Phong trào vì sự tiến bộ phụ nữ tác động tích cực đến thành công của nữ cán bộ, giảng viên trường Đại học Tân Trào
 
Ngày18/12/1979, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn, Việt Nam là một trong những Quốc gia đầu tiên ký tham gia Công ước vào ngày 29/7/1980 và được phê chuẩn vào ngày 27/11/1981. Đến nay, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ quan trọng về bình đẳng giới. Cơ hội tiếp cận của phụ nữ với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và sự tham gia của họ trong lĩnh vực lao động ngày càng tăng.

Theo truyền thống phương Đông, người phụ nữ thường là ngọn lửa giữ gìn mái ấm gia đình, là người nâng khăn, sửa túi cho chồng. Vì vậy, đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Ngày nay, cùng với sự tiến bộ và hội nhập của xã hội, vai trò của người phụ nữ đã dần thay đổi. Rất nhiều phụ nữ đã được chồng thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ để có điều kiện học tập vươn lên. Trong những năm gần đây, với sự hoạt động tích cực và hiệu quả của phong trào Vì sự tiến bộ phụ nữ, nữ giới đã từng bước khẳng định được vị trí của mình trong xã hội, đóng góp được nhiều hơn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Để thực hiện được điều đó, người phụ nữ phải gánh nặng cả hai vai: chức năng xã hội và chức năng gia đình, trong đó chức năng xã hội của phụ nữ ngày càng được khẳng định mà chức năng gia đình cũng không hề giảm nhẹ. Trong ấm thì ngoài mới êm. Một bên là công danh, sự nghiệp; một bên là gia đình với thiên chức người vợ, người mẹ. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, thực hiện sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, vai trò của phụ nữ nói chung và phụ nữ ngành giáo dục đào tạo nói riêng càng nặng nề hơn, đòi hỏi các chị  phải nỗ lực nhiều hơn để không những hoàn thành tốt chức năng xã hội mà còn hoàn thành tốt chức năng gia đình; làm tròn cả hai bổn phận của người thầy trên lớp, người vợ, người mẹ trong gia đình, một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng.

Trường Đại học Tân Trào là đơn vị có lực lượng nữ cán bộ, giảng viên khá đông đảo. Trong những năm gần đây, với tinh thần phấn đấu không ngừng, tập thể nữ cán bộ, giảng viên trường đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, cũng như các phong trào của nữ giới, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng Nhà trường ổn định và phát triển vững mạnh. Ở các chị nổi bật lên là phẩm chất, đạo đức của nhà giáo, của người cán bộ quản lý giáo dục, có lối sống trong sạch, lành mạnh; tích cực tham gia các hoạt động chung của nhà trường. Các chị đều có ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, trong công tác giảng dạy và phục vụ giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học.

Trường Đại học Tân Trào đang trong giai đoạn xây dựng một trường đại học vững về chất lượng, vì thế mỗi nữ cán bộ, giảng viên đã tự ý thức được trách nhiệm của mình với nhiệm vụ chính trị của nhà trường, từ đó có những hành động góp phần tích cực xây dựng Nhà trường. Nữ cán bộ, giảng viên không ngừng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương pháp dạy và học, khắc phục hoàn cảnh gia đình để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của chuyên môn nghiệp vụ: Phong trào học tập nâng cao trình độ được các chị em tích cực thực hiện, công tác chuyên môn có nhiều đổi mới đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học theo hệ thống tín chỉ. Công tác nghiên cứu khoa học được nâng lên về số lượng và chất lượng.  Chỉ tính riêng trong năm 2016 và đầu năm 2017, trường Đại học Tân Trào đã có thêm 12 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ nâng tổng số Tiến sĩ của Nhà trường từ 16 lên 28 Tiến sĩ. Đặc biệt trong số đó có 7 tân Tiến sĩ là nữ (chiếm 58,3%).

