Vụ trưởng Vụ GDĐH lưu ý: Dù trúng tuyển sớm, nhưng đó chưa phải đỗ chính thức
 
Vụ trưởng Vụ GDĐH nhấn mạnh, gần như các trường đại học đều dành lượng chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyểnbằng kết quả thi tốt nghiệp.

Ngày 3/3, tại Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2024.

Chuẩn bị ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024

Chia sẻ tại ngày hội này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ được Bộ ban hành trong vài ngày tới.

Theo bà Thủy, quy chế này sẽ có sự điều chỉnh chủ yếu về mặt kỹ thuật, để có kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đảm bảo tính công bằng cho mọi thí sinh.

gdvn_VutruongThuThuy.jpg

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2024 (ảnh: V.D)

Điều các thí sinh quan tâm nhất sẽ là phụ lục chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngoại ngữ.

Theo lộ trình, sau khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có kết quả của kỳ thi này mới đăng ký xét tuyển đại học. Lúc đó, thí sinh sẽ vừa biết điểm thi tốt nghiệp, vừa biết kết quả xét tuyển sớm do các trường đại học công bố.

Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy lưu ý: “Dù đã trúng tuyển sớm, nhưng vẫn chưa đỗ chính thức. Theo đúng quy định, thí sinh vẫn phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thí sinh phải xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên ngành nào yêu thích nhất lên trên. Việc xét tuyển năm nay hầu như không có gì thay đổi so với năm ngoái, được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Trong thời hạn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng.

Nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, sau đó lại muốn trúng tuyển nguyện vọng 5 thì không thể thay đổi được nữa”.

gdvn_VutruongThuThuyb.jpg

Thí sinh đặt câu hỏi trực tiếp tại ngày hội (ảnh: V.D)

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông rất quan trọng, do gần như toàn bộ các trường đại học đều dành một lượng chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển này.

Trả lời câu hỏi của một vị phụ huynh nêu lên tại ngày hội tư vấn rằng, do năm nay là năm cuối thực hiện chương trình của năm 2006, sang năm là năm đầu tiên thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nếu thí sinh không đủ tiêu chuẩn xét tuyển đại học năm nay, thì làm thế nào để được xét tuyển đại học vào năm sau?

Trước băn khoăn này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy cho hay: “Nếu thí sinh chưa học đại học năm nay, mà dự định ứng tuyển vào năm tới bằng phương thức xét tuyển như kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá tư duy thì dựa vào thời hạn của kết quả đó là hoàn toàn có thể đăng ký ứng tuyển.

Còn nếu dùng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển thì thí sinh có thể sẽ phải dự thi chung với khóa sau, với các bài thi và cách đánh giá giống như các em của năm sau.”

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, đây là một khó khăn và thách thức. Thí sinh sẽ có một năm để chuẩn bị, với những nội dung rất mới. Có thể sẽ không có kỳ thi lại, nên học sinh cần lường trước được chuyện này để mà nỗ lực cho kỳ thi của năm 2024 với một kết quả tốt nhất, mỹ mãn nhất.

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy lưu ý, thí sinh nên tìm hiểu kỹ Đề án tuyển sinh của trường mà mình mong muốn đăng ký xét tuyển, để có nhiều cơ hội rộng mở hơn.

Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ như thế nào?

Trả lời thắc mắc của phụ huynh về kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trong năm 2025 sẽ như thế nào bởi học sinh học tổ hợp khác nhau.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Phùng Quán – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của năm 2025 sẽ vẫn giống như năm nay, bao gồm 3 phần là sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề.

gdvn_VutruongThuThuyc.jpg

Thạc sĩ Phùng Quán tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2024 (ảnh: V.D)

Kỳ thi năm nay, thí sinh sẽ vẫn thi 120 câu làm trong vòng 150 phút, nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh.

Còn đối với năm tới, sự điều chỉnh của kỳ thi này sẽ tập trung chủ yếu vào phần giải quyết vấn đề. Thí sinh sẽ chọn lựa thực hiện 3 trong số 6 nhóm vấn đề trong quá trình làm bài.

Đối với việc sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, quy định là chỉ được dùng kết quả thi của năm tuyển sinh.

Hiện chỉ có Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, cho phép thí sinh được sử dụng lại kết quả kỳ thi năm trước để xét tuyển năm nay.

giaoduc.net.vn
Các tin bài mới hơn