HỘI THẢO QUY TRÌNH XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC PHỔ THÔNG SAU NĂM 2015
 
Ngày 18/4/2015, trường Đại học Tân Trào cử đoàn công tác do NCS.ThS Nguyễn Khải Hoàn, phó hiệu trưởng – Trưởng đoàn và đại diện các khoa, bộ môn trong nhà trường tham dự hội thảo “Quy trình xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015” tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

NCS, ThS Nguyễn Khải Hoàn – Phó hiệu trưởng trường ĐH Tân Trào thảo luận tại Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo, giảng viên các trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Tân Trào và Cục Nhà giáo – Bộ Giáo dục và Đào tạo.

PGS, TS Phạm Hồng Quang  - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên tại Hội thảo.

Hội nghị đã được nghe các ý kiến trao đổi, chia sẻ của PGS.TS Phạm Hồng Quang, hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên về lý thuyết phát triển chương trình và vấn đề phát triển chương trình của trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên. Bài báo cáo với các quan điểm: “Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đổi mới chương trình đào tạo của các trường đại học sư phạm” và “mục tiêu của đào tạo giáo viên sắp tới là đào tạo chuyên gia giáo dục thuộc lĩnh vực rộng và chuyên sâu về chuyên môn”, trên cơ sở quan điểm, mục tiêu đó, PGS, TS Phạm Hồng Quang đã đưa ra các bước xây dựng chương trình đào tạo đại học trong các trường sư phạm theo hướng tiếp cận năng lực.

PGS.TS. Nguyễn Phúc Chỉnh – Trường ĐHSP Thái Nguyên trình bày báo cáo “Cách phát triển chương trình đào tạo giáo viên của trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên”.

TS Nguyễn Danh Nam - Trường ĐHSP Thái Nguyên trình bày về “Chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (dự án POHE)”: Dự án giáo dục đại học (Việt Nam – Hà Lan). Đây là chương trình dựa trên khung năng lực người học, tích hợp kiến thức lý thuyết, kiến thức thực tế và kỹ năng xã hội, chương trình có từ 25 – 40% số giờ thực hành, đánh giá sinh viên liên quan đến thị trường lao động. Chương trình được thiết kế theo module kiến thức.

Nội dung trao đổi đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo, giảng viên các trường tham dự, Hội nghị đã sôi nổi thảo luận để hiểu rõ hơn cách xây dựng chương trình đào tạo mới, trao đổi kỹ về kinh nghiệm của trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên – Trường Đại học sư phạm đầu tiên xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận mới này.

Buổi chiều, Hội nghị tổ chức thảo luận tại các khoa, bộ môn của trường Đại học Sư phạm 2. Tại đây các giảng viên được nghe báo cáo, trao đổi những kinh nghiệm và cách làm của các đồng chí trưởng, phó các khoa, bộ môn của trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên về các sản phẩm xây dựng chương trình đào tạo như: đánh giá xây dựng chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực; cấu trúc năng lực của sinh viên tốt nghiệp; bảng mô tả năng lực và module kiến thức dành cho đào tạo giáo viên THPT; khái quát khung chương trình đào tạo của K49 – trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên; đề cương môn học cụ thể của khoa, bộ môn nhà trường.

Đông đảo cán bộ, giảng viên 03 trường tham dự Hội thảo.

Hội nghị này là dịp để trường Đại học Tân Trào có cơ hội học tập kinh nghiệm từ phía 2 trường lớn có bề dầy trong lĩnh vực đào tạo giáo viên. Từng khoa, bộ môn đã có cái nhìn tổng quan về yêu cầu, nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận mới hiệu quả hơn, phù hợp hơn với điều kiện thực tế và đảm bảo cho tôn chỉ của trường Đại học Tân Trào “Chất lượng là yếu tố cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của nhà trường”./.

 

 

 

 

 

 

 

ThS. Nguyễn Thị Tuyết
EMC Đã kết nối EMC