Nhành Lan
 
Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ đã có điều kiện thuận lợi hơn để tham gia các hoạt động xã hội, họ cũng thành công hơn trong công việc của mình. Thế nhưng, không phải người phụ nữ nào cũng có thể cân đối, sắp xếp thời gian hợp lý để công việc xã hội và chăm lo gia đình được hài hoà. Với cô giáo Vũ Thị Phương Lan thì lại khác. Cho đến hôm nay, ai biết chị cũng phải công nhận một điều rằng: Chị đã thành công trong việc sắp xếp thời gian, công việc để đúng là tấm gương của người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Chị sinh năm 1965 tại Thanh Oai (Hà Nội). Năm 1986 chị tốt nghiệp trường Đại học Thể Dục Thể Thao Hà Nội và về nhận công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, nay là trường Đại học Tân Trào. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm chị gắn bó với mái trường thân yêu này. Từ năm 1986 đến năm 2009 chị là giáo viên bộ môn giáo dục thể chất và sau đó do yêu cầu của công việc, do sự thay đổi cơ cấu tổ chức của trường, chị nhận đảm trách Phó Trưởng phòng Hành chính - Quản trị và tiếp tục tham gia giảng dạy bộ môn giáo dục thể chất ở Trung tâm Thể dục – Thể thao trường Đại học Tân Trào.

               

Đồng nghiệp làm việc với chị, ai cũng dễ dàng nhận ra ở chị sự thân thiện, chân thành, tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. Dù ở cương vị nào, chị cũng không nề hà khó khăn, vất vả mà luôn vui vẻ nhận nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Ở người phụ nữ có vẻ ngoài dung dị, dịu dàng này toát lên một phong thái tự tin, tự chủ, một phong cách chừng mực, luôn mẫu mực trước sinh viên, thân thiện với đồng nghiệp. 

Mọi người trong trường thường gọi chị với cái tên vô cùng thân thương “Ma ma tổng quản”. Cái tên ấy gắn liền với chị từ sau khi chị nhận đảm nhận cương vị Phó Trưởng phòng Hành chính – Quản trị, bởi lẽ công việc của chị khá phức tạp. Đôi khi, người ta thường ví công việc hành chính như “Làm dâu trăm họ” và “Hành là chính”, đơn vị chị phụ trách công việc phục vụ từ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, các sự kiện được tổ chức trong trường…  Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao ngoài việc phải tự mình sắp xếp các đầu việc, chị còn phải phân công, quản lý, giám sát các đồng chí trong đơn vị để công việc được diễn ra đúng kế hoạch, đạt hiệu quả cao. Chính vì thế mà mọi người vẫn thường gọi chị với cái tên trìu mến “Ma ma tổng quản”.

Đối với các thế hệ sinh viên mỗi khi nhắc tới cô Phương Lan đều có những nhận xét cô là một người giáo viên gần gũi, cởi mở, thân thiện nhưng luôn nghiêm khắc trong mỗi giờ học. Cô Phương Lan còn là một địa chỉ vô cùng tin cậy để những sinh viên có tâm sự, nỗi lòng trong cuộc sống chia sẻ và nhận được những lời khuyên hữu ích.

Mặc dù công việc bận rộn nhưng chị luôn có sự dung hòa thời gian giữa việc ở trường và thời gian chăm lo cho mái ấm gia đình. Chị luôn coi Nhà trường là gia đình lớn nhưng bên cạnh đó chị cũng luôn chú ý tới gia đình nhỏ của mình - nơi mà sau những lúc vất vả, căng thẳng và áp lực chị được nghỉ ngơi thư giãn. Chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học để giải quyết các công việc, tránh chồng chéo để bản thân có thể hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan và vẫn luôn là ngọn lửa sưởi ấm cho hạnh phúc gia đình nhỏ của mình.

Luôn tận tụy, không ngại khó khăn, vất vả, luôn vui vẻ nhận nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc công việc được giao, chị đã được các cấp ghi nhận bằng các phần thưởng danh giá: Nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở; 02 lần được UBND tỉnh tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 02 lần được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ngoài ra, cô Phương Lan còn được Tỉnh ủy tặng Bằng khen đạt tiêu chuẩn Đảng viên hoàn thành xuất sắc giai đoạn 2010 - 2014…

Vũ Thị Phương Lan, một giảng viên giỏi, một người phụ nữ đảm đang, một con người sống luôn đầy nghĩa tình. Chị gắn bó với quê hương Tuyên Quang hơn ba mươi năm qua, như nhành lan tươi thắm, không ngại nắng mưa khắc nghiệt, vẫn âm thầm khoe sắc, toả hương. Mọi sự đã đổi thay, khó khăn đã qua, Tuyên Quang đã đổi mới. Và chị, là tấm gương sáng, là minh chứng cho mọi người tin rằng: Người không phụ đất, đất không phụ người. Mảnh đất Tuyên Quang mà chị gắn bó đã cho chị thành công và nuôi dưỡng, ôm ấp tổ ấm hạnh phúc của chị.