TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc
- Kính thưa: Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
- Kính thưa: Chủ tọa kỳ họp.
- Kính thưa: Các vị Đại biểu Quốc hội; các vị Đại biểu HĐND tỉnh và các vị Đại biểu tham dự kỳ họp.
- Kính thưa: Cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh!
Tại Phiên khai mạc kỳ họp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình bày các báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Báo cáo tỉnh hình thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương năm 2022 và dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023. Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh đã được các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra, được các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận. Qua các báo cáo giám sát, thẩm tra của Thường trực Hội đồng đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và qua thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Hầu hết các ý kiến thống nhất nội dung các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh trình và đánh giá cao những kết quả quan trọng, toàn diện trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đồng thời cũng phân tích những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc từ đó đóng góp, gợi ý nhiều giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện.
Tại Phiên thảo luận, đã có 03 Giám đốc Sở và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hoàng Việt Phương làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm. Tại Phiên chất vấn, có Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thế Giang trả lời chất vấn tại hội trường. Đối với những vấn đề chất vấn bằng văn bản hoặc các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chất vấn trực tiếp nhưng chưa được trả lời, Ủy ban nhân dân dân tỉnh yêu cầu các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm túc trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Như các đại biểu đã biết, cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2022 Tuyên Quang cũng đang phải chịu tác động bởi những khó khăn chung của nền kinh tế, như áp lực lạm phát tăng cao; khó khăn trong nguồn cung xăng dầu, giá nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn; không ngừng đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân.
Có được những kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chủ động, tích cực đổi mới tư duy, phương pháp điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự giám sát, đồng hành của Hội đồng nhân dân tỉnh, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của của các sở, ban, ngành, địa phương; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn Hội đồng nhân dân tỉnh và cử tri toàn tỉnh đã ủng hộ, sẻ chia và đồng hành cùng Ủy ban nhân dân tỉnh suốt năm qua; cảm ơn các cơ quan tư pháp, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã luôn sát cánh, ủng hộ, đồng hành Ủy ban nhân dân tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức.
Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc
Với trách nhiệm là người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi phát biểu làm rõ thêm một số nội dung sau:
Một là, Tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 30/9/2022 để cụ thể hóa Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 23-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các mục tiêu cụ thể, như: Giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 9,5%; Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/người/năm; Tỉ lệ đô thị hóa đạt 35%; Hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 100% số xã (tổng số 122 xã), trong đó 50% số xã (61 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số xã (18 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; Tỉ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 2-2,5%/năm; tỉ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số dưới 10%; 100% số xã có bác sỹ và 100% số xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã; 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển và liên kết vùng, trọng tâm là các dự án giao thông có tính chất kết nối liên vùng.
Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 23/8/2022), trong đó Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch và ủy viên Hội đồng là lãnh đạo các Bộ, Ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ để xem xét giải quyết các vấn đề của vùng, nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ, hợp tác với các tỉnh, thành phố; ký Thoả thuận hợp tác với tỉnh An Giang, sắp tới tỉnh sẽ tổ chức làm việc, ký kết Thoả thuận hợp tác với tỉnh Vĩnh Phúc.
Thực hiện Kết luận số 45-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để tạo sự đồng nhất trong việc triển khai Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch vùng và tạo điều kiện cho tỉnh phát triển trong tương lai, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung một số nội dung của tỉnh vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, bao gồm: Tuyên Quang là vệ tinh của vùng về chuỗi liên kết sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô; Phát triển hành lang kinh tế Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang - Bắc Kạn - Cao Bằng; Xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thành trung tâm giáo dục lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch cả nước; Xây dựng Tuyên Quang là Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; Xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang trở thành Bệnh viện tuyến cuối của khu vực Đông Bắc; Xây dựng hồ sơ và đề nghị UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới Na Hang (Tuyên Quang) – Ba Bể (Bắc Kạn). Đây là những định hướng lớn trong Chiến lược, quy hoạch phát triển tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn tới.
Hai là, Tiếp tục tập trung nguồn lực, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả các Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt trên 9%, đây là mục tiêu cao, để hoàn thành mục tiêu này, chúng ta cần phải quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các Đề án.
