trong tuyển sinh, nhất là với những học sinh vùng sâu xa, vùng khó khăn

“Bên cạnh đó, trường nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành có liên quan (như các ngành sư phạm). Việc đầu tư quy hoạch từ quỹ đất sử dụng rộng rãi, ký túc xá, cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ đào tạo để nâng cao hình ảnh của trường, chính sách thu hút giảng viên, hỗ trợ giảng viên đi đào tạo nghiên cứu sinh… cũng góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín nhà trường trong công tác tuyển sinh”, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tân Trào chia sẻ.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của trường đại học địa phương cũng gặp một số khó khăn nhất định. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn, quy mô dân số, thu nhập và dân trí của cư dân địa phương, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi trường đóng có ảnh hưởng khá lớn đến công tác tuyển sinh.

Một bộ phận người dân và cha mẹ học sinh vẫn còn tâm lý đi học đại học là phải về các trung tâm đô thị lớn. Hiện nay, trường đại học địa phương lại càng gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh tuyển sinh trước xu hướng các trường đại học lớn, đại học vùng tăng cường sáp nhập các trường đại học khác và cao đẳng sư phạm để trở thành các phân hiệu tại các tỉnh. Một số ngành rất khó thu hút người học nên số lượng tuyển được cũng không nhiều.

Ngoài ra, sự thiếu đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ hội tiếp cận các thị hiếu của giới trẻ; một số rào cản như việc chưa thực hiện được chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP… cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển sinh.

gdvn-ts-le anh duc.png

Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai. Ảnh: Doãn Nhàn

Cùng chia sẻ về công tác tuyển sinh, Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho biết, nhà trường có nhiều thuận lợi khi trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai - một trong những nền kinh tế phát triển năng động hiện nay ở nước ta. Dân số tỉnh này cũng thuộc vào top tỉnh đông dân nhất cả nước.

Hiện nay trường đào tạo khoảng 5.400 sinh viên chính quy đang theo học 7 ngành sư phạm, bao gồm: sư phạm Ngữ văn, sư phạm Toán, sư phạm Vật lý, sư phạm Hóa học, sư phạm tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non và 7 ngành ngoài sư phạm, bao gồm Kế toán, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ Kỹ thuật Điện, Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí, Khoa học Môi trường, Quản lý đất đai.

Tiến sĩ Lê Anh Đức cho biết, với gần 50 năm thành lập và phát triển, trường đã đào tạo trên 50.000 giáo viên, gần 1.000 cán bộ quản lý cho các trường từ mầm non đến trung học phổ thông, hơn 2.000 cử nhân kinh tế, kỹ thuật cho các doanh nghiệp.

“Đồng Nai là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, với nền kinh tế phát triển năng động vì vậy nhu cầu việc làm tại địa phương rất lớn. Trong đó có nhu cầu về giáo viên, bởi vậy chỉ tiêu đào tạo sư phạm của nhà trường trong những năm qua được duy trì khá ổn định”, Tiến sĩ Lê Anh Đức nói. Được biết, năm nay nhà trường được giao khoảng 700 chỉ tiêu đào tạo sư phạm.

Chia sẻ thêm, Hiệu trưởng Lê Anh Đức cho biết, theo Quyết định số 586/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/7/2024 đã xác định có kế hoạch mở rộng, phát triển cơ sở vật chất Trường Đại học Đồng Nai.

“Hiện Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan để cùng trường chuẩn bị khu đất mới, lập thêm 1 cơ sở cho trường với diện tích khoảng 40ha. Dự kiến sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2030-2050, điều này có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển của nhà trường trong tương lai”, Tiến sĩ Lê Anh Đức bày tỏ.

Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho địa phương và cả nước, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho biết nhà trường đang đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về phương án thu hút bồi dưỡng, khuyến khích cho đội ngũ giảng viên có trình độ cao tham gia làm việc tại trường.

“Về phía nhà trường, chúng tôi xác định phải không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối với doanh nghiệp. Việc tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với doanh nghiệp từ sớm giúp các em hiểu rõ hơn về ngành học. Đây cũng là cơ hội để nhà trường lắng nghe, trao đổi cùng doanh nghiệp để cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động”, Tiến sĩ Lê Anh Đức nhấn mạnh.

Nhà nước cần có chính sách vĩ mô để điều chỉnh

ts nguyễn minh anh tuấn đh tân trào

Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tân Trào. Ảnh: HLU

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn, trong bối cảnh mới, chính các trường đại học địa phương cần phải điều chỉnh chiến lược phát triển và nâng cao chất lượng của mình để xây dựng thương hiệu riêng.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có chính sách vĩ mô để điều chỉnh, hỗ trợ tạo sự công bằng trong cạnh tranh đào tạo như chính sách đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cho các trường địa phương.

Bởi theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn, các trường địa phương đa số mới thành lập và nằm ở tỉnh, điều kiện kinh tế còn khó khăn và phục vụ đào tạo cho phần lớn con em đồng bào ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nên đầu tư cho trường đại học địa phương là đầu tư cho phát triển các vùng khó khăn này, là tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số và người có hoàn cảnh khó khăn đến với giáo dục bậc cao và ý nghĩa xã hội là rất to lớn.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế pháp lý cho tự chủ đại học. Cho phép các trường đại học địa phương đào tạo các ngành nghề trình độ dưới đại học phù hợp với nhu cầu của xã hội.

“Đồng thời, sớm công bố quy hoạch mạng lưới các đại học và cao đẳng; trong quy hoạch phải có vị trí của các trường đại học địa phương”, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tân Trào nhấn mạnh.

Cùng đề xuất giải pháp giúp hệ thống các trường đại học địa phương tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh của mình, lãnh đạo một trường đại học địa phương ở phía Nam chia sẻ, hầu hết các trường đại học địa phương đều được thành lập ở những địa phương có điều kiện kinh tế -xã hội phát triển ở mức trung bình, bởi vậy quá trình phát triển của các trường gặp không ít khó khăn, thách thức. Một số địa phương do ngân sách hạn hẹp nên chưa sự đầu tư đầy đủ về các điều kiện cơ sở vật chất, không có chính sách đặc thù để thu hút người giỏi, thậm chí có nơi đã giảm quy mô hoạt động của trường khi giao chỉ tiêu đào tạo.

“Bởi vậy, về lâu dài, cần có cơ chế chính sách đặc thù giúp các trường đại học địa phương phát huy được vai trò mình, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Gắn sự tồn tại, phát triển của trường với sự phát triển của địa phương. Điều này rất cần sự quan tâm, nhận thức đúng đắn của lãnh đạo các tỉnh về vai trò của các trường đại học địa phương. Trong đó, để làm được điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh và nhà trường cần có sự trao đổi, liên lạc thường xuyên bằng cách cử đại diện lãnh đạo quản lý nhà nước tham gia thành viên Hội đồng trường ”, vị lãnh đạo nêu đề xuất.

Mặt khác, vị này cũng nhấn mạnh chính các trường đại học địa phương phải chủ động, chú trọng đổi mới, hội nhập, vận dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển. Đồng thời, khối các trường đại học địa phương thường xuyên tổ chức trao đổi, hội thảo bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.

giaoduc.net.vn