TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Hàng tá việc không tên
Bước chân vội vã như chạy, đôi bàn tay thuần thục, sự tập trung cao độ của các điều dưỡng viên là những gì chúng tôi nhìn thấy khi vừa bước chân vào Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chứng kiến một buổi làm việc của những điều dưỡng trong khoa, chúng tôi mới thấu hiểu, nghề điều dưỡng thực sự là một nghề vất vả với không ít khó khăn và những hy sinh thầm lặng.
Trung bình mỗi ngày, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị từ 20 - 25 bệnh nhân. Do đặc trưng của khoa là người nhà không được thăm nuôi nên tất cả các công việc từ chăm sóc chuyên môn đến sức khỏe, tinh thần đều do điều dưỡng đảm nhận, như: tiêm thuốc, truyền dịch, thực hiện các thủ thuật, ghi bệnh án, làm các thủ tục nhập viện, xuất viện, chuyển viện cho bệnh nhân, thậm chí nhiều lúc còn hỗ trợ hộ lý thay quần áo, thay bỉm, lau người…
Điều dưỡng Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình hướng dẫn người bệnh vào khám bệnh.
Nhiều người thường ví điều dưỡng là nghề làm dâu trăm họ bởi đối tượng phục vụ chính là người bệnh và người nhà của họ. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân rất đa dạng, từ người có thu nhập cao đến thấp, từ tính cách đến suy nghĩ, thái độ mỗi người mỗi khác. Vì vậy, để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn gì không phải là chuyện dễ. Do đó, làm nghề điều dưỡng, ngoài tình yêu nghề phải có kiến thức vững vàng, cầu thị, có lương tâm nghề nghiệp, biết nhẫn nại, biết lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân. Nếu không sẽ khó mà gắn bó với nghề - điều dưỡng Võ Thị Kim Liên, Khoa Hồi sức tích cực chống độc bộc bạch.
Bác sỹ Cao Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương nhận xét, điều dưỡng có vai trò rất quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh tại trung tâm. Bởi lẽ, bác sỹ khám bệnh cần phải có điều dưỡng phụ trợ. Khi bác sỹ khám cho bệnh nhân xong, chẩn đoán, ra y lệnh thì điều dưỡng chính là người thực hiện y lệnh của bác sỹ đối với bệnh nhân như: phát thuốc, truyền dịch, thực hiện các thủ thuật… Sau đó, điều dưỡng lại là người trực tiếp theo dõi bệnh nhân xuyên suốt quá trình điều trị tại bệnh viện, chăm sóc cho bệnh nhân.
Với những bệnh nhân nặng, điều dưỡng làm cả những việc từ cho bệnh nhân ăn, uống đến thay tã, lau người, vệ sinh... cho bệnh nhân. Không chỉ làm công việc chuyên môn, điều dưỡng còn phải ghi bệnh án, làm những việc không tên khác. Có thể nói, chất lượng của một cơ sở y tế phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên nghiệp và tận tụy của chính những người điều dưỡng - bác sỹ Cao Văn Minh nói.
Nghề… xoa dịu nỗi đau
Công việc của những điều dưỡng mới nhìn vào tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng vất vả, nhất là với điều dưỡng làm việc ở những khoa, phòng ở các đơn vị y tế luôn đông bệnh nhân như khoa sản, ngoại, chấn thương chỉnh hình… áp lực công việc rất lớn. Có điều dưỡng tâm sự rằng, từ khi vào ca trực đến khi hết ca ra về hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi vì số lượng bệnh nhân nhập viện nhiều, nhân viên lại ít; điều dưỡng phải chạy đua để làm hết phần việc của mình, kể cả những việc không tên. Gặp được bệnh nhân hiểu và hợp tác mọi chuyện còn trôi chảy, thuận tiện, nhiều khi bệnh nhân rồi người nhà bệnh nhân vì quá lo lắng đã có thái độ không đúng, điều dưỡng lại phải dùng mọi biện pháp để giải thích, xoa dịu.
Điều dưỡng Võ Thị Kim Liên, Khoa Hồi sức tích cực chống độc chăm sóc bệnh nhân.
Ngoài làm nhiệm vụ chuyên môn, điều dưỡng còn phải làm tốt công tác giao tiếp để tạo được niềm tin cho người bệnh. Điều dưỡng Quan Thị Nụ, Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình tâm sự: “Khoa Khám bệnh mỗi ngày tiếp đón trên 60 người bệnh đến khám, mỗi người đến khám có tình trạng sức khỏe khác nhau và cách ứng xử với cán bộ y, bác sỹ khác nhau. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng đón tiếp, phục vụ, chăm sóc để tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Từ đó, người bệnh mới sẵn sàng chia sẻ bệnh lý của mình, giúp các y, bác sỹ khám và điều trị bệnh tốt hơn”.
Làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa đã được 10 năm, điều dưỡng Hoàng Thị Hòa, Khoa Liên chuyên khoa, chia sẻ, khoa được sử dụng để phẫu thuật các ca bệnh của các khoa khác chuyển đến với các bệnh từ đơn giản đến phức tạp. Có những ngày bệnh nhân đông, khoa phải thực hiện tới hơn 20 ca.
Chị Hòa tâm sự, có những đêm trực, hầu như các bác sỹ, điều dưỡng phải làm việc suốt đêm, nhất là những đêm có báo động đỏ. Bệnh nhân được đẩy lên trong tình trạng sốc mất máu, đa chấn thương hay những ca tai nạn giao thông gãy vỡ khung chậu, vỡ gan, vỡ lách, vỡ phình động mạch chủ bụng. Nếu không được mổ ngay sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, cả ê-kíp mổ phải khẩn trương chuẩn bị đầy đủ tất cả các dụng cụ phẫu thuật, dịch truyền máu… cần thiết. Nếu chậm trễ sẽ mất đi thời gian vàng cấp cứu bệnh nhân.
“Sau ca mổ, phẫu thuật viên có thể tháo găng tay hoàn tất công việc, còn điều dưỡng dụng cụ như chúng tôi sẽ tiếp tục công việc kiểm tra đồ đạc, dụng cụ, dọn dẹp phòng mổ để chuẩn bị cho ca mổ khác. Sau ca mổ, bệnh nhân được chuyển qua phòng hồi sức. Tại đây, ê-kíp bác sỹ gây mê và điều dưỡng hậu phẫu lại tiếp tục công việc hồi sinh mạng sống cho người bệnh” - chị Hòa bộc bạch.
Điều trị tại Khoa Nội tổng hợp 1 tuần nay, bà Đào Thị Đào, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cảm nhận được sự tận tâm hết lòng vì người bệnh của các bác sỹ và những hy sinh thầm lặng của điều dưỡng dành cho những bệnh nhân như bà. Trong thời gian điều trị, hàng ngày, ngoài được bác sỹ thăm khám, điều trị, bà luôn được điều dưỡng theo dõi sức khỏe từng hơi thở, nhịp tim… và những lời hỏi thăm ân cần. Chính sự âm thầm phục vụ của các điều dưỡng trong khoa giúp sức khỏe của bà ngày càng tiến triển tốt.
Để mỗi bệnh nhân khỏe mạnh ra viện thì công sức của những người điều dưỡng cũng góp phần lớn. Dù có thể, nhiều người chưa thấu hiểu công việc của họ nhưng với tình yêu và sự tận tâm trong công việc, những người làm nghề điều dưỡng tiếp tục bám trụ với nghề, yêu nghề.