Ngay sau khi kỳ họp kết thúc, căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023, Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và các Chương trình, kế hoạch khác cho các sở, ngành, các huyện, thành phố và các đơn vị. Đồng thời, ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, ban hành các văn bản cụ thể hóa triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh được thông qua tại kỳ họp này.
Chủ tọa kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc.
* Về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để từ đó khắc phục những hạn chế, vướng mắc. Trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, đặc sản hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp; Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (cam, chè, gỗ nguyên liệu...); Tổ chức sản xuất các sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, thực hiện có hiệu quả việc cấp mã số vùng trồng cho một số sản phẩm nông sản như: chè, bưởi, lạc.., mã số cơ sở đóng gói sản phẩm để đảm bảo tính minh bạch trong việc truy xuất và xác thực nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá đáp ứng yêu cầu về điều kiện kiểm dịch thực vật để xuất khẩu hàng hoá (năm 2022 Công ty cổ phần chè Sông Lô được cục Bảo vệ thực vật cấp 03 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu (EU)); xây dựng hạ tầng dữ liệu số ngành nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, điều hành, phát triển sản xuất nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. (đến nay toàn tỉnh có 128 sản phẩm OCOP trên địa bàn 64 xã, phường, thị trấn, hiện nay còn 74 xã, phường, thị trấn chưa có sản phẩm OCOP, trong đó: Có 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 33 sản phẩm đạt hạng 4 sao; có 5/7 huyện, thành phố có 08 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; có 01 gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày, giới thiệu và bán tại thành phố Hà Nội, trong đó bước đầu đã có sản phẩm OCOP tiêu biểu gắn với du lịch nông thôn được xếp hạng 4 sao. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu có 230 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 01 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Năm 2023 chúng ta cũng phấn đấu hoàn thành 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt chuẩn, đồng thời với việc duy trì các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Là tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ Các-bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng Các-bon rừng giai đoạn 2021-2030 (hàng năm, toàn tỉnh trồng được trên 11.500 ha rừng; khối lượng gỗ khai thác hàng năm đạt trên 1 triệu m3; thực hiện quản lý rừng bền vững và đến nay đã cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC trên 36.900 ha rừng; duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65%). Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
* Về sản xuất công nghiệp và thu hút đầu tư: Tiếp tục theo dõi sát hơn tiến độ thực hiện các dự án sản xuất công nghiệp, kịp thời giải quyết, tháo gỡ, khó khăn nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các dự án đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và đồng ý cho phép nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư. Trong năm 2023, một số dự án sản xuất công nghiệp mới sẽ đi vào hoạt động, như: Nhà máy nông sản tại cụm công nghiệp Phúc Ứng, công suất 3.000 tấn rau quả đông lạnh/năm; Nhà máy may công nghệ cao Tuyên Quang LGG tại cụm công nghiệp An Thịnh, công suất 4 triệu sản phẩm/ năm; Nhà máy chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Long Bình An, công suất 8.000 tấn dăm mảnh/năm; 4.500m3 ván bóc/ năm; 12.000 m3 ván ép/năm,… Tập trung tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm công nghiệp, như: Giày da, chế biến gỗ, thép, điện... Sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ thành lập một số Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, là cơ sở để thu hút các dự án đầu tư vào các Khu, cụm công nghiệp.
Trước những diễn biến bất thường của giá nguyên vật liệu sản xuất, sự thiếu hụt nguồn cung xăn dầu, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều chỉ đạo về việc tăng cường quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cung cầu thị trường; chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố bám sát diễn biến thị trường để chủ động tham mưu các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong mọi tình huống; thường xuyên giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không bị gián đoạn.
* Về phát triển du lịch: Trong năm 2022, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thu hút khách du lich, nổi bật là tổ chức thành công Chương trình khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ I, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận kỷ lục Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lớn nhất Việt Nam, Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022; thu hút đông đảo du khách trong nước và ngoài nước tham dự. Vui mừng hơn những ngày đầu tháng 12 năm nay, Quảng trường Nguyễn Tất Thành là công trình duy nhất của cả nước đạt giải thưởng “Phong cảnh thành phố Châu Á năm 2022” do Hội đồng giám khảo của Giải thưởng Cảnh quan đô thị Châu Á (ATA) trao tặng, Quảng trường Nguyễn Tất Thành – Nơi được coi là tinh hoa của núi rừng được đánh giá cao vì đáp ứng 5 tiêu chí: thân thiện với môi trường, an toàn và bền vững, tôn trọng giá trị văn hóa và lịch sử địa phương, có chất lượng nghệ thuật cao, đóng góp vào sự phát triển của khu vực và là hình mẫu cho các thành phố khác. Đây là cơ hội để chúng ta tiếp tục quảng bá vẻ đẹp của quê hương Tuyên Quang đến bạn bè trong nước và quốc tế. Để tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của Tuyên Quang, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quan tâm và triển khai các hoạt động; chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh, Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, với mục tiêu đổi mới công tác tổ chức, xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch riêng có, quy mô khu vực và quốc tế; tập trung đầu tư, khai thác các sản phẩm du lịch tại 03 khu du lịch: Khu du lịch quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch Na Hang – Lâm Bình mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và đóng góp một phần cho ngân sách, thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Ba là, Về thu hút nguồn lực, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Ủy ban nhân dân tỉnh xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo rất quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thực hiện, như: Thường xuyên làm việc với các Bộ, Ngành Trung ương để bổ sung nguồn lực thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, tích cực làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang để tháo gỡ khó khăn trong triển khai đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; ban hành các văn bản chỉ đạo, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng; tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện tiến độ đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công tại 07 huyện, thành phố, các chủ đầu tư; Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án: đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Trường THPT Chuyên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phấn đấu đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, Bệnh viện huyện Hàm Yên, 08 Trạm y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 38 trạm y tế thuộc Chương trình phát triển y tế đầu tư từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một số công trình, dự án khác.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước (Chương trình có 10 dự án thành phần và 14 tiểu dự án; tỉnh Tuyên Quang là 1 trong 50 tỉnh trên cả nước tham gia thực hiện Chương trình với 121 xã, 1.533 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thụ hưởng với tổng kinh phí dự kiến giai đoạn I đến năm 2025 là trên 4.400 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị tại các văn bản (số 2176/UBND-KT ngày 14/6/2022 về việc khẩn trương tham mưu, triển khai thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ; số 2935/UBND-KT ngày 27/7/2022 về việc xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia). Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao các cơ quan, đơn vị tham mưu thực hiện nhiệm vụ về xây dựng các văn bản triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh (bao gồm: 10 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; 16 Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh; 03 Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh); đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như hướng dẫn hoàn thành và tập trung tổ chức triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức cuộc họp trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã để triển khai thực hiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã kiểm tra thực tế tại các xã thực hiện Chương trình.
Một số văn bản của Trung ương hướng dẫn muộn, chính sách chưa có định mức, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một Chương trình mới, khó, liên quan nhiều ngành, lĩnh vực; hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ưnngs dụng CNTT (Tiểu dự án 2, Dự án 10); danh sách các thôn có dân tộc khó khăn đặc thù sinh sống thành cộng đồng, hướng dẫn úy thác đối với nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc thiểu số còn khiều khó khăn (tiểu dự án 2, Dự án 9). Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đề nghị các cấp huyện, xã, các ngành phải chủ động tổ chức thực hiện ngay các Tiểu dự án đã có, không chờ đợi. Về nguồn vốn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân cấp 85% cho các huyện, thành phố là cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy tính chủ động của các huyện là rất quan trọng, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ kiểm tra và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Để phấn đấu giải ngân nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt kế hoạch đề ra; trong năm 2023 Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các ủy viên Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cao độ kiểm tra, đôn đốc tiến độ các công trình dự án, đặc biệt các công trình trọng điểm, các công trình, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giải ngân theo đúng tiến độ đề ra; đồng thời thực hiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành và chính quyền các cấp.
