Giáo sư Shine Ha- Young, chuyên gia của IPAID thăm lớp, dự giờ đối với 2 học phần đang thực hiện theo phương pháp Living Lab
 
Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa Trường Đại học Tân Trào và Viện giảm nghèo & phát triển quốc tế - IPAID thuộc Trường Đại học Yonsei (Top 3 trường Đại học tốt nhất Hàn Quốc), ngày 13 và 14/4/2023 vừa qua các giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Tân Trào đã vinh dự được đón tiếp đoàn giảng viên và các chuyên gia của IPAID gồm Giáo sư Shine Ha- Young,sang thăm lớp, dự giờ đối với 2 học phần đang thực hiện theo phương pháp Living Lab. Đoàn chuyên gia đã đánh giá rất cao năng lực dạy và học của giảng viên và sinh viên trường Đại học Tân Trào.

Living Lab là một chương trình dự án phổ biến trên nhiều lĩnh vực ở các nước phát triển trên thế giới nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các thành viên trong xã hội từ chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu và người dân trong giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó phát huy tối đa vai trò của người dân trong việc phát hiện vấn đề và đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề một cách sáng tạo nhất, thực tế nhất.

Toàn cầu hoá và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới đã và đang đem đến cho con người những thành tựu vượt bậc nhưng đi kèm với nó là những vấn đề mang tính toàn cầu đặt ra những thách thức lớn cho nhân loại mà không một cá nhân nào nằm ngoài sự ảnh hưởng của nó. Living Lab trong giáo dục là phương pháp giảng dạy kiểu mới. Ở đó, người học sẽ có nhận thức rõ hơn vai trò của một “công dân toàn cầu”, có quyền và nghĩa vụ trong giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Nói một cách dễ hiểu, thông qua các hoạt động living lab của từng môn học, người học hiểu được những kiến thức được học ở trường là để làm gì? Người học được tự tìm hiểu để phát hiện các vấn đề đang xảy ra ngay tại địa bàn xung quanh nơi mình sinh sống và vận dụng kiến thức được học nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

Áp dụng phương pháp Living Lab vào học phần Kinh tế quốc tế do ThS. Hoàng Anh Đào, giảng viên khoa Kinh tế và QTKD phụ trách, ngoài những nội dung lý thuyết theo chương trình đào tạo, sinh viên đã được định hướng nhằm vận dụng các kiến thức của học phần vào tìm hiểu các vấn đề thực trạng đang diễn ra tại địa phương. Sau các hoạt động living lab, 03 nhóm sinh viên (5-6 SV/nhóm) đã phát hiện ra nhiều vấn đề của địa phương, trong đó vấn đề về xử lý rác thải sinh hoạt và ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề nổi cộm. Bằng thực hiện các dự án living lab, các nhóm đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực và khả thi như dự án Phân loại rác tại nguồn, Tái chế và tái sử dụng, Công viên tái chế, Giữ gìn cảnh quan đô thị,… Đoàn chuyên gia của IPAD (Hàn Quốc) chia sẻ rằng họ thực sự rất ấn tượng với sự sáng tạo và các kỹ năng trong xây dựng dự án living lab của sinh viên trường Đại học Tân Trào.

 

Cũng tham gia vào việc áp dụng phương pháp Living Lab vào học phần Công tác xã hội với dân tộc thiểu số do ThS. Nguyễn Thị Thùy, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội phụ trách, bên cạnh những nội dung lý thuyết theo chương trình đào tạo, sinh viên đã được giảng viên hướng dẫn nhằm vận dụng các kiến thức của học phần vào tìm hiểu các vấn đề thực trạng đang diễn ra tại địa phương. Sau các hoạt động living lab, 02 nhóm sinh viên (5-6 SV/nhóm) đã phát hiện ra nhiều vấn đề của địa phương, trong đó vấn đề tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số đang là một vấn đề được quan tâm. Bằng thực hiện các dự án living lab, các nhóm đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực và khả thi tuyên truyền kết hợp giữa chính quyền, nhà trường và các tổ chức đoàn thể, hỗ trợ  và tư vấn tâm lý cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số, thành lập câu lạc bộ trẻ em gái, Lớp học nhận được sự đánh ra cao về sự tự tin năng động của sinh viên cũng như sự tâm huyết và phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Trong tháng 5/2023, sinh viên của hai trường sẽ có những hoạt động trao đổi với nhau về các dự án living lab của mình. Chắc chắn rằng từ sự hợp tác và chia sẻ, sinh viên của cả hai trường sẽ từng bước trở thành những “công dân toàn cầu” thật sự và phát triển được năng lực của mình trong giải quyết các vấn đề của thời đại 4.0.