TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
I. Nhóm kiến nghị về tổ chức, biên chế
1. Ý kiến số 01: Về đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế ngành giáo dục để đảm bảo định mức giáo viên/lớp.
Trong những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm; trong đó tỉnh đã tập trung giải quyết rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bổ sung biên chế, nguồn lực để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Năm học 2022-2023, tỉnh đã thực hiện giao 13.177 người làm việc cho các cấp học, trong đó đã bổ sung tăng 1.246 người làm việc so với năm học 2021-2022 (số biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung); tuy nhiên, số lượng người làm việc này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu theo định mức giáo viên của tỉnh.
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp:
- Tiếp tục đề nghị Trung ương bổ sung tiếp 1.156 người làm việc còn lại trong số lượng bổ sung cho tỉnh giai đoạn 2022-2026 và 3.447 người làm việc còn thiếu theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2023-2024.
- Trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt số lượng hợp đồng lao động thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ đối với đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập năm học 2023-2024 với tổng số là 1.207 chỉ tiêu hợp đồng lao động (ngoài số lượng người làm việc được giao), cụ thể: Cấp học mầm non: 843 chỉ tiêu; cấp học tiểu học: 120 chỉ tiêu; cấp học trung học cơ sở: 229 chỉ tiêu; cấp học trung học phổ thông: 15 chỉ tiêu.
2. Ý kiến số 02: Về đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển vào viên chức xem đối với những trường hợp giáo viên đang hợp đồng đang hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg.
Để đáp ứng yêu cầu dạy và học đối với trẻ mầm non và thực hiện các quy định của Chính phủ tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi giai đoạn 2010-2015; Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg), tỉnh đã thực hiện hợp đồng lao động giáo viên mầm non hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế được giao. Trong những năm qua, bên cạnh việc chăm lo, giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng lao động theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp để tuyển dụng số giáo viên mầm non hợp đồng lao động này vào biên chế, cụ thể: Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức, trong đó thực hiện việc tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển đối với giáo viên mầm non hợp đồng theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg. Kết quả, từ năm 2016 đến năm 2022, đã tuyển dụng 547/1.890 giáo viên mầm non theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg được tuyển dụng vào làm viên chức, số còn lại chưa có biên chế để tuyển dụng.
Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ có giai đoạn thực hiện đến hết năm 2015; tại Văn bản số 2417/TTg-KGVX ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài việc thực hiện một số chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non, trong đó cho phép kéo dài việc thực hiện chính sách đối với giao viên mầm non hợp đồng lao động theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg cho đến khi có văn bản ban hành chính sách mới thay thế; đến năm 2018, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non hợp đồng lao động theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.
Ngày 03/01/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó, bãi bỏ Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg từ ngày 03/01/2020; ngày 08/9/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non trong đó quy định bãi bỏ Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ từ ngày 01/11/2020 và chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo các quy định trước đó được thực hiện đến hết năm 2021.
Về kiến nghị của cử tri về việc đề nghị được tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển đối với giáo viên mầm non theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg là nguyện vọng chính đáng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã báo cáo với cấp có thẩm quyền về việc nay nhưng đến nay chưa được xem xét giải quyết. Theo các quy định hiện hành thì các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg không còn hiệu lực thi hành kể từ năm 2022. Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 513/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2023 với tổng số chỉ tiêu tuyển dụng ngành giáo dục là 1.498 chỉ tiêu (Vị trí việc làm giáo viên là 1.447 chỉ tiêu; vị trí việc làm kế toán, y tế, thiết bị, thư viên là 51 chỉ tiêu); trong đó, cấp học mầm non là 942 chỉ tiêu, gồm 933 chỉ tiêu vị trí việc làm giáo viên mầm non và 09 chỉ tiêu việc làm kế toán. Việc tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển nêu trên của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang là đúng các quy định hiện hành, đảm bảo chặt chẽ.
