TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Dự buổi lễ có đại biểu, đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội; các nhà khoa học là thành viên Hội đồng chấm Luận án; tập thể cán bộ hướng dẫn của nghiên cứu sinh; Hội đồng giới hạn thành phần tham dự và được tổ chức tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid 19 theo quy định của Bộ Y Tế và UBND Thành phố Hà Nội.
NCS Trịnh Phương Ngọc trình bày các nội dung chính của Luận án tại buổi bảo vệ
NCS Trịnh Phương Ngọc thực hiện luận án dưới sự hướng dẫn khoa học của GS. TSKH. Đặng Trung Thuận và GS.TS. Hoàng Xuân Cơ, Luận án của NCS đã đạt được những kết quả mới:
Luận án làm sáng tỏ các vấn đề kinh tế môi trường của hoạt động khai thác, chế biến bauxite tại 02 tổ hợp bauxite – alumina thí điểm Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) bằng phương pháp phân tích chi phí – lợi ích mở rộng, ở giai đoạn khi các tổ hợp đã đi vào sản xuất, cung cấp cơ sở khoa học để so sánh với những dự báo trước khi triển khai các dự án, từ đó đề xuất các điều chỉnh phù hợp cho hoạt động khai thác, chế biến quặng bauxite tại Tây Nguyên trong tương lai.
Luận án lần đầu tiên phân tích và lượng giá các rủi ro trong hoạt động khai thác, chế biến quặng bauxite; xác định được vấn đề khác biệt giữa quản lý tài nguyên đất sau khai thác quặng bauxite với quản lý đất sau khai thác các loại tài nguyên khoáng sản khác trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm tài nguyên bauxite Tây Nguyên; xác định được mô hình khai thác, sử dụng quặng bauxite đem lại lợi ích tối ưu; xây dựng được một số tiêu chí phát triển bền vững ngành công nghiệp nhôm và đề xuất định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên bauxite Tây Nguyên theo hướng tiếp cận kinh tế môi trường và phát triển bền vững.
Thành viên Hội đồng chấm luận án nhận xét và góp ý về luận án
Hội đồng đánh giá: Luận án có tính thời sự, cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đang tìm kiếm định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên bauxite Tây Nguyên để hướng tới phát triển bền vững ngành công nghiệp bauxite – nhôm. Luận án là công trình khoa học nghiên cứu công phu, nghiêm túc với khối lượng công việc đã thực hiện lớn, có chất lượng tốt; các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Luận án có cấu trúc logic và hợp lý đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Khoa học môi trường theo quy chế đào tạo Tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội đồng nhất trí với 7/7 phiếu tán thành về việc công nhận trình độ và cấp bằng Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Trịnh Phương Ngọc.
NCS Trịnh Phương Ngọc tặng hoa GS. Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng chấm luận án TS
Tại buổi bảo vệ, NCS Trịnh Phương Ngọc gửi lời cảm ơn chân thành tới Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, các thầy cô khoa Môi trường đã nhiệt tình giảng dạy và giúp đỡ NCS trong quá trình học tập; NCS gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Trường Đại học Tân Trào, Phòng Quản lý khoa học & Hợp tác quốc tế, Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp nơi NCS công tác và làm việc, cảm ơn các đồng nghiệp đã giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện tốt nhất để NCS hoàn thành khoá học; NCS gửi những lời yêu thương và biết ơn tới gia đình, người thân và bạn bè đã luôn sát cánh và ủng hộ NCS trên con đường học tập.
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khải (Uỷ viên Hội đồng, Đại diện Khoa Môi trường) tặng hoa
chúc mừng Tân Tiến sĩ Trịnh Phương Ngọc