Các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc
Bốn là, Về tài chính ngân sách: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước và Quy chế phối hợp công tác quản lý thu, chống thất thu NSNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Tài chính, ngành Thuế và các huyện, thành phố nỗ lực cao nhất để trước mắt hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN, chi NSĐP năm 2022. Đồng thời triển khai có bài bản dẩy nhanh tiến độ cho ngân sách đặc biệt là chi cho chế độ, chính sách các nhiệm vụ, đề án; rà soát nhiệm vụ chi, thu hồi vốn đối với nội dung không còn nhiệm vụ hoặc không có khả năng chi hết phục vụ nhiệm vụ quan trọng cấp bách cuối năm; khẩn trương thực hiện hỗ trợ chi trả chế độ phòng, chống dịch Covid-19 theo Quyết định số 1788/QĐ-UBND ngày 06/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ động tổ chức triển khai quyết liệt có hiệu quả các giải pháp thu ngân sách trên địa bàn, thực hiện đánh giá cụ thể từng khoản thu, phân tích làm rõ các khoản giảm thu do ảnh hưởng của các chính sách miễn, giãn, giảm thuế; tăng cường công tác chống thất thu ngân sách, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại, điện tử, kinh doanh trên nên tảng số; thực hiện các thủ tục ghi thu, ghi chi tiền thuê đất phải nộp theo quy định, rà soát kỹ để thống nhất chủ trương. Về khuyến khích, vận động các nhà đầu tư thành lập pháp nhân trên địa bàn tỉnh để triển khai thưc hiện dự án. Các cấp, các ngành, các đơn vị dự toán điều hành quản lý ngân sách theo đúng dự toán ngân sách đã được giao; chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết (vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1787/QĐ-UBND giảm dự toán các đơn vị, số tiền 65,68 tỷ đồng) để có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh, như đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia.
Về vấn đề mua sắm tài sản tập trung: Theo phân cấp quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 20/4/2021 danh mục mua sắm máy móc, thiết bị mua sắm tập trung và phân công đơn vị thực hiện mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh; trong đó tài sản đưa vào danh mục mua sắm tập trung đã giảm so với Quyết định 209/QĐ-UBND ngày 02/8/2018 trước đây nhằm giúp các đơn vị chủ động hơn trong việc mua sắm, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, nhất là công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh (không đưa vào danh mục mua sắm tập trung hoá chất xét nghiệm và vật tư y tế, đối với danh mục thiết bị giảm từ 45 danh mục xuống còn 9 danh mục). Qua thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài chính nghiên cứu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để việc mua sắm tài sản vừa tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, vừa thuận lợi nhanh chón đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm là, Ủy ban nhân dân tỉnh đã rất quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là rất quyết liệt trong công tác chuyển đổi số, ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 03/10/2022 về Nâng cao chỉ số đánh giá, cải thiện vị trí xếp hạng chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang năm 2022, tổ chức họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số để đánh giá định kỳ việc triển khai công việc, tổ chức ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược về Chuyển đổi số với Tập đoàn công nghiệp Viễn thông Quân đội. Toàn tỉnh đã cung cấp 1.879 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang tiếp tục được vận hành hiệu quả, là đầu mối tổ chức thực hiện tiếp nhận, hướng dẫn, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết 1.453 TTHC của 17 sở, ban, ngành và 03 cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh (Công an, Bảo hiểm xã hội, Thuế) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức trong giải quyết TTHC; 10 tháng năm 2022 tiếp nhận 83714 thủ tục (bình quân 321 thủ tục/ ngày cả ngày thứ 7), đã giải quyết 79.008 thủ tục, đạt 95%, số còn lại cơ bản vẫn trong hạn giải quyết).
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 18/02/2022; thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Quyết định số 68/Q-UBND ngày 23/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh); Toàn tỉnh đã cấp căn cước công dân được 662.922/680.667 nhân khẩu từ 14 tuổi trở lên (đạt tỷ lệ 97,39%); thu nhận hồ sơ tài khoản định danh điện tử mức 2 được 150.444 hồ sơ, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 được 107.098 trường hợp.
Trong năm 2023, để quyết tâm phấn đấu nâng thứ hạng chuyển đổi số xếp thứ 35 của cả nước, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung quyết liệt thực hiện một số công việc, như: Tập huấn nâng cao trình độ Chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước; tạo lập dữ liệu về kết quả giải quyết TTHC; triển khai chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin cơ quan nhà nước; Nền tảng dùng chung trí tuệ nhận tạo (AI) phục vụ cho các cơ quan nhà nước, cho người dân và doanh nghiệp trên toàn tỉnh; Nền tảng bản đồ số dùng chung của tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn về sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; nâng cấp mở rộng trục kết nối chia sẻ dữ liệu của tỉnh; nâng cấp trung tâm tích hợp dữ liệu để bảm đảm dung lượng lưu trữ dữ liệu cho các kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thành phố,… Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo, rà soát tiết kiệm chi ngân sách để bổ sung nguồn lực cho công tác chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu đề ra (năm 2023 bố trí gấp 1,5 lần cho công tác này).
