Bản hoà âm từ vùng đất giàu truyền thống thơ ca
 
Ngày 22/2, tại trường Đại học Tân Trào, Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” lần thứ XXII với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”.

Các đại biểu dự ngày thơ. Ảnh: Quang Hòa

Đến dự có Tiến sĩ, Nhà thơ Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tá, Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội; đồng chí Hoàng Việt Phương, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá các dân tộc; đồng chí Mai Đức Thông, Tỉnh uỷ viên, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành tỉnh… 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương đánh trống khai hội Thơ. Ảnh: Quang Hòa

Chủ tịch Hội VHNT Tạ Bá Hương phát biểu khai mạc Ngày Thơ. Ảnh: Quang Hoà

Phát biểu khai mạc Ngày Thơ, Nhà thơ Tạ Bá Hương, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang khẳng định: Thơ ca làm một loại hình nghệ thuật của ngôn từ, của vần điệu là cảm xúc thăng hoa của người nghệ sỹ trước hiện thực cuộc sống. Thơ là sự chắt lọc tinh túy từ ngữ, sự rung cảm tâm hồn, tiếng lòng của nghệ sỹ trước xã hội.  Sự phát triển của Thơ luôn đồng hành và gắn bó với sự phát triển chung của đất nước. Thơ là loại hình nghệ thuât có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ dẫn dắt định hướng công chúng tới Chân - Thiện - Mỹ, qua những áng thơ đã lan tỏa tình yêu thiên nhiên con người hướng tới cái đẹp, nhân văn vì một xã hội phồn vinh, hạnh phúc và bền vững… 

 Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương phát biểu chào mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Ảnh: Thanh Phúc

Phát biểu chào mừng Ngày Thơ, Đại tá, Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội bày tỏ sự vui mừng khi được dự Ngày Thơ tại Tuyên Quang - một vùng quê cách mạng và giàu truyền thống thi ca. Là vùng đất An toàn khu, Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, tại Tuyên Quang đã có nhiều thi nhân viết lên những thi phẩm đặc sắc như: Hồ Chí Minh với "Rằm tháng Giêng" và "Đi thuyền trên sông Đáy"; Tố Hữu với "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên"; Nguyễn Đình Thi với "Đất nước"; Nông Quốc Chấn với "Bộ đội ông cụ"; Chế Lan Viên với "Nhớ Việt Bắc" v.v.. Suốt một chặng đường dài từ Cách mạng Tháng Tám đến thời kỳ đổi mới, thơ Tuyên Quang khởi sắc theo dòng chảy chung của cả nền Thơ Việt Nam hiện đại với nhiều tên tuổi như: Gia Dũng, Mai Liễu, Cao Xuân Thái, Đoàn Thị Ký, Tạ Bá Hương, Đinh Công Thuỷ,… “Tôi nghĩ thơ là để duy trì thế đứng của con người trong thế giới này. Đối với người dân Việt Nam, thơ đã trở thành lời ăn tiếng nói; thơ góp phần quan trọng vào sự hình thành, tồn tại và phát triển dân tộc. Tôi tin tưởng các văn nghệ sĩ tại Tuyên Quang tiếp tục có nhiều sáng tạo, góp nhiều áng thơ hay, độc đáo vào kho tàng thơ ca của dân tộc” - Ông nhấn mạnh.

Một tiết mục văn nghệ tại Ngày Thơ. Ảnh: Thanh Phúc

Ngày Thơ Việt Nam tại Tuyên Quang là sự hoà quyện độc đáo giữa Thơ - Nhạc - Múa, làm nên một bản hòa âm ngợi ca Đảng, Bác Hồ, về vẻ đẹp đa sắc tộc của đất và người Tuyên Quang cùng khát vọng của những người con trên quê hương cách mạng trong sự phát triển của đất nước. Chương trình thu hút sự tham dự đông đảo của các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, người yêu thơ trên địa bàn tỉnh.

Nhà thơ Vũ Quần Phương giao lưu tại Ngày Thơ. Ảnh: Thanh Phúc

Tại Ngày thơ,  người yêu thơ đã được nghe lại 2 bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” (Lý Thường Kiệt), “Nguyên Tiêu” (Hồ Chí Minh).

Trao đổi với người yêu thơ, Nhà thơ Vũ Quần Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam đã khái quát về sự vận động của thơ ca, những giá trị cốt lõi để tạo nên một tập thơ hay, về vai trò và ý nghĩa của Ngày Thơ. Ông cũng chia sẻ những kỷ niệm sáng tác tại Tuyên Quang và quan điểm riêng trong sáng tác thơ của mình. Ông đặc biệt nhấn mạnh tác phẩm thơ xuất sắc là phải chạm đến trái tim độc giả.

Các đồng chí đại biểu, lãnh đạo tỉnh tặng hoa và vinh danh các tác giả đạt giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2023. Ảnh: Thanh Phúc

Trong suốt chương trình, người yêu thơ háo hức khi được nghe chính các nhà thơ diễn đọc tác phẩm của mình, như: Tiến sĩ Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương với hai bài thơ “Lắng nghe mùa xuân về”, “Mùa xuân đất nước”; nhà thơ Đinh Công Thuỷ với bài thơ “Nhớ Nậm Trang”, nhà thơ Tống Đại Hồng với tác phẩm “Con dao của mẹ”, nhà thơ Lê Na với tác phẩm “Huyền thoại Nà Hang”. Một số bài thơ tiêu biểu của cố nhà thơ Gia Dũng và Mai Liễu cũng được diễn ngâm, kết hợp với biểu diễn sáo trúc độc đáo.

Nhà văn Phù Ninh giao lưu tại Ngày Thơ. Ảnh: Quang Hoà

Xen lẫn giữa đọc và ngâm thơ là các tiết mục văn nghệ hoành tráng, được dàn dựng công phu từ bản nhạc, bài hát được phổ thơ của các văn nghệ sĩ trong tỉnh. Ngoài ra còn có phần giao lưu đọc thơ của các em sinh viên Trường đại học Tân Trào.

Đại biểu tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật tại Ngày Thơ. Ảnh: Thanh Phúc

Trong khuôn khổ Ngày Thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh còn tổ chức không gian triển lãm các tác phẩm mới được xuất bản, triển lãm ảnh nghệ thuật do các nghệ sĩ nhiếp ảnh của tỉnh chụp.

Các em sinh viên Trường đại học Tân Trào tìm hiểu tác phẩm của các văn nghệ sĩ trong không gian Ngày Thơ. Ảnh: Thanh Phúc

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã biểu dương 12 tác giả đoạt giải ở lĩnh vực văn học nghệ thuật cấp khu vực và Trung ương trong năm 2023.

Đại biểu thực hiện màn thả thơ tại Ngày Thơ. Ảnh: Cường Audio

Lễ kỷ niệm ngày Thơ là dịp để các nhà Thơ, những tác giả thơ được tôn vinh,  thể hiện những sản phẩm tinh thần và trao đổi, chia sẻ với nhau về xu thế, chủ đề, góc nhìn trong sáng tác của mình, đồng thời trong không gian ngày thơ các độc giả, công chúng yêu thơ có cơ hội để gặp gỡ với những nhà thơ, tác giả mình yêu mến.   

Theo Báo Văn nghệ Tuyên Quang