TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM trong giờ thực hành thí nghiệm. Ảnh: VNUHCM |
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và tự chủ đại học. Bên cạnh thành tựu, theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, hệ thống đại học này cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Người học là trung tâm
- Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ĐHQG TPHCM đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
- Để thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, chúng tôi đã triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, làm tiền đề cho quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học tại ĐHQG TPHCM.
Thứ nhất, đổi mới quản lý theo phương thức quản trị đại học tiên tiến với yêu cầu thay đổi tư duy quản lý Nhà nước trong toàn hệ thống. ĐHQG TPHCM đã tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ cao cho các đơn vị thành viên; xây dựng khung pháp lý, cơ chế đặc thù thúc đẩy mạnh mẽ sự phối hợp sử dụng nguồn lực chung trong toàn hệ thống.
Thứ hai, chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo chung, khung chương trình đào tạo cụ thể theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp và bám sát với điều kiện tại Việt Nam. ĐHQG TPHCM tập trung cải tiến quy trình đào tạo, có sự thống nhất giữa các giai đoạn, từ hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, tốt nghiệp; đẩy mạnh liên thông đào tạo để phát huy sức mạnh của hệ thống.
Chúng tôi luôn lấy người học là trung tâm và đã xây dựng mẫu hình sinh viên theo định hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất. Trong Chiến lược phát triển, chúng tôi xác định sứ mạng của mình là đào tạo, bồi dưỡng nhân tài có kiến thức toàn diện, trách nhiệm xã hội, có tư duy khởi nghiệp và năng lực lãnh đạo.
ĐHQG TPHCM tăng cường công tác kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo; gắn kết đào tạo với phục vụ cộng đồng; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo để liên tục cập nhật, cải tiến chương trình, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Thứ ba, chúng tôi xây dựng cơ chế đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là khu vực Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc cho các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu; hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các cơ sở đào tạo.
Cuối cùng, chúng tôi tập trung mọi nguồn lực, huy động nguồn vốn xã hội để xây dựng khu đô thị đại học đầu tiên của cả nước theo định hướng khu đô thị đại học xanh, thân thiện và hiện đại.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: VNUHCM |
Khẳng định vị thế
- Những điểm nhấn nào tại ĐHQG TPHCM trong 10 năm qua khiến ông tâm đắc nhất?
- Chúng tôi gặt hái được một số thành tựu quan trọng trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt vị thế của ĐHQG TPHCM ngày càng được khẳng định mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục Việt Nam và trên trường quốc tế. ĐHQG TPHCM tiên phong trong đổi mới tuyển sinh đại học bằng kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển theo tổ hợp nhiều tiêu chí; đa dạng hóa loại hình và phương thức đào tạo (chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh).
Kỳ thi đánh giá năng lực do chúng tôi tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 đến nay là điểm nhấn nổi bật trong công tác tuyển sinh đại học. Năm 2023, chúng tôi tổ chức 2 đợt thi Đánh giá năng lực tại 17 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào. Đợt thi thu hút đông thí sinh tham gia nhất từ trước đến nay. Tính chung cho cả hai đợt thi năm 2023, có tổng cộng 133.775 lượt đăng ký dự thi của 101.737 thí sinh đến từ 1.885 trường THPT của 61 tỉnh, thành phố trên cả nước.
ĐHQG TPHCM đẩy mạnh triển khai kiểm định theo nhiều bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Đến nay, chúng tôi dẫn đầu cả nước với 126 chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế; thuộc tốp 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (QS World), đạt vị trí 167 các trường đại học xuất sắc châu Á (QS Asia). ĐHQG TPHCM cũng là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng công bố khoa học quốc tế trong danh mục Scopus với gần 2.400 bài (năm 2022).
