Nghiên cứu sinh Trần Đức Đại bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Hóa hữu cơ
 
Ngày 27/3/2018, tại Học Viện Khoa học và Công nghệ – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Nghiên cứu sinh Trần Đức Đại bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của hai loài ngọc cẩu (Balanophora laxiflora Hemsl.) và loài vú bò (Ficus hirta Vahl.)” .

Dự buổi lễ có đại biểu, lãnh đạo Học Viện Khoa học và Công nghệ  – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các nhà khoa học là thành viên hội đồng chấm luận án, tập thể cán bộ hướng dẫn; đoàn trường Đại học Tân Trào do TS. Nguyễn Khải Hoàn - Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn và các thành viên. 

Dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Trịnh Thị Thủy và TS. Nguyễn Quyết Tiến luận án đã đạt được một số điểm mới đáng chú ý:

1. Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học cây ngọc cẩu (B. laxiflora).

Loài ngọc cẩu (B. laxiflora) ở Việt Nam lần đầu được nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học. 20 hợp chất sạch được phân lập và xác định cấu trúc hóa học, trong đó 1 hợp chất mới balanochalcone (BL-10), 3 hợp chất [β-hydroxydihydrochalcone (BL-11), dimethyl 6,9,10-trihydroxybenzo[kl]xanthene-1,2-dicarboxylat (BL-12), 5-hydroxymethylfurfural (BL-16)] lần đầu phân lập từ loài B. laxiflora.

Lần đầu tiên công bố hoạt tính hợp chất methyl 3,4-dihydroxycinnamate (BL-4) tách ra từ loài B. Laxiflora có μM.

Lần đầu tiên ở Việt Nam tiến hành thử nghiệm hoạt tính gây độc tế bào trên 4 dòng tế bào ung thư: ung thư biểu mô KB, ung thư gan Hep-G2, ung thư phổi Lu-1, ung thư vú MCF-7 của 4 chất sạch (methyl 3,4-dihydroxycinnamate (BL-4), balanochalcone (BL- 10), β-hydroxydihydrochalcone dimethyl (BL-11),  6,9,10-trihydroxybenzo[kl]xanthene-1,2-dicarboxylat (BL-12) tách ra từ loài B. Laxiflora, trong đó hợp chất methyl 3,4-dihydroxycin (BL-4) và hợp chất 6,9,10-trihydroxybenzo[kl]xanthene-1,2-dicarboxylat (BL-12) có hoạt tính gây độc tế bào trên dòng ung thư biểu mô KB với giá trị IC50 lần lượt là 107,06 và 80,37 µM.

2. Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học cây vú bò (F. hirta).

Loài F. hirta ở Việt Nam lần đầu được nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học, trong đó 1 hợp chất mới 5-O-[β-D-apiofuranosyl-(1→2)-β-D-glucopyranosyl]bergaptol (F-6), 1 hợp chất lần đầu tiên phân lập từ tự nhiên 6,7-furano-hydrocoumarate methyl ester (F-1), 8 hợp chất [bergapten (F-3), ethyl β-D-fructofuranoside (F-4), ethyl β-D-glucopyranoside (F-5), adenosine (F-7), 6-carboxyumbelliferone (F-8), picraquassioside A (F-9), rutin (F-10), acid aspartic (F-11)] lần đầu tiên phân lập từ loài F. hirta.

Những luận điểm và những kết luận nêu trong luận án đều có cơ sở khoa học, độ tin cậy cao do tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu thường quy và hiện đại được sử dụng trong hóa học hữu cơ. Luận án có ý nghĩa lớn về khoa học, thực tiễn, có những điểm mới góp phần hiểu rõ hơn thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của hai loài nghiên cứu. Tác giả cần sử dụng các kết quả nghiên cứu của luận án và cần có các nghiên cứu sâu hơn nữa về việc tạo ra nguồn nguyên liệu cây Ngọc cẩu cũng như các chế phẩm phục vụ sức khỏe con người.

Hội đồng chấm luận án đánh giá luận án là công trình khoa học độc lập và công phu, nghiêm túc, thực hiện được mục đích và nhiệm vụ đặt ra. Luận án đáp ứng đầy đủ về nội dung và hình thức là một luận án Tiến sỹ Hóa học. Hội đồng nhất trí về việc công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Trần Đức Đại. Luận án được Hội đồng chấm luận án đánh giá cao và nhất trí thông qua với 7/7 phiếu tán thành, trong đó có 6 phiếu đánh giá suất xắc.

TS. Trần Đức Đại chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Học viện, lãnh đạo trường Đại học Tân Trào và Hội đồng chấm Luận văn

TS. Trần Đức Đại tại buổi lễ

TS. Trần Đức Đại chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, cán bộ trường Đại học Tân Trào

GS.TS. Nguyễn Văn Tuyến - Viện trưởng Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học Và Công nghệ Việt Nam chúc mừng tân TS. Trần Đức Đại

 

TIn: Trung tâm Thông tin - Thư viện, ảnh: TS. Trần Đức Đại