Các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc
Sáu là, Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường: Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản và môi trường trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh đang nỗ lực chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất của các công ty nông lâm nghiệp bàn giao cho địa phương, Ủy ban nhân dân tiếp tục chỉ đạo thực hiện ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước trong đo đạc, lập hồ sơ địa chính; giao Ủy ban nhân dân các huyện rà soát việc sử dụng kinh phí đo đạc địa chính năm 2022, 2023 báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên phân bổ (hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai 43 xã đã đo đạc địa chính, đo đạc diện tích đất đối với các hộ gia đình hiến đất, đo diện tích đất các công ty lâm nghiệp trả lại cho địa phương); xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Nâng cao trách nhiệm thẩm định, xác định giá đất, kịp thời tham mưu để phê duyệt giá đất khi thực hiện thủ tục giao đất làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, đảm bảo tính chuẩn xác, phù hợp với giá thị trường và điều kiện thực tế của tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 bảo đảm tiến độ đề ra; điều chỉnh phương án tjw chủ sớm từ tháng 01/2023 cho Văn phòng đăng ký đât đai; bố trí đủ nhân lực để giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Chỉ đạo các cấp chính quyền trong tỉnh tăng cường rà soátc quản lý sử dụng đất công ích theo đúng quy định của Luật Đất đai. Ủy ban nhân dân tỉnh trân trọng cảm ơn và biểu dương các hộ gia đình (841 hộ, 94.000 m2) đã hiến đất xây dựng cầu và đường GTNT, thể hiện trách nhiệm cao đối với cộng đồng.
Về vấn đề môi trường, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về môi trường, phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, Nhà máy, cơ sản sản xuất thực hiện nghiêm báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; yêu cầu thực hiện ngay công tác kiểm tra, hiệu chỉnh quy trình công nghệ sản xuất, vận hành và đánh giá tình trạng hoạt động của các thiết bị, máy móc sản xuất, xử lý chất thải để kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế đảm bảo vận hành sản xuất ổn định, không để tiếp tục xảy ra sự cố thiết bị làm phát tán bụi, chất thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Uỷ ban nhân dân cũng rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan theo chức năng nhiệm vụ tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn; rà soát bổ sung các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để tổ chức thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào các cơ sở có lượng chất thải lớn, chất thải độc hại; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời cơ sở vi phạm nghiêm trọng theo quy định của pháp luật (Văn bản số 3839/UBND-KT ngày 30/9/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh).
Vừa qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản về lĩnh vực của Quỹ bảo vệ môi trường, như Quyết định số 32/2022/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 về Sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 18/8/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc thành lập và ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Tuyên Quang Quyết định số 586/QĐ-UBND ngày 11/10/2022 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động; Quyết định số 1656/QĐ-UBND ngày 12/11/2022 về Quy chế quản lý tài chính. Đây là những Quyết định quan trọng về Quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ.
Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tích cực hơn nữa trong chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh sử dụng vốn ngoài ngân sách, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sớm đưa dự án vào hoạt động, sản xuất, đối với các dự án không thực hiện đầu tư, chậm thực hiện đầu tư có giải pháp kiên quyết để xử lý dứt điểm theo quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh (Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa và Hòa Bình). Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các phương án để tháo gỡ, xử lý các vướng mắc đối với từng dự án. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế, phát triển hạ tầng đô thị động lực là rất quan trọng, một mặt tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, mặt khác khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc không để doanh nghiệp mất nhiều thời gian chờ đợi, đi lại nhiều cửa, phiền hà.