Ở tuổi 30 Tiến sĩ Đoàn Thị Cúc đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Giáo dục, trở thành Tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Trường Đại học Tân Trào. Bằng những nỗ lực trong nghiên cứu khoa học, trong 5 năm trở lại đây, TS. Đoàn Thị Cúc đã có 15 công trình nghiên cứu khoa học được công bố. Trong đó có 2 cuốn sách chuyên khảo, 13 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín hàng đầu trong nước như: Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Tạp chí thiết bị giáo dục... và những Hội thảo khoa học lớn như Hội thảo khoa học toàn quốc trường ĐHSP Hà Nội, Hội thảo Quốc gia trường ĐH Thủ Đô… Năm 2016, TS. Đoàn Thị Cúc đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án: “Phát triển môi trường giao tiếp cho sinh viên các trường Cao đẳng miền núi Phía Bắc”. Đây là luận án tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam tổng quan được vấn đề về môi trường giao tiếp và phát triển môi trường giao tiếp cho sinh viên sư phạm các trường cao đẳng miền núi phía Bắc. Đánh giá được thực trạng môi trường giao tiếp và phát triển môi trường giao tiếp cho sinh viên sư phạm các trường cao đẳng miền núi phía. Làm rõ nguyên nhân của thực trạng để có định hướng xây dựng các biện pháp phát triển môi trường giao tiếp cho sinh viên.

TS. Chu Thị Thuỳ Phương là một giảng viên trẻ, luôn say mê và tâm huyết với nghề, cùng với những nỗ lực trong nghiên cứu khoa học, đến nay, TS. Chu Thị Thùy Phương đã có nhiều công trình khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín hàng đầu trong nước cũng như những Hội thảo khoa học lớn như: Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, Hội thảo hội thảo – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội… Năm 2016, TS. Chu Thị Thùy Phương đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án "Lập luận trong hội thoại của nhân vật (qua tư liệu văn xuôi Việt Nam, giai đoạn 1930-1945)".

TS. Vũ Thị Kiều Trang là một trong những người có nhiều kinh nghiệm quản lý. Vượt qua những khó khăn trong thời gian làm nghiên cứu sinh khi vừa phải đi học vừa đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đơn vị, TS. Vũ Thị Kiều Trang vẫn hoàn thành xuất sắc luận án đảm bảo đúng thời gian quy định. Không những thế, trong suốt quá trình giảng dạy, nhờ những nỗ lực trong nghiên cứu khoa học nên TS Vũ Thị Kiều Trang đã có nhiều công trình khoa học có giá trị cao. Cụ thể cho đến nay, TS Vũ Kiều Trang là tác giả của một cuốn sách chuyên khảo, 11 bài báo được công bố trên những tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trong nước và những Hội thảo lớn như: Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Tâm lý học xã hội, Hội thảo quốc tế… Năm 2016, TS. Vũ Thị Kiều Trang đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án "Nghiên cứu sự thích ứng của trẻ 5-6 tuổi trong các hoạt động chuẩn bị đến trường phổ thông". Luận án góp phần bổ sung thêm một số vấn đề lý luận về sự thích ứng; sự thích ứng của trẻ 5-6 tuổi trong các hoạt động chuẩn bị đến trường phổ thông trong lĩnh vực tâm lý học xã hội, tâm lý học sư phạm. Bên cạnh đó, luận án còn xác định được những biểu hiện, tiêu chí đánh giá và những yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng của trẻ 5-6 tuổi trong các hoạt động chuẩn bị đến trường phổ thông.

TS. Nguyễn Thị Bích Hợp là một Tiến sĩ trẻ. Ở tuổi 32 với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu nghề và ngọn lửa đam mê bộ môn Ngôn ngữ Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Bích Hợp đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học và nhiều bài bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín hàng đầu trong nước như: Tạp chí ngôn ngữ và đời sống, Tạp chí từ điển học và bách khoa thư, Tạp chí ngôn ngữ... và những Hội thảo khoa học lớn như Hội thảo Ngữ học toàn quốc, Hội thảo khoa học ĐHSP Hà Nội, Hội thảo Khoa học toàn quốc… Năm 2016, TS. Nguyễn Thị Bích Hợp đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án: Ẩn dụ ý niệm miền “đồ ăn” trong tiếng Việt. Đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu toàn diện, triệt để về ẩn dụ ý niệm miền “đồ ăn” dưới ánh sáng lí thuyết Ngôn ngữ học tri nhận. Luận án được thực hiện công phu, đồ sộ, có nhiều điểm mới, đạt chất lượng xuất sắc cả về nội dung và hình thức. Kết quả nghiên cứu đó đã được Hội đồng đánh giá xuất sắc với số phiếu tuyệt đối 7/7.  

