Ngoại khóa văn học ''Suối ngồn chảy mãi''
 
Trong khuôn khổ học phần “Văn học hiện đại các dân tộc thiểu số Việt Nam”, tối ngày 22/11/2017 tại hội trường trường Đại học Tân Trào, lớp Đại học Văn truyền thông K2 đã tổ chức chương trình ngoại khóa văn học với chủ đề: “Suối nguồn chảy mãi”.

Đến dự buổi ngoại khóa có nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức - Chi hội phó Chi hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Tuyên Quang; TS Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Trưởng khoa Khoa học cơ bản; TS. Nguyễn Thị Bích Hợp - Trưởng ban xây dựng chương trình Đào tạo; Bà Michele Gaudry - tình nguyện viên Australia làm việc tại Đại học Tân Trào, cùng lãnh đạo các phòng, ban, khoa, trung tâm cùng giảng viên tổ Ngữ văn và sinh viên Đại học Văn - Truyền thông các Khóa 1-2-3 của Nhà trường.

Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức (bên trái) đến tham dự buổi ngoại khóa

Buổi ngoại khóa được sinh viên lớp Đại học Văn  - Truyền thông K2 thực hiện với mong muốn: tìm hiểu và giới thiệu những nét đẹp trong bản sắc văn hóa lâu đời của người dân tộc thiểu số được ghi dấu trong những tác phẩm văn học hiện đại; đồng thời làm "sống lại" một số tác phẩm văn học và kiến thức về văn học hiện đại các dân tộc thiểu số thông qua các hình thức văn nghệ như: những điệu múa, bài hát, vở kịch ngắn … Buổi ngoại khóa đã giúp cho sinh viên Đại học Tân Trào hiểu biết hơn về thế giới văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu Việt Nam. Buổi ngoại khóa khóa văn học  “Suối nguồn chảy mãi” là một nội dung nằm trong khuôn khổ học phần “Văn học hiện đại các dân tộc thiểu số Việt Nam” do giảng viên Triệu Thị Linh giảng dạy và cố vấn dàn dựng.

Mở màn buổi ngoại khóa là tiết mục hát Then “Tuyên Quang quê em” và tiết mục múa đôi “Bài ca trên núi” đã đưa khán giả đến những cung bậc cảm xúc khác nhau: từ cảnh đẹp của thiên nhiên, con người, văn hóa của Tuyên Quang đến vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa trong tác phẩm điện ảnh “Vợ chồng A Phủ”  - tác phẩm được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của cố nhà văn Tô Hoài.

Trong phần giao lưu, Nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức với tình yêu và hiểu biết sâu sắc của mình đã giúp cho khán giả có có cái nhìn toàn diện, cụ thể hơn về nghệ thuật hát Then. Từ đó thêm hiểu biết và trân quý những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống các tộc người thiểu số trên mảnh đất hình chữ S.

Giảng viên và sinh viên đặt câu hỏi giao lưu với nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức

Buổi ngoại khóa không chỉ hấp dẫn thông qua các tiết mục văn nghệ, diễn xướng mà phần giới thiệu và trình diễn về  trang phục truyền thống của các dân tộc: Tày, H’Mông, Dao và Cao Lan cũng cho sinh viên thấy được những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Phần tìm hiểu kiến thức văn học dân gian, các bạn sinh viên đã được trải qua những giây phút sôi nổi, hào hứng. Bằng sự tự tin và hiểu biết của mình về văn hóa truyền thống các tộc người, các bạn đã trả lời chính xác các câu hỏi mà chương trình đưa ra.

“Cọn nước Eng Nhàn” là sáng tác tiêu biểu của Tác giả Vi Hồng - tác phẩm đoạt giải Ba cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ năm 1971 - đã được các bạn sinh viên lớp Đại học Văn - Truyền thông K2 tái hiện thông qua vở kịch ngắn cùng tên một cách sinh động. Bằng lối diễn xuất chân thật, tự nhiên, vở kịch đã mang đến cho người xem những tiếng cười sảng khoái, đồng thời rút ra được những bài học hữu ích cho cuộc sống.

Cuối buổi ngoại khóa, các bạn lớp Đại học Văn - Truyền thông K2 đã mang đến một không khí vui tươi, hào hứng thông qua các tiết mục nhảy Sạp.

Chương trình ngoại khóa “Suối nguồn chảy mãi” đã mang đến cho người tham dự và các bạn sinh viên Đại học Văn truyền thông những khoảnh khắc vui vẻ, những kiến thức bổ ích về sắc văn hóa lâu đời của người dân tộc thiểu số được ghi dấu trong những tác phẩm văn học hiện đại các dân tộc thiểu số Việt Nam. Qua hoạt động ngoại khóa, sinh viên được khắc sâu và mở rộng kiến thức, từ đó thêm yêu quý, trân trọng  những nét đẹp của nghệ thuật ngôn từ, những phong tục tập quán, nếp sinh hoạt, cách cảm, cách nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam.