TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT (gọi tắt là Quy chế tuyển sinh).
Theo đó, đối với một số ngành như: Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng, thí sinh đăng ký xét tuyển phải có kết quả học tập trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 6,5 trở lên. Đối với các ngành đào tạo giáo viên còn lại, thí sinh đăng ký xét tuyển phải có kết quả học tập trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 8,0 trở lên.
Như vậy, ngưỡng xét tuyển học bạ đối với các ngành đào tạo giáo viên đã được thay đổi, lấy điểm ở cả 3 năm trung học phổ thông, thay vì chỉ lấy điểm 3-5 học kỳ hoặc kết quả cả năm lớp 12 như hiện nay.
Nâng ngưỡng đầu vào với ngành sư phạm là điều cần thiết
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng - Trưởng khoa Nghệ thuật và Thể dục Thể thao, Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) đánh giá, đây là sự điều chỉnh phù hợp và cần thiết để phát triển chất lượng giáo dục quốc dân, đặc biệt đối với ngành sư phạm. Đặc biệt, đối với các ngành đặc thù như Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất.
Với những ngành sư phạm đặc thù, sinh viên phải thi môn năng khiếu. Ảnh: website Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ).
Cụ thể, thầy Hưng phân tích: “Những thí sinh tham gia xét tuyển ngành đặc thù như Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất đều phải thi 1 môn năng khiếu. Vì lẽ đó, nhiều học sinh không quá mặn mà với các môn văn hoá trên lớp mà chỉ chú trọng ôn tập, rèn luyện các môn thi năng khiếu nhằm phục vụ cho kỳ thi năng khiếu.
Do đó, có thể thấy rằng, việc điều chỉnh ngưỡng đầu vào đối với ngành sư phạm như dự thảo đã nêu sẽ hạn chế tình trạng học lệch của học sinh ở năm học cuối cấp trung học phổ thông.
Với điều kiện kết quả học tập trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 6,5 trở lên như dự thảo buộc các em học sinh sẽ phải chú trọng học tập ngay từ những năm học đầu cấp, loại bỏ tư tưởng chỉ ôn luyện các môn thi năng khiếu mà lơ là, chểnh mảng các môn học văn hoá.
Đây là điều kiện cơ bản, phù hợp mà các em học sinh phải đảm bảo được ở bậc phổ thông nếu muốn xét tuyển vào các ngành sư phạm đặc thù. Do đó, ngưỡng 6,5 điểm là phù hợp, vừa đủ sức đảm bảo chất lượng, vừa là cơ sở để các em cố gắng ở bậc trung học phổ thông”.
Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Phạm Hoàng Trung - Phó Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng cho rằng, ngưỡng đầu vào với các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật… được điều chỉnh tại dự thảo là phù hợp, mang tính tích cực nhằm cải thiện chất lượng các ngành sư phạm ngày một tốt lên.
Thầy Trung cho hay, trong một vài năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách để thu hút và tạo động lực phát triển đối với lĩnh vực sư phạm. Như vậy, việc nâng cao chất lượng đầu vào cũng là điều dễ hiểu, nếu muốn giáo dục phát triển vững mạnh trong tương lai.
“Nhắc đến ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, chúng ta sẽ cho rằng đó là những ngành đặc thù nên sẽ đòi hỏi cao về tính chuyên môn, năng khiếu chứ không yêu cầu cao về trình độ văn hoá.
Về lý thuyết, đúng là như vậy, chỉ những ai có năng khiếu, có sở trường, có đam mê, thì mới ứng tuyển vào những ngành học này.
Tuy nhiên, khi được gắn với hai từ “sư phạm”, chúng ta cần hiểu đây là những ngành học đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục. Muốn làm việc, công tác tốt, thì chỉ riêng năng khiếu sẽ không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của ngành giáo dục. Điều cốt lõi cơ bản của giáo dục chính yêu cầu về trình độ văn hoá, nếu người học có năng khiếu rất tốt nhưng trình độ văn hoá còn yếu kém, thì cũng không phù hợp để làm việc trong môi trường giáo dục. Điều này rất đáng quan ngại.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc điều chỉnh cách xét ngưỡng đầu vào đối với các ngành sư phạm như dự thảo đã nêu sẽ vừa tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký xét tuyển, vừa tạo điều kiện và là thước đo tiêu chuẩn để học sinh cố gắng phấn đấu ở bậc phổ thông. Mặt khác, cũng đảm bảo chất lượng đầu vào của thí sinh. Khi người học có thái độ học tập tốt ở cấp trung học phổ thông, góc độ nhìn nhận, tiếp thu kiến thức chuyên môn khi học tập ở những bậc cao hơn cũng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn”, thầy Trung nhấn mạnh.
Bên cạnh việc rèn luyện năng khiếu, học sinh cần chú trọng chương trình học tập trên lớp.
Ảnh minh hoạ: Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Kỳ vọng chất lượng tuyển sinh sẽ thay đổi tích cực
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, trong một vài năm học gần đây, công tác tuyển sinh ngành sư phạm tại Trường Đại học Hùng Vương đang dần có những chuyển biến rất tích cực kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, số lượng thí sinh xét tuyển kết quả học tập ngày một tăng lên.
Tuy nhiên, vì Trường Đại học Hùng Vương nằm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nên công tác tuyển sinh chủ yếu được thực hiện theo diện đặt hàng, với chỉ tiêu của từng ngành học phổ biến trong toàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Do đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường cũng còn hạn chế dù nhu cầu của thí sinh mỗi năm một cao hơn.
Đối với những ngành học như Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc, Giáo dục thể chất, nhà trường lựa chọn và tổ chức môn thi năng khiếu phù hợp với đặc thù của từng ngành. Ở mỗi môn thi, trường cũng đặt ra những tiêu chí, điều kiện để làm cơ sở đánh giá và tuyển chọn thí sinh. Do chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành học này không nhiều, nên sức cạnh tranh của thí sinh là rất lớn. Theo thống kê, trung bình thí sinh phải đạt được 8 điểm môn thi năng khiếu mới có thể trúng tuyển (xét trên thang điểm 10).
Đối với công tác đào tạo, thầy Hưng cho biết nhà trường đã xây dựng nhiều chiến lược để vừa nâng cao chất lượng đào tạo trong trường, vừa tạo nhiều cơ hội cho sinh viên phát triển các kỹ năng. Trường đã cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, nâng cao trình độ đào tạo của giáo viên cũng như rèn luyện, bồi dưỡng và phát triển kỹ năng của người học.
Trên cơ sở đó, Trưởng khoa Nghệ thuật và Thể dục Thể thao, Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho hay, khi sinh viên trúng tuyển vào trường, sẽ được bồi dưỡng, phát triển bản thân, đồng thời có cơ hội thể hiện trình độ, năng lực của mình thông qua quá trình thực tế.
Bên cạnh đó, nhà trường còn xây dựng những quỹ học bổng để khuyến khích sinh viên học tập tốt, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và không ngừng phát triển năng lực, kỹ năng của mình.
Hiện nay, những môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật ở các trường phổ thông đang có những thay đổi trong phương pháp dạy học để tạo sự hứng thú cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, nguồn nhân lực về Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật cũng cần được nâng cao hơn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, việc quy định ngưỡng đầu vào đối với một số ngành đào tạo giáo viên có cấp chứng chỉ hành nghề sẽ tác động mạnh mẽ đến chất lượng tuyển sinh trong năm học 2025-2026.
Theo đó, khi Bộ thay đổi cách xét ngưỡng đầu vào với việc xét kết quả học tập trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông, sẽ buộc học sinh phải thay đổi cách thức học tập cũng như xác định con đường học tập ngay từ ban đầu.
Điều này sẽ là cơ sở, động lực để các em cố gắng trong cả một quá trình. Bên cạnh việc bồi dưỡng, ôn luyện môn thi năng khiếu, học sinh vẫn phải đảm bảo chất lượng học tập các môn văn hoá. Khi các em tập trung và phân bổ thời gian học tập, ôn luyện hợp lý, kết quả học tập sẽ được đảm bảo, chất lượng nguồn tuyển năm học tới sẽ được nâng lên.
Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) lựa chọn và tổ chức môn thi năng khiếu phù hợp với đặc thù của từng ngành. Ảnh: website trường.
Còn theo đánh giá của Thạc sĩ Phạm Hoàng Trung, việc thay đổi cách xét ngưỡng đầu vào với các ngành đào tạo giáo viên sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong kế hoạch học tập của học sinh phổ thông cũng như chất lượng tuyển sinh năm học.
Việc đảm bảo kiến thức văn hoá làm nền tảng cho việc học tập ở bậc cao hơn kết hợp với rèn luyện những kỹ năng năng khiếu sẽ giúp người học phát triển một cách toàn diện.
Khi đó, chất lượng đầu vào của trường đại học đào tạo các ngành sư phạm cũng ngày càng được nâng cao, nhân lực trong lĩnh vực giáo dục cũng ngày một chất lượng hơn.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, khi có sự thay đổi cách xét ngưỡng đầu vào theo hướng chất lượng hơn, nhà trường cũng phải xác định các tiêu chí đánh giá tốt hơn, phù hợp hơn.
Mặt khác, khi có yêu cầu về học lực, trình độ văn hoá, sẽ buộc học sinh phải học thật tốt ở cấp trung học phổ thông. Đó sẽ là tiền đề giúp các thí sinh có một thói quen học tập nghiêm chỉnh khi bước vào môi trường đại học.
Ở chiều ngược lại, khi nhu cầu và chất lượng đầu vào ngày một tăng lên, thì cơ sở giáo dục đại học cũng cần phải tăng trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể, phải đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cũng như tích cực tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường học tập tốt.
Khi đơn vị đào tạo đảm bảo được chất lượng cũng như nâng cao trình độ giảng dạy, bồi dưỡng người học, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành giáo dục nói riêng, cho xã hội nói chung.