Vai trò của giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học trong việc phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ thanh danh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những thủ đoạn thâm độc, nham hiểm của các thế lực thù địch hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta và chế độ xã hội chủ nghĩa. Là những người trang bị tri thức lý‎ luận chính trị cho học viên, sinh viên, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nói chung và đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học nói riêng. Từ vị trí, vai trò của mình, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị là chủ thể quan trọng trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần trang bị cho người học những kiến thức căn bản về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Qua thực tiễn, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học đã và đang phát huy được vai trò của mình trong phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đội ngũ giảng viên là một lực lượng quan trọng trong giáo dục, tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng_Ảnh: TTXVN

Tính cấp thiết của việc phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đánh giá về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác này. Trong đó, việc “các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”(1); “sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”(2) được nhận định là những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Để thực hiện âm mưu xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, đưa ra các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị sử dụng nhiều nội dung, cách thức khác nhau, hết sức thâm độc, xảo quyệt, tập trung ở một số vấn đề sau:

Thứ nhất, các thế lực thù địch xuyên tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh “không phải nhà tư tưởng”, mà chỉ là người có kiến thức, khéo hành động, giỏi tổ chức hoạt động thực tiễn (?!). Đây là một luận điệu hoàn toàn sai trái. Trên thực tế, không thể phủ nhận tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá mà Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam và nhân loại. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, tư tưởng Hồ Chí Minh còn góp phần mở ra cho các dân tộc thuộc địa con đường giải phóng dân tộc gắn với tiến bộ xã hội; đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Khi định nghĩa về nhà tư tưởng, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Một người xứng đáng là nhà tư tưởng khi nào biết giải quyết trước người khác tất cả những vấn đề chính trị - sách lược, các vấn đề về tổ chức, những yếu tố vật chất của phong trào không phải một cách tự phát”(3). Từ chỉ dẫn của V.I. Lê-nin, có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại của dân tộc Việt Nam và nhà tư tưởng tiêu biểu của thế giới nói chung. Điều này được minh chứng qua chính cuộc đời, sự nghiệp, hoạt động thực tiễn và những trước tác mà Người để lại. Nội dung tư tưởng của Người được xuất phát từ thực tiễn, trên nền tảng triết học mác xít, chứa đựng những giá trị văn hóa Đông - Tây, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, góp phần thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc mình và giải phóng các dân tộc thuộc địa.

Trên thực tế, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho rằng, các đảng cộng sản nói chung ra đời dựa trên hai yếu tố: chủ nghĩa xã hội khoa học và phong trào công nhân. Còn ở Việt Nam, nếu chỉ dựa vào hai yếu tố trên là chưa đủ; tư tưởng Hồ Chí Minh bổ sung thêm yếu tố thứ ba, đó là phong trào yêu nước. Luận điểm này hoàn toàn phù hợp với xã hội thuộc địa, phong kiến ở Việt Nam trong quá khứ, khi mọi giai cấp, tầng lớp, trừ tư sản mại bản và đại địa chủ, còn đều có mâu thuẫn dân tộc... Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng ta hơn 94 năm qua đã chứng minh quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này là hoàn toàn đúng đắn, đồng thời những quan điểm như trên cũng cho thấy sự kế thừa, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó góp phần phản bác lại luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, “tư tưởng Hồ Chí Minh sao chép một cách máy móc, nguyên xi chủ nghĩa Mác - Lê-nin” (?!)…

Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động rêu rao rằng, “có tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, nhưng không có tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội” (?!). Họ xảo biện rằng, “Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; khi Người qua đời, nhiệm vụ này còn chưa được giải quyết xong, nên tư tưởng về xây dựng chủ nghĩa xã hội là mờ nhạt…” (?!). Trên thực tế, cống hiến lớn nhất của Người cho cách mạng Việt Nam chính là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. 

