Chính phủ đồng ý thông qua đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo
 
Chính phủ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật.
Có một Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo là đòn bẩy nâng tầm đội ngũ nhà giáo cả về chất lượng, vị thế. Ảnh: Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình).
Có một Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo là đòn bẩy nâng tầm đội ngũ nhà giáo cả về chất lượng, vị thế. Ảnh: Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình).

Tập trung xây dựng, trình dự án Luật đúng tiến độ, có chất lượng

Nhằm thể chế đầy đủ các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, ngày 29 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề pháp luật tháng 6 năm 2023, trong đó xem xét Tờ trình của Bộ GD&ĐT về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, ý kiến trao đổi của các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận: thống nhất với Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật.

Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ; phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật.

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GD&ĐT: đây là bộ luật khó, có tác động rộng lớn trong xã hội, Bộ GD&ĐT cần tập trung nguồn lực, đảm bảo việc xây dựng và trình dự án Luật đúng tiến độ và có chất lượng; chú ý việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời tiếp thu được tinh hoa của nhân loại, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam; khắc phục được sự tản mạn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo.

Bộ GD&ĐT khẩn trương tiến hành công việc, đảm bảo tiến độ thông qua Chính phủ vào tháng 3 năm 2024 và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV.

×

Chính phủ đồng ý thông qua đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo ảnh 1

Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra đối với đội ngũ nhà giáo và việc quản lý đội ngũ nhà giáo.

Đòn bẩy nâng tầm đội ngũ nhà giáo cả về chất lượng, vị thế

Có thể nói, việc Chính phủ đồng ý thông qua đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là niềm vui lớn không chỉ của riêng nhà giáo, mà là của toàn Ngành. Bởi nếu Luật Nhà giáo được thông qua, thì lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của ngành Giáo dục, có một Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo; góp phần khẳng định vị thế của nhà giáo, đồng thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo được quy định toàn diện, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp nhà giáo.

Việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo nhằm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".

Trên cơ sở đó, Luật Nhà giáo sẽ điều chỉnh một số vấn đề cơ bản, mang tính chất đặc thù của nhà giáo mà các luật hiện hành chưa có quy định hoặc không phù hợp, hoặc còn mờ nhạt, thiếu cơ sở để thực hiện nhằm tạo khuôn khổ pháp lý giúp bảo đảm chất lượng nhà giáo, tạo điều kiện để thu hút người giỏi vào nghề dạy học, nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Luật đồng thời quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của giáo viên, trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Việc xây dựng Luật Nhà giáo đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội hóa; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Đồng thời, Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra đối với đội ngũ nhà giáo và việc quản lý đội ngũ nhà giáo; khắc phục việc có quá nhiều văn bản quy định về nhà giáo, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các Luật hiện hành.

Một chặng đường dài chuẩn bị

Trong giai đoạn từ 2008 cho đến nay, Bộ GD&ĐT đã 2 lần chuẩn bị, đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo (năm 2008 và năm 2016).

Đến cuối năm 2021, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo để đưa vào chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn từ năm 2022-2025, Bộ GD&ĐT đã tiến hành triển khai nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, tổ chức các khảo sát trong nước và quốc tế, huy động đội ngũ chuyên gia trong và ngoài Ngành phục vụ đề xuất xây dựng Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cho đến thời điểm hiện nay, có thể nói, việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo đã được chuẩn bị nghiêm túc tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật khi được giao.

giaoducthoidai.vn