Thông tư 08 giúp không ít giáo viên được tăng nhiều bậc lương trước hạn
 
Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT giúp cho một bộ phận lớn giáo viên trẻ cải thiện đời sống, thu nhập hàng tháng tăng lên để họ yên tâm công tác, cống hiến.

Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01- 042021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Về cơ bản, những giáo viên xuống hạng, từ hạng II cũ sang hạng III mới thì hệ số lương vẫn như hiện nay. Nếu giáo viên được chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới thì gần như lương giáo viên nào cũng đều tăng hệ số lên cao hơn so với trước.

Những giáo viên được tăng thấp nhất là hệ số 0,01- từ 3,99 lên 4,0; những giáo viên đang hưởng lương bậc bậc 4, bậc 5, bậc 6 - hệ số 3,33; 3,67, 3,99 đều được lên bậc 1- hệ số 4,0. Tương đương với việc “tăng trước hạn từ 1-2 bậc lương- bằng 3- 6 năm so với trước đây.

Việc tự nhiên được tăng “vượt bậc” vài bậc lương sẽ cải thiện được tổng thu nhập cho nhiều giáo viên trẻ. Đặc biệt, việc tăng lương này so với nhiều giáo viên cả đời nỗ lực phấn đấu để được tăng lương trước thời hạn cũng không thể nào bằng.

Nhiều giáo viên được tăng nhiều bậc lương trước hạn

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn như sau: giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đang hưởng lương bậc 4 (hệ số 3,33); bậc 5 (hệ số 3,66) và bậc 6 (hệ số 3,99) nếu được xếp hạng II mới sẽ đều được chuyển sang lương bậc 1 (hệ số 4,0) mới.

Tuy nhiên, trong thực tế đã có những địa phương vừa thực hiện xếp lương theo chùm thông tư 01-04 và giáo viên đã có quyết định bổ nhiệm hạng mới, lương mới. Trong đó, có trường hợp giáo viên đúng chuẩn trình độ, đang hưởng lương bậc bậc 3 (hệ số 3,0) của hạng II cũ được chuyển sang hạng II mới và đều được xếp lương bậc 1 (hệ số 4,0). Như vậy, có những giáo viên này đã được “tăng lương trước thời hạn” đến 3 bậc lương, đương đương với hệ số 1,0.

Vì thế, những giáo viên đang đang hưởng lương bậc 3, bậc 4, bậc 5 ở hạng II cũ theo hướng dẫn của chùm Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông, nay chuyển sang hạng II mới của chùm Thông tư 02-03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT (đối với giáo viên tiểu học- trung học cơ sở) sẽ được hưởng lợi nhiều lợi thế.

Nếu so sánh với trước đây, khi các cấp học phổ thông thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương chùm Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cứ 3 năm lên 1 bậc lương (tương đương hệ số 0,33) và muốn tăng lương trước thời hạn phải có thành tích xuất sắc mới được tăng 6 tháng; 9 tháng; 1 năm thì giai đoạn này nhiều giáo viên không cần đến thành tích xuất sắc cũng có thể tăng vượt bậc nhiều bậc lương một lúc.

Muốn tăng lương trước hạn, giáo viên phải đáp ứng yêu cầu gì?

 

Nhiều năm qua, ngành giáo dục cũng như một số ngành nghề khác, khi giáo viên được xét, đề nghị nâng lương trước thời hạn phải trải qua một quá trình phấn đấu rất cực mới có thể được đề nghị xét mà chưa chắc đã được nâng lương trước thời hạn.

Cụ thể, tại một số Điểm, Khoản tại Điều 3 Thông tư 08/2013/TT-BNV hướng dẫn chế độ nâng bậc lương trước thời hạn như sau:

1. Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ:

a) Điều kiện và chế độ được hưởng: Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này đạt đủ 02 tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư này...

đ) Xác định thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc: Thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn được xác định theo thời điểm ban hành quyết định công nhận thành tích đạt được trong khoảng thời gian 6 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên và 4 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn…

Việc xét nâng bậc lương trước thời hạn được căn cứ vào thành tích cao nhất đạt được của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nếu thành tích cao nhất bằng nhau thì xét đến các thành tích khác; trường hợp có nhiều người có thành tích như nhau thì thực hiện ưu tiên theo quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị.

e) Tiêu chuẩn xét nâng bậc lương trước thời hạn: Tiêu chuẩn, cấp độ về lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và thời gian được nâng bậc lương trước thời hạn tương ứng với từng cấp độ thành tích khác nhau của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trao đổi với cấp ủy và Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp quy định cụ thể trong Quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị.

Căn cứ vào quy định này, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc diện được xét nâng bậc lương trước thời hạn hằng năm do tập thể bình chọn, nhưng mỗi năm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị”.

Đối với những thành tích xuất sắc của giáo viên lâu nay thường được tính là các danh hiệu thi đua mà giáo viên đã đạt được trong chu kỳ xét nâng lương thường xuyên- 3 năm 1 bậc. Nếu giáo viên được xét nâng lương trước hạn lần đầu là thời điểm 2 năm, xét nâng lương trước hạn ở chu kỳ tiếp theo phải chờ đến 5 năm vì không được xét nâng lương trước hạn 2 lần liên tục.

Vì thế, muốn được nâng lương trước hạn 6 tháng, giáo viên phải có 1 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; xét nâng lương trước hạn 9 tháng, giáo viên phải có 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, hoặc được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố).

Xét nâng lương trước hạn 12 tháng phải đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (3 lần Chiến sĩ thi đua cơ sở), hoặc Bằng khen của Bộ, của Thủ tướng Chính phủ.

Khi đủ các tiêu chí để xét nhưng nếu đơn vị có người bằng thành tích và số lượng giáo viên đủ điều kiện quá tỉ lệ thì sẽ xét đến nhiều tiêu chí ưu tiên phụ khác.

Vì thế, nhiều giáo viên đủ điều kiện để xét nâng lương trước hạn cũng chưa chắc được đề nghị cấp trên ra quyết định công nhận được nâng lương trước hạn vì mỗi năm đơn vị chỉ được xét không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Điều này cho thấy, để được xét nâng lương trước hạn 6 tháng; 9 tháng; 1 năm là cả một quá trình cố gắng phấn đấu không mệt mỏi của giáo viên trong nhiều năm trời. Họ phải tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm; có học sinh giỏi các cấp; tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi; làm đồ dùng dạy học; chất lượng giảng dạy phải bằng hoặc cao hơn giáo viên trong trường…

Nếu so với việc nâng lương trước hạn thì cả đời làm giáo viên cũng khó được tăng lương trước hạn nhiều bậc như khi thực hiện Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT. Bởi thực tế, rất hiếm giáo viên được nâng lương trước hạn 3 lần (mỗi lần 12 tháng, bằng thời gian 1 bậc lương) chứ chưa nói đến việc giáo viên được tăng từ hệ số 3,33 lên 4,0.

Rõ ràng, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sẽ giúp cho một bộ phận lớn giáo viên trẻ có cơ hội cải thiện đời sống, giúp cho thu nhập hàng tháng tăng lên để họ yên tâm công tác, cống hiến.

Song, cũng vì thế mà có rất nhiều giáo viên sẽ thiệt thòi, nhất là những giáo viên họ đã và đang là những giáo viên tiêu biểu ở các nhà trường, họ đã nỗ lực phấn đấu nhiều năm nhưng muốn được nâng lương trước thời hạn thêm hệ số 0,33 là phải phấn đấu nhiệt tình, thậm chí phải chờ đợi đến 5 năm mới được nâng lương trước hạn ở lần kế tiếp.

 

giaoduc.net.vn