Người chọn giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, tức là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Đây là một đột phá về lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường, mục tiêu và phương thức phát triển của cách mạng Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hoàn cảnh một đất nước thuộc địa, thì trước hết phải giành độc lập dân tộc. Nhưng nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc và tự do thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì. Muốn có độc lập, tự do thì phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nhiều cách diễn đạt khác nhau về chủ nghĩa xã hội giúp phần lớn nhân dân lúc bấy giờ hình dung được chủ nghĩa xã hội là gì; tại sao dân tộc Việt Nam lại phải tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi giành được độc lập dân tộc… Trong Di chúc, cụm từ “chủ nghĩa xã hội” cũng được Người đề cập đến nhiều lần. Tất cả những nội dung đó đều chứa đựng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thứ ba, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, “Chủ tịch Hồ Chí Minh không được tổ chức UNESCO tôn vinh là nhà văn hóa kiệt xuất” (?!).

Sự thật là, từ ngày 20-10-1987 đến ngày 20-11-1987, Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 24 ở Paris (Pháp) đã ban hành Nghị quyết số 24C/18.65 về Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nhắc lại “Quyết định số 18C/4.351 thông qua tại khóa 18 Đại hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và kỷ niệm các sự kiện lịch sử đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại” và ghi nhận “việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của nhân vật tri thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới”. Trên cơ sở đó, ghi nhận “năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”(4).

Thứ tư, các thế lực thù địch xảo biện rằng, “tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, không còn phù hợp với thời đại” (?!). Các phần tử cơ hội cho rằng, thời đại ngày nay là thời đại của khoa học - công nghệ, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế…, nên “không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng” (?!). Những chuẩn mực đạo đức cách mạng, như: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư… như tư tưởng Hồ Chí Minh đề cập “đã không còn phù hợp”... Thực tế, tư tưởng của Người là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, đạt tới tầm cao trí tuệ của thời đại, thấm đậm bản sắc văn hóa và bản lĩnh của dân tộc, có sức sống mạnh mẽ, vượt thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị trong thời đại ngày nay, được Đảng ta không ngừng kế thừa, bổ sung và phát triển, là kim chỉ nam cho mọi hành động của cách mạng Việt Nam, tiếp tục soi sáng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam... 

Giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tính đến hết năm 2022, cả nước có 242 trường đại học, gồm 175 trường đại học công lập, 67 trường đại học ngoài công lập (không bao gồm các đường đại học, học viện thuộc khối an ninh, quốc phòng). Đội ngũ giảng viên cơ hữu gồm 78.190 người, trong đó đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có khoảng hơn 3.000 người(5). Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học đã đồng hành cùng giáo dục nước nhà trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển con người Việt Nam về cả đức, trí, thể, mỹ. Ngoài trình độ chuyên môn được đào tạo bài bản, phần lớn các giảng viên có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, trách nhiệm, nhiệt huyết với nghề, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bên cạnh giảng dạy khối kiến thức nền tảng lý luận chính trị, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị còn có nhiệm vụ quan trọng trong việc đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về Đảng, Nhà Nước, trong đó có phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học là người trực tiếp giảng dạy, truyền bá tri thức, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam… nhằm cung cấp cho người học thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, góp phần giúp học viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, giải quyết tốt những vấn đề lý luận chính trị đặt ra trong thực tiễn cuộc sống.

Theo quyết định số 4890 và 4891/QĐ-BGDĐT, ngày 23-12-2019, về “Phê duyệt chương trình, giáo trình sử dụng chung các môn lý luận chính trị đối với trình độ đại học các ngành không chuyên (chuyên) về lý luận chính trị”, giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học đảm nhận giảng dạy, nghiên cứu các môn: Triết học Mác - Lê-nin, kinh tế chính trị Mác - Lê-nin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Các môn học được thực hiện theo trình tự và là điều kiện tiên quyết, bảo đảm sinh viên có cái nhìn toàn diện, hệ thống về lý luận chính trị. Đại đa số đội ngũ giảng viên đều được đào tạo ở các cơ sở giáo dục lớn, có uy tín trong cả nước; 100% đạt trình độ thạc sĩ trở lên. Có thể nói, đây là lực lượng chủ đạo trong giáo dục, tuyên truyền nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến sinh viên. Trong quá trình trao đổi tri thức, giảng viên vừa giảng dạy những kiến thức môn học, đồng thời thường xuyên phân tích, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua việc học tập, nghiên cứu các môn lý luận chính trị, sinh viên được cung cấp và có cái nhìn toàn diện, biện chứng hơn về những vấn đề chính trị - xã hội diễn ra trong cuộc sống, hiểu hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, yêu quý, trân trọng‎ và bảo vệ hình ảnh lãnh tụ.

Trước yêu cầu mới, cần tích cực đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với đối tượng học, bậc học trong từng thời kỳ phát triển của đất nước. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong các học viện, các trường chính trị và nhất đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, các môn khoa học xã hội và nhân văn đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên, học sinh trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng niềm tin khoa học vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Thứ hai, giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học tham gia trực tiếp vào công tác nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài khoa học - công nghệ các cấp có liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp, trong đó có nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cũng là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu khoa học có tầm ảnh hưởng lớn đến công tác giảng dạy, giúp giảng viên bồi dưỡng, trau dồi kiến thức chuyên môn, làm mới và nâng cao chất lượng bài giảng, giúp họ có thêm năng lực phản biện, sáng tạo để giảng giải, phân tích cho người học, kể cả những vấn đề chính trị - xã hội khó, nhạy cảm. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng, chống, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước yêu cầu của cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay, cần huy động, phát huy năng lực, trình độ, kiến thức lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên tại các trường đại học mạnh mẽ hơn tham gia đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái. Bên cạnh đó, các trường đại học, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn tài liệu lý luận chính trị, theo hướng dễ nhớ, dễ hiểu, gắn liền với thực tiễn cuộc sống, được cập nhật thường xuyên để tuyên truyền, giáo dục hiệu quả, giúp học viên, sinh viên hiểu đúng và có niềm tin khoa học vững chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ ba, giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học là lực lượng đông đảo trong việc thực hiện công tác xã hội, vì cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm gần đây, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, xã hội; đã và đang phát huy tính tích cực trên nhiều phương diện, nhất là lan tỏa rộng rãi những hành động đẹp, việc làm tốt theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của những người giảng viên lý luận chính trị vừa "hồng", vừa "chuyên" đến với đông đảo nhân dân; thực hiện lời căn dặn của Bác, góp phần chăm lo cho đời sống của nhân dân, để “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lan tỏa tình cảm, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách tự nhiên tới nhân dân.   

Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học cũng thường xuyên được tiếp cận các văn bản về nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, do đó, kịp thời chia sẻ những thông tin đúng đắn, chính thống của Đảng, Nhà nước một cách khoa học, hiệu quả tới đồng nghiệp, sinh viên và nhân dân.

Đa số các giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học đều là đảng viên. Vì vậy, việc thường xuyên sinh hoạt chuyên đề, học tập nghị quyết, tham gia phản biện xã hội; thực hiện kiểm điểm định kỳ cũng góp phần giúp họ phân biệt, nhận diện các thông tin trong và ngoài nước về các lĩnh vực của đời sống xã hội một cách đúng đắn. Thông qua việc nhận diện những vấn đề đó, giảng viên tuyên truyền, chia sẻ với đồng nghiệp, giảng giải, phân tích với sinh viên… để người dạy và người học chủ động tiếp nhận, xử lý và có cái nhìn khoa học về những vấn đề thực tiễn đặt ra. Các tri thức đã được kiểm định thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về những thông tin đa chiều trong nước và quốc tế dưới sự truyền đạt của giảng viên sẽ giúp sinh viên nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà trước hết là học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng, có nhận thức và bản lĩnh chính trị ngày càng vững vàng, có khả năng “tự đề kháng” và đấu tranh với những thông tin xấu, độc./.

------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 108
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 164
(3) Xem: Võ Nguyên Giáp (chủ biên): “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016
(4) Xem: Mạch Quang Thắng, Bùi Đình Phong, Chu Đức Tính (Đồng chủ biên): “UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013
(5) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Số liệu thống kê giáo dục đại học năm 2021 - 2022

NGUYỄN THỊ THANH TÂM

Trường Đại học Hà Nội

tapchicongsan.org.vn
Các tin bài mới hơn