Qua rà soát, báo cáo của các huyện, thành phố toàn tỉnh hiện còn 1.395 người hợp đồng lao động theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Chính phủ. Để đảm bảo các quyền lợi, chế độ, chính sách đối với số giáo viên này Tỉnh đã có những chủ trương và giải pháp ưu tiên cho đối tượng giáo viên hợp đồng theo Quyết định 60/2011/QĐ-TTg như sau:
(1) Người đang hợp đồng làm giáo viên mầm non theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg (nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện) thì được ưu tiên đăng ký dự tuyển và tham gia tuyển dụng viên chức năm 2023 trong tổng số 933 chỉ tiêu tuyển dụng viên chức (không bao gồm chỉ tiêu tuyển dụng kế toán) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
(2) Trường hợp nếu không trúng tuyển được ký kết hợp đồng lao động theo năm học trong số lượng 837 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Về chế độ, chính sách đối với giáo viên hợp đồng:
- Thời gian hợp đồng lao động áp dụng chung cho các đối tượng là 12 tháng theo năm học. Kết thúc thời gian hợp đồng lao động (nếu không vi phạm gì) sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng lao động cho các năm học tiếp theo.
- Về tiền lương hợp đồng lao động: Đối với giáo viên mầm non đang hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ chuyển ký kết hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP: Thực hiện mức tiền lương theo bảng lương viên chức tương ứng với mức lương hiện hưởng.
3. Ý kiến số 03: Về đề nghị chi trả tiền dạy thừa giờ của giáo viên.
Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương về việc thanh toán tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Kết quả chi trả tiền dạy thừa giờ của giáo viên: Năm học 2020-2021: Số giờ giáo viên dạy vượt định mức theo quy định là 162.815 giờ; số giờ đã được thanh toán là 132.245 giờ; số giờ chưa được thanh toán là 30.570 giờ. Năm học 2021-2022: Số giờ giáo viên dạy vượt định mức theo quy định là 270.847 giờ; số giờ đã được thanh toán là 132.245 giờ; số giờ chưa được thanh toán là 187.697 giờ. Năm học 2022-2023: Dự kiến là 119.731 giờ, hiện chưa thẩm định thanh toán.
Tuy nhiên khi giải quyết thì còn có khó khăn, vướng mắc đó là việc thanh toán tiền dạy thêm giờ cho giáo viên còn vướng mắc trong áp dụng quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TT-BGDĐT-BNV-BTC: “6. Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Để giải quyết vấn đề trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh có cơ chế, chính sách bố trí nguồn ngân sách nhà nước thanh toán chế độ tiền lương dạy thêm giờ thực tế của giáo viên theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chế độ tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên theo đúng quy định.
4. Ý kiến số 04: Về đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi tuyển viên chức cho ngành giáo dục và xem xét bổ sung biên chế kế toán cho các trường.
Về thi tuyển viên chức: Năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2023. Tổng số chỉ tiêu kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục là 1.498 chỉ tiêu (Vị trí việc làm giáo viên là 1.447 chỉ tiêu; vị trí việc làm kế toán, y tế, thiết bị, thư viên là 51 chỉ tiêu). Hiện nay các cơ quan, đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng viên chức năm 2023 đã ban hành thông báo tuyển dụng và đã hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển, dự kiến hoàn thành tuyển dụng viên chức vào quý III/2023.
