TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Dự hội thảo có các đồng chí: Y Thanh Hà Niê K’đăm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; Phạm Tất Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch trong nước.
Các đại biểu dự hội thảo.
Tỉnh Tuyên Quang dự hội thảo có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh.
Dự Hội thảo có lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp của 6 tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc.
Diễn đàn tìm giải pháp, ý tưởng phát triển du lịch
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, 6 tỉnh Chiến khu Việt Bắc, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và các địa phương vùng An toàn khu của Tuyên Quang có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội. Với tiềm năng, thế mạnh, ở cấp độ khác nhau các tỉnh Việt Bắc đều chọn phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn hoặc quan trọng, là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí mong muốn đại biểu tập trung thảo luận sâu sắc về tiềm năng, lợi thế và xác định mục tiêu xây dựng, định vị thương hiệu du lịch vùng, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính liên kết. Đồng thời, xác định cách tiếp cận mới trong xây dựng liên kết vùng; nhìn nhận một cách toàn diện về những khó khăn, thách thức, xác định rõ điểm nghẽn cần khơi thông.
Đặc biệt, cần đề xuất các giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu, mang đậm dấu ấn văn hóa của từng địa phương; giải pháp quản lý sản phẩm và đánh giá hiệu quả mà sản phẩm mang lại dưới góc độ kinh tế - xã hội; vai trò của doanh nghiệp trong liên kết du lịch; giải pháp để tạo nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm khẳng định, những năm qua các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc trong đó có tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực, cùng hợp tác, liên kết triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Nổi bật là chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức thường niên từ năm 2009 với nhiều hoạt động hấp dẫn, mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh thì du lịch các tỉnh trong vùng, trong đó có Tuyên Quang phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Do đó, hội thảo hôm nay có ý nghĩa quan trọng để đưa ra những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, giải pháp đẩy mạnh liên kết và phát triển du lịch. Đồng thời là cơ hội để tỉnh Tuyên Quang gửi thông điệp về khát vọng phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn dự hội thảo.
Báo cáo đề dẫn hội thảo do đồng chí Trần Văn Túy, nguyên Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế - Văn hóa, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã nêu rõ mục đích của hội thảo là tạo diễn đàn thu nhập ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp Trung ương, địa phương về các tiềm năng du lịch, các nguồn lực và hiện trạng liên kết phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc. Đồng thời, đánh giá những thành công, những khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong quá trình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Chiến khu Việt Bắc với cả nước và quốc tế. Qua đó đóng góp những ý tưởng và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác liên kết phát triển du lịch trong tương lai.
Tăng cường kết nối du lịch
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhìn nhận rằng, vùng Chiến khu Việt Bắc có nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc, có thế mạnh đặc biệt để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế, bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa. Tuy nhiên, các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch của các tỉnh thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, chưa tạo được sức mạnh thúc đẩy phát triển du lịch của mỗi địa phương.
Đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại hội thảo.
Tham luận tại hội thảo, đồng chí Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã đưa ra giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch. Đó là, đẩy mạnh liên kết, hợp tác du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trong nội vùng, cả nước và quốc tế; nâng cao vai trò Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn phát triển du lịch; phát huy vai trò cộng đồng DTTS với tư cách là chủ thể sáng tạo, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương tham luận tại hội thảo.
Tại hội thảo, đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã đánh giá tài nguyên du lịch lịch sử, du lịch văn hóa đặc trưng, giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên đặc trưng…của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh Chiến khu Việt Bắc.
Đồng thời, đưa ra các giải pháp đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch như: Tăng cường phối hợp, liên kết, kết nối nhằm phát huy lợi thế, bổ sung khắc phục cho nhau những hạn chế; tăng cường phối hợp kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng thương hiệu du lịch thông qua đa dạng quảng bá, tuyên truyền du lịch; thường xuyên cập nhật nghiên cứu các loại hình du lịch mới để phù hợp với xu thế thời đại.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu tại hội thảo.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp để phát huy lợi thế, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong phát triển du lịch. Điển hình như phát huy bản sắc văn hóa bản địa, đào tạo nhân lực, phát triển nguồn nhận lực, đặc biệt nguồn nhận lực tại cộng đồng; đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm; quảng bá, phát triển nông sản thành sản phẩm du lịch; du lịch gắn với đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự địa phương…
Kết luận hội thảo, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương khẳng định, hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến, kinh nghiệm, giải pháp, đề ra định hướng phát triển du lịch quan trọng. Đây là tài liệu quan trọng, có ý nghĩa để Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Viện Kinh tế Văn hóa, Ban Chủ nhiệm Đề tài, các tỉnh Chiến khu Việt Bắc xây dựng các định hướng, mô hình liên kết phát triển du lịch. Đồng thời, dựa vào đó đưa ra những giải pháp, chính sách, tăng cường liên kết du lịch một cách khoa học, hiệu quả. Từ đó từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh Chiến khu Việt Bắc.