Trong nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy, TS. Lý Thị Thu đã vượt qua rất nhiều khó khăn để vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng như hoàn thành xong chương trình đào tạo Tiến sĩ. Năm 2016, TS. Lý Thị Thu đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án: "Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 1991 đến năm 2010". Luận án đã góp phần làm sáng tỏ quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng về công tác dân tộc tại một tỉnh miền núi, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng hợp được những thành tựu chủ yếu của Đảng bộ Tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 1991 đến năm 2010. Qua đó rút ra những bài học, kinh nghiệm của Đảng bộ Tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 1991 đến năm 2010.

Cuối năm 2016 TS. Ninh Thị Bạch Diệp bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học môn Sinh học  với đề tài “Nâng cao hiệu quả dạy học theo nhóm nhỏ môn Sinh học 6 - THCS”. Luận án đã hệ thống hóa tình hình nghiên cứu và vận dụng dạy học theo nhóm nhỏ vào dạy học trên thế giới cũng như ở Việt Nam; Nghiên cứu, phân tích các khái niệm liên quan đến dạy học theo nhóm nhỏ như: khái niệm nhóm, khái niệm nhóm học tập, khái niệm nhóm nhỏ cũng như việc phân loại nhóm, nhóm học tập, nhóm nhỏ. Trên cơ sở đó chúng tôi đưa ra định nghĩa về dạy học theo nhóm nhỏ; Phân tích cơ sở triết học, cơ sở tâm lý học, cơ sở lý luận dạy học; Đặc điểm và bản chất của dạy học theo nhóm nhỏ, đồng thời chỉ ra vai trò, ưu nhược điểm của dạy học theo nhóm nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất một số kỹ thuật dạy học được áp dụng trong dạy học theo nhóm nhỏ và một số năng lực hợp tác cần rèn luyện cho học sinh trong dạy học theo nhóm nhỏ.

Mở đầu cho năm 2017 của trường Đại học Tân Trào là Tiến sĩ Phạm Thị Thu Thuỷ. Đảm nhận cương vị quản lý, lãnh đạo khoa Giáo dục Mầm non, đồng thời tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học chị phải nỗ lực gấp nhiều lần để vừa làm tốt thiên chức của người vợ người mẹ trong gia đình, vừa hoàn thành xuất sắc luận án Tiến sĩ. Tháng 02/2017, TS. Vũ Thị Thu Thuỷ bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tâm lý học chuyên ngành với đề tài “Kỹ năng giao tiếp của trẻ 5 – 6 tuổi Tỉnh Tuyên Quang qua trò chơi đóng vai theo chủ đề”. Luận án góp phần bổ sung, làm phong phú thêm một số vấn đề lý luận về kỹ năng giao tiếp ở trẻ 5-6 tuổi qua trò chơi đóng vai theo chủ đề, như: Khái niệm Kỹ năng; Giao tiếp; Giao tiếp của trẻ 5-6 tuổi; Trò chơi đóng vai theo chủ để của trẻ 5-6 tuổi; kỹ năng giao tiếp ở trẻ 5-6 tuổi qua trò chơi đóng vai theo chủ đề.

Ngoài những tấm gương đã nêu trên còn có rất nhiều những điển hình phụ nữ tiêu biểu khác trong trường Đại học Tân Trào mà trong khuôn khổ bài viết không thể nhắc hết. Những thành tích đạt được trong năm qua một lần nữa khẳng định phong trào Vì sự tiến bộ phụ nữ tác động tích cực đến thành công của nữ cán bộ, giảng viên trường Đại học Tân Trào. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tin tưởng dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ Nhà trường cùng sự đoàn kết, nhất trí của tập thể nữ cán bộ, giảng viên chắc chắn Đại học Tân Trào sẽ trở thành hạt nhân tiêu biểu trong công tác xoá bỏ bất bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.