Về bổ sung biên chế kế toán: Việc quy định về định mức nhân viên kế toán phụ thuộc vào số lượng người làm việc được giao (tổng số lượng người làm việc của tỉnh không được tăng thêm khi sửa đổi các định mức kế toán, địa phương tự cân đối trong số lượng người đang được giao); yêu cầu tiết kiệm biên chế nhân viên; số lượng biên chế thực hiện tinh giản giai đoạn 2022-2026 và phù hợp theo vị trí việc làm. Hiện nay, Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổng hợp, đề xuất sửa đổi định mức kế toán trường học tại Văn bản số 513/UBND-NC ngày 06/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về bố trí kế toán kiêm nhiệm các đơn vị trường học. Theo đó, đề xuất tăng định mức kế toán so với định mức quy định tại Văn bản số 513/UBND-NC ngày 06/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh từ 176 người lên 237 người, tăng 61 người. Đồng thời giao Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ tổng số lượng kế toán được bố trí, thưc hiện rà soát, giao biên chế kế toán cho các trường phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm đảm bảo không vượt tổng số lượng kế toán được bố trí của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
5. Ý kiến số 05: Về đề nghị xem xét không tinh giản biên chế đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Chủ trương tinh giản biên chế là chủ trương chung của Trung ương được xác định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó, tại Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định đến năm 2025 giảm 10% biên chế sự nghiệp so với năm 2021. Tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 28/7/2022 của Bộ Chính trị, giao biên chế sự nghiệp khối Nhà nước cho tỉnh đến năm 2026 là 13.548 người, giảm 1.505 người so với năm 2021, tỷ lệ 10%.
Vì vậy, các ngành, lĩnh vực đều phải thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế để đảm bảo mục tiêu tinh giản chung và số lượng biên chế sự nghiệp còn lại đến năm 2026 Trung ương giao cho tỉnh, trong đó, ngành giáo dục chiếm 80% số lượng biên chế sự nghiệp của toàn tỉnh cũng phải thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức theo vị trí việc làm.
Từ khi thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng đến nay, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục khó khăn do thiếu giáo viên:
- Giai đoạn 2015-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tỉnh giản 793 người/1.484 người theo kế hoạch, không thực hiện giảm 691 người.
- Giai đoạn 2022-2026: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 15/02/2023 ban hành Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức hội cấp tỉnh được giao số lượng người làm việc; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giai đoạn 2022-2026.
Tại Đề án đã xác định thực hiện tinh giản cao hơn ở các lĩnh vực khác để giảm áp lực cho ngành giáo dục, theo đó, lĩnh vực giáo dục thực hiện tinh giản 616 người, chiếm 5,16%, thấp hơn tỷ lệ tinh giản chung là 4,4% và chủ yếu tập trung về những năm cuối giai đoạn (năm 2022, 2023 không tinh giản; năm 2024: 94 người; năm 2025: 185 người; năm 2026: 337 người). Đồng thời đề xuất với Trung ương không thực hiện tinh giản biên chế sự nghiệp giáo dục để đảm bảo công tác dạy và học trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, của Chính phủ về tinh giản biên chế và Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2022-2026, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
II. Nhóm kiến nghị về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học
1. Ý kiến số 01: Đề nghị kịp thời trang cấp thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ngay từ đầu năm học cho các cơ sở giáo dục năm học 2023-2024; trang cấp thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trả lời:
Trong những năm gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trang cấp thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 1 (55 danh mục TBDH tối thiểu), lớp 2 (42 danh mục), lớp 3 (22 danh mục), lớp 6 (49 danh mục), lớp 7 (49 danh mục), lớp 10 (179 danh mục); 91 bộ thiết bị phòng học tin học; trang cấp phòng sinh hoạt chuyên môn trực tuyến, dự giờ trực tuyến cho 35/35 trường THPT và 22 trường tiểu học, THCS; đài CD học ngoại ngữ cho 246 trường phổ thông.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đã rà soát nhu cầu thiết bị lớp 4, lớp 8 và thực hiện các trình tự, thủ tục mua sắm để sớm trang cấp cho các trường theo quy định.
2. Ý kiến số 02: Đề nghị nhà nước trang cấp sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 để học sinh được mượn sử dụng vì phụ huynh trên địa bàn xã chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về kinh tế.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 18, Điều 20 của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ: "... học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập với mức 150.000 đồng/học sinh/9 tháng để mua sách vở và các đồ dùng khác...". Như vậy đối với các đối tượng trên đã được nhà nước hỗ trợ để mua sách giáo khoa.