Ngoài ra, chúng tôi có mạng lưới đối tác học thuật quốc tế là các tổ chức giáo dục hàng đầu từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc; tạo được uy tín tốt trong phát triển và triển khai các dự án. Dẫn chứng là năm 2023, ĐHQG TPHCM triển khai được 4 dự án quốc tế do Ngân hàng Thế giới, Tổ chức USAID của Hoa Kỳ, tổ chức KOICA của Hàn Quốc, tổ chức ACIAR của Australia tài trợ với tổng kinh phí hơn 132 triệu USD. Chúng tôi cũng ký kết và triển khai hiệu quả nhiều hợp tác với các bộ - ngành - địa phương, doanh nghiệp.
Tại ĐHQG TPHCM, việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng. Đội ngũ này phát triển cả về chất và lượng. Nếu như năm 2013, ĐHQG TPHCM chỉ có 1.087 tiến sĩ, 249 giáo sư, phó giáo sư thì đến năm 2022, con số này tăng lên với 1.489 tiến sĩ, 349 giáo sư, phó giáo sư.
Bên cạnh đó, công tác ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng được đặc biệt quan tâm. Chúng tôi vừa thông qua chủ trương xây dựng đề án “Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành”.
Một góc Khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM nhìn từ trên cao. Ảnh: VNUHCM |
Thách thức cần vượt qua
- Trong quá trình triển khai, ĐHQG TPHCM gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
- Trong 10 năm qua, khi triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW và chương trình hành động, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, phối hợp, hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương để hoàn thành sứ mạng mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, ĐHQG TPHCM còn có một số khó khăn, thách thức, cụ thể:
Dù có 6/7 trường đại học thành viên thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng chúng tôi nhận thấy tiến trình này còn nhiều thách thức. Cụ thể: Nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; chính sách cho sinh viên vay vẫn hạn chế về đối tượng, quy trình thủ tục, định mức và thời hạn vay; một số quy định về pháp luật còn thiếu đồng bộ chưa thúc đẩy tự chủ đại học; có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ bao gồm cả bậc sau đại học, dẫn đến mất cân đối trong lĩnh vực, ngành nghề đào tạo.
Việc cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng và quy định của Nhà nước có lúc, có chỗ chưa được triển khai kịp thời, đồng bộ, nhất là khung pháp lý đặc thù cho Đại học Quốc gia; chưa làm rõ vị trí pháp lý và mức độ tự chủ để đưa ra chiến lược phát triển cho giai đoạn mới.
Đầu tư cho khoa học - công nghệ và giáo dục của Nhà nước chưa thực sự trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục đại học có tiềm năng phát triển nhanh, mạnh mẽ như ĐHQG TPHCM. Kinh phí cho nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu và có xu hướng giảm dần, nhất là so với các nước trong khu vực.
Chưa có cơ chế để các địa phương được sử dụng ngân sách đầu tư, đặt hàng cho các trường đại học nhận ngân sách từ Trung ương, trong đó có ĐHQG TPHCM.
Sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Tập trung triển khai 6 nhóm chiến lược
- Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW, ĐHQG TPHCM sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?
- Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 29 và hướng mục tiêu đến năm 2030, ĐHQG TPHCM thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, chúng tôi đã rà soát, xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, ĐHQG TPHCM tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả 6 nhóm chiến lược chính, gồm: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản trị đại học; Phát triển các chương trình đào tạo nhân tài; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ liên ngành giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới; Tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập; Xây dựng Khu đô thị xanh, thân thiện, hiện đại; Phát triển nguồn lực tài chính bền vững.
Ngoài ra, vừa qua ĐHQG TPHCM đã xây dựng và hoàn thành dự thảo Đề án “Phát triển ĐHQG TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”. Đây là đề án nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chúng tôi đang lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 10 năm 2023.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 27/1/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định 16/CP thành lập ĐHQG TPHCM. Hiện ĐHQG TPHCM là một hệ thống gồm 38 đơn vị: 7 trường đại học thành viên (các trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học và Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH An Giang); 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên (Viện Môi trường và Tài nguyên); 2 khoa trực thuộc (Khoa Y, Khoa Chính trị - Hành chính); 1 phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 27 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ.