5 năm, một chặng đường
 
5 năm là một khoảng thời gian không dài đối với một trường đại học, nhưng là những năm thật nhiều kỷ niệm, có sự tự hào, vinh dự, có nhiều thành công nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, nhiều niềm vui và cũng có nhiều nỗi buồn. Xin viết lại đôi dòng cảm nghĩ về những bước đi ban đầu của nhà trường và đây là những suy nghĩ trong tâm với những dòng chữ viết vội, mộc mạc và chân thành xin gửi tới các THẦY, CÔ và các em SINH VIÊN Trường Đại học Tân Trào thân yêu nhân ngày 14/8 - Ngày thành lập Trường Đại học Tân Trào.

5 năm, tự hào, vinh dự, buồn vui một chặng đường!

Sau ba nhiệm kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, với sự ủng hộ và tạo điều kiện tuyệt đối của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng các sở, ban, ngành của tỉnh Tuyên Quang, sự hỗ trợ của Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể đội ngũ giảng viên, nhân viên, ngày 14 tháng 8 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập trường đại học mang tên Tân Trào lịch sử trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tuyên Quang.

5 năm là quãng thời gian rất ngắn đối với một trường đại học, nhưng với Đại học Tân Trào, 5 năm vừa qua là cả một chặng đường dài mà thầy và trò nhà trường đã vượt qua, đó là kết quả của một sự nỗ lực, cố gắng với một tập thể đoàn kết, chung sức đồng lòng khắc phục những khó khăn, vất vả của một trường đại học thuộc địa phương trong số các địa phương khó khăn của cả nước, cùng vượt qua những khó khăn chung tác động lên mọi hoạt động của nhà trường, vượt qua những hạn chế, khó khăn của chính mình để tồn tại và tìm hướng phát triển.

Sau 5 năm, từ một trường cao đẳng chủ yếu đào tạo ngành sư phạm, đội ngũ giảng viên chỉ có 4-5 tiến sĩ, trên 70 thạc sĩ, hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế gần như chưa có, diện tích đất đai chỉ 4,6ha với một số công trình xây dựng cơ bản. Đến nay, Đại học Tân Trào đã và đang đào tạo 15 ngành đại học thuộc các lĩnh vực sư phạm, nông lâm ngư nghiệp, kinh tế-quản trị kinh doanh, văn hóa, du lịch, quản lý đất đai, khoa học môi trường,… Đội ngũ giảng viên của nhà trường cũng đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, hiện tại nhà trường có 29 tiến sĩ, 176 thạc sĩ, trong đó có gần 50 nghiên cứu sinh trong và ngoài nước ở tất cả các lĩnh vực. Trong 5 năm vừa qua, đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường đã thực hiện gần 750 sản phẩm nghiên cứu khoa học trong đó gần 160 các đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở, xuất bản gần 115 sách giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo, gần 500 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, hơn 20 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế xếp hạng trong danh mục ISI của các ngành vật lý, sinh học, hóa học, toán học. Tạp chí khoa học, Đại học Tân Trào đã được cấp mã số quốc tế ISSN và đã được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tính 0.5 điểm công trình của một số ngành như Vật lý, Giáo dục, Văn học. Ngoài hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học cơ bản, nhà trường đã triển khai việc nghiên cứu và ứng dụng sản xuất trong ngành nông lâm nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực và thực hiện thành công việc nghiên cứu các giống cây lâm nghiệp công nghệ cao từ phương pháp nuôi cấy mô, tế bào, cung cấp hàng triệu cây giống cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận như Bắc Cạn, Yên Bái, góp phần thay đổi cơ cấu giống cây lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang. Hợp tác trong nghiên cứu và hội thảo khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên, giao lưu văn hóa, thực tập sinh với trên 20 trường đại học trong khu vực Đông nam Á và thế giới. Sinh viên ra trường có ngành đạt 100% sinh viên có việc làm (ngành Kế toán). Nhiều hoạt động lớn của tỉnh, khu vực đều có sự tham gia tích cực, hiệu quả của sinh viên Trường Đại học Tân Trào, nhiều năm, sinh viên nhà trường đã đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi olympic sinh viên toàn quốc các môn vật lý, toán học, trong thi đấu thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ. Diện tích của nhà trường hiện tại là xấp xỉ 60ha so với 4,6ha trước khi thành lập trường và hiện đã có nhiều công trình đã và đang xây dựng, cơ sở 2 của nhà trường trên 10ha đang được cải tạo thành khu sinh thái và sản xuất nông lâm nghiệp công nghệ cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nghiên cứu khoa học, thí nghiệm thực hành của nhà trường cũng được đầu tư mạnh mẽ hàng năm, khu luyện tập thể dục, thể thao của nhà trường với nhiều loại hình hoạt động phong phú. Việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giảng viên, nhân viên và hợp đồng lao động luôn được đảm bảo, .... Một số ví dụ về những kết quả đạt được đã minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của Đại học Tân Trào của chúng ta trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, cũng như nhiều trường đại học địa phương và một số trường đại học chuyên ngành khác, hiện nay việc tuyển sinh đại học chính quy gặp nhiều khó khăn, số sinh viên cao đẳng không còn đào tạo nhiều, sinh viên đại học tuyển mới giảm, sinh viên ra trường khó tìm được việc làm, đồng thời với đó là áp lực trước việc tinh giảm biên chế, hợp đồng lao động theo chủ trương chung, việc quản lý đại học còn đang lúng túng trong hệ thống cơ quan nhà nước trước việc cách nào tạo cơ chế tự chủ cho đại học. Vì thế, trong thời điểm hiện nay, để duy trì được hoạt động của các trường đại học thuộc địa phương của cả nước nói chung và Đại học Tân Trào non trẻ nói riêng là một bài toán vô cùng phức tạp và khó khăn đặt ra với tập thể lãnh đạo, cán bộ giảng viên và nhân viên nhà trường. Chính vì vậy, để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, khi tuyển sinh đại học chính quy đang hạ đến đáy, thì việc mở rộng các hoạt động đào tạo vừa làm vừa học, liên thông, hoạt động bồi dưỡng cán bộ viên chức và đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên của tỉnh cũng như các hoạt động nghiên cứu và triển khai sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi để đảm bảo nguồn thu, duy trì hoạt động trong thời gian việc tuyển sinh đại học chính quy có những tín hiệu mới tốt lành. Song song với đó, chúng ta phải tạo ra và gìn giữ hình ảnh của nhà trường, đó là sinh viên đào tạo phải có chất lượng, phải có việc làm và làm việc được sau khi ra trường, đó là việc đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường cần nhìn nhận lại vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình, tranh thủ tiếp tục học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Trong đào tạo cần mở rộng hơn nữa việc hợp tác quốc tế và tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tập ở nước ngoài hay trong nước từ năm thứ hai để nâng cao khả năng ngoại ngữ, nghề nghiệp tạo cơ hội tự tìm kiếm việc làm của sinh viên trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.

5 năm vừa qua là một chặng đường với nhiều thuận lợi và cũng nhiều khó khăn mà nhà trường đã vượt qua, chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức đang chờ chúng ta ở phía trước. Toàn thể các thầy, cô giáo và các em sinh viên nhà trường hãy đồng lòng, cùng xác định quyết tâm, phấn đấu cho sự phát triển của nhà trường với một niềm tin ngày mai sẽ tươi sáng - Trường Đại học Tân Trào sẽ trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học mạnh của khu vực, xứng đáng với tên trường - một địa danh lịch sử.

PGS.TS. Nguyễn Bá Đức