Đối với các đối tượng khác, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp thu ý kiến của cử tri để nghiên cứu, rà soát, tổng hợp nhu cầu, báo cáo đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
IV. Nhóm kiến nghị về chế độ, chính sách của giáo viên, học sinh
1. Ý kiến số 01: Xem xét có chính sách, chế độ đối với trẻ nhà trẻ như đối với mẫu giáo theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
Trả lời:
Quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng đã được hưởng chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Riêng trẻ nhà trẻ chưa được hưởng chính sách theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Việc sửa đổi, bổ sung đối tượng thụ hưởng các chính sách theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ không thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Hiện nay trẻ nhà trẻ trên địa bàn tỉnh đã được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa như đối với trẻ mẫu giáo theo Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Dự thảo (lần 2) Nghị định của Chính phủ Quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách. Dự thảo Nghị định dự kiến, mỗi trẻ em nhà trẻ thuộc đối tượng hỗ trợ sẽ được hưởng 360.000 đồng/tháng trong 9 tháng.
2. Ý kiến số 02: Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, học sinh tiểu học, trung học cơ sở mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi không được hưởng chính sách hỗ trợ gạo, tiền ăn, tiền ở. Tuy nhiên, học sinh Trung học phổ thông cùng điều kiện lại được hưởng chính sách hỗ trợ (do không quy định trường Trung học phổ thông thuộc xã khu vực II). Đề nghị xem xét, điều chỉnh để học sinh tiểu học, trung học cơ sở được hưởng chính sách như học sinh Trung học phổ thông.
Trả lời:
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Dự thảo (lần 2) Nghị định của Chính phủ Quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách. Theo đó, dự kiến các đối tượng học sinh trung học, học viên học giáo dục thường xuyên sẽ được hỗ trợ.
IV. Nhóm kiến nghị về việc thực hiện các khoản thu
1. Ý kiến số 01: Đối với Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 03/07/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định các khoản thu, mức thu và cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục trong cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang:
1.1. Đề nghị xem xét hướng dẫn cụ thể về chứng từ, hóa đơn thanh toán.
1.2. Đề nghị sửa đổi, cho phép được thu 12 tháng đối với khoản thu phục vụ vệ sinh (Trong nghị quyết chỉ cho thu theo năm học là 9 tháng).
1.3. Đề nghị sửa đổi tăng mức thu và cho phép được thu 10 tháng đối với khoản thu phục vụ vệ sinh. Hiện nay mức thu là rất thấp (10.000đ/1 học sinh/tháng) và chỉ được thu trong 9 tháng nên chưa phù hợp.
Trả lời:
Ngay sau khi Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 03/07/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Văn bản số 2745/UBND-THVX ngày 18/7/2022 về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn số 01/HD-SGDĐT ngày 21/8/2022. Đối với nguồn kinh phí thu được, các nhà trường phải thực hiện việc mở sổ sách kế toán để theo dõi và thực hiện các quy định về hồ sơ, chứng từ theo quy định của Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 03/07/2022 chỉ quy định thời gian thu các khoản thu nói trên theo thời gian thực học. Trong thời gian này diễn ra các hoạt động của giáo viên, học sinh nhà trường và quy định thời gian thu như vậy là phù hợp và giảm gánh nặng về kinh tế đối với phụ huynh học sinh.
2. Ý kiến số 02: Đề nghị xem xét giảm 50% mức đóng học phí/tháng cho học sinh trên địa bàn huyện Na Hang theo Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 03/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; tiêu chí xác định địa bàn không đủ trường công lập có cấp tiểu học; quy định mức chi trả cho đối tượng miễn, giảm học phí, mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm học 2022-2023.
Trả lời:
Về mức học phí năm học 2022-2023 tại Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 03/07/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh được quy định theo đúng Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; các mức áp dụng là mức sàn (mức thấp nhất quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Việc giảm 50% học phí cho học sinh là không thực hiện được vì đây là văn bản quy phạm pháp luật.
Những học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được hưởng chế độ miễn học phí, giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh trình kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về học phí năm học 2022-2023 (dự kiến họp vào ngày 04-05/7/2023). Theo đó, mức học phí của năm học 2022-2023 giữ nguyên như năm học 2021-2022.