Bẩy là, Thực hiện Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2022-2026, Ủy ban nhân dân tỉnh đã báo cáo Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, trong đó xác định, đến năm 2026, các đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước của tỉnh giảm 1.505 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước (đạt tỷ lệ 10% so với năm 2021). Đồng thời, tại kỳ họp này, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh tạm phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước năm 2023, trong đó bổ sung 1.246 giáo viên (Mầm non 961 người; tiểu học 107 người, trung học cơ sở 135 người, trung học phổ thông 43 người) cho các huyện, thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo theo đúng Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị. Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết định tạm giao giao số lượng người làm việc cụ thể cho các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có phù hợp với cơ cấu từng cấp học, từng trường học, từng môn học, xác định nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong đó có giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học để xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và kịp thời tổ chức thực hiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về đầu tư phòng tin học và thư viện tại các trường học, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát cân đối, xem xét bố trí một phần ngân sách nhà nước, ngoài ra Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan phải xây dựng phương án để huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư, nâng cấp các phòng học tin học, thư viện trong nhà trường, chờ hoàn toàn vào ngân sách nhà nước là rất khó khăn. Đối với việc như đầu tư cơ sở vật chất các trường nội trú, bán trú, mua sắm trang thiết bị dạy và học cho các trường; vấn đề lạm thu các khoản trong các trường học (nếu có), Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố khẩn trương rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Về công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân: Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, trong đó giao Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn; thành lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật. Giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Đối với vấn đề bảo đảm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế: Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân; đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với thủ trưởng đơn vị không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm; đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ người đứng đầu và cán bộ liên quan; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; bảo đảm đấu thầu công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở khám, chữa bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ năm 2020 trở về trước của các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.
*Về Chương trình hành động thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động: Theo Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 09/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, trên địa bàn tỉnh đưa được 900 lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng; đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình hợp tác giữa các địa phương của tỉnh. Trong đó: Năm 2021, số lao động được tuyển chọn và xuất cảnh là 286 người (đạt 79,4% kế hoạch); 10 tháng năm 2022 là 614 người (đạt 130,6% kế hoạch) tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật Bản và Đài Loan và một số thị trường khác (Hàn Quốc, Ba Lan, Nga...), công tác xuất khẩu lao động không chỉ đem nguồn thu nhập mà còn thay đổi nhận thức, tích lũy kỹ năng cho người lao động. Uỷ ban nhân dân tỉnh đang hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022 - 2025, với mục tiêu trong 3 năm (2023, 2024, 2025) đưa khoảng 1.700 người đi lao động tại nước ngoài.
Tám là, Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong chỉ đạo, điều hành, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, việc thuộc thẩm quyền thì chủ động tổ chức thực hiện, việc vượt thẩm quyền báo cáo để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết công việc.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân (Chủ tịch UBND xã tiếp 1 lần/ tuần, Chủ tịch UBND huyện tiếp 2 lần/ tuần, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp 1 lần/ tháng), giải quyết khiếu nại, tố cáo. Giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân; tiếp tục tổ chức đối thoại với công dân trước khi ban hành thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thực hiện tiếp công dân định kỳ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, không để đơn thư có điều kiện giải quyết mà để công dân đi lại nhiều lần. Văn phòng Ủy ban nhân dân tiếp tục thông báo kết quả tiếp công dân và giải quyết đơn thư thuộc trách nhiệm của cấp, ngành (người đứng đầu).
Tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023; tập trung thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết, chăm lo cho gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; bảo đản cung cầu hàng hóa, dịch vụ, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu khác, chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng; hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân năm 2023. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ năm 2023 của tỉnh an toàn và đạt kết quả cao. Chú trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn xã hội, an toàn không gian mạng, tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu. Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo thông qua huy động vốn, góp vốn đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản, cảnh giác với tín dụng đen gây nhiều hệ lụy phức tạp. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo và vật liệu nổ.
Kính thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí và thưa toàn thể cử tri!
Vì thời gian có hạn, tôi không thể đề cập đến tất cả những vấn đề các vị Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã thảo luận, chất vấn và giải pháp thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương pháp chỉ đạo, điều hành, bảo đảm tính khoa học, tính kế hoạch, tính đồng bộ, tính hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự ủng hộ, đồng hành của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự linh hoạt, quyết liệt, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự đồng thuận của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, đồng tâm, nhất trí vượt qua khó khăn trở ngại thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh năm 2023.
Xin chúc các vị Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và toàn thể các vị Đại biểu tham dự kỳ họp đón năm mới 2023 mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn./.