TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Ngày 4-5-1954, Phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, đến Geneva (Thụy Sĩ) tham dự Hội nghị Geneva về Đông Dương, sau những diễn biến tích cực về chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Chiến dịch Điện Biên Phủ_Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bối cảnh dẫn đến Hội nghị Giơ-ne-vơ và ý đồ của các bên
Bối cảnh quốc tế
Vào những năm 50 của thế kỷ XX, nhằm thực hiện chiến lược toàn cầu “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản”, chủ nghĩa đế quốc - đứng đầu là đế quốc Mỹ - đã đẩy mạnh chiến lược quân sự “trả đũa ồ ạt” và chính sách ngoại giao “bên miệng hố chiến tranh”, để bao vây Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Sau thành công của cách mạng Trung Quốc năm 1949, so sánh tương quan lực lượng trên thế giới phần nào có lợi cho các lực lượng cách mạng. Phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, với liên minh Liên Xô - Trung Quốc làm nòng cốt, được củng cố. Hai nước đẩy mạnh phát triển kinh tế theo kế hoạch dài hạn.
Phe xã hội chủ nghĩa đoàn kết, nhất trí giương cao ngọn cờ chống đế quốc, bảo vệ hòa bình thế giới và ủng hộ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc. Xu hướng trung lập tích cực không tham gia các liên minh quân sự của Mỹ và phương Tây được đẩy mạnh.
Chiến tranh lạnh do Mỹ phát động nhằm chống Liên Xô bước vào giai đoạn phát triển cao. Hai phe đều coi trọng tập hợp lực lượng và đấu tranh với nhau quyết liệt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hai phe lại đi vào hòa hoãn. Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) là một trong những cuộc chiến tranh lớn, khốc liệt, có nhiều nước tham gia nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời là kết quả của tình trạng căng thẳng giữa hai phe trong Chiến tranh lạnh. Ngày 27-11-1953, hiệp định ngừng bắn được ký kết ở Bàn Môn Điếm - ngôi làng nằm giữa biên giới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc - quy định trở lại nguyên trạng Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên và trao trả tù binh tại vĩ tuyến 38.
Chiến tranh Triều Tiên kết thúc cho thấy các cuộc xung đột quân sự ở Viễn Đông có thể giải quyết được bằng con đường chính trị, đó là xu thế hòa hoãn giữa các cường quốc. Ngày 25-1-1954, tại khu vực do Mỹ kiểm soát ở Thủ đô Béc-lin (Đức), diễn ra Hội nghị bốn bên giữa Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô, nhằm giải quyết việc thống nhất nước Đức, vấn đề nước Áo. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các nước lớn kể từ năm 1949. Ngày 18-2-1954, hội nghị kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào về hai vấn đề trên. Tuy nhiên, bốn nước đã nhất trí triệu tập một hội nghị tại Thủ đô Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương.
Tình hình trên chiến trường
Tại Đông Dương, sau Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952..., ta ngày càng khẳng định được thế chủ động chiến lược, nhất là trên chiến trường miền Bắc. Mặc dù được sự can thiệp, hỗ trợ của Mỹ, quân Pháp vẫn tiếp tục lún sâu vào thế bị động, sa lầy, đứng trước những thất bại to lớn. Để cải thiện tình hình, Pháp đề ra Kế hoạch Na-va (tháng 7-1953) với hy vọng giành lấy một thắng lợi quân sự quyết định trong vòng 18 tháng, buộc Việt Nam thương lượng theo điều kiện của Pháp. Tuy nhiên, quân và dân ta càng đánh càng mạnh, nắm vững quyền chủ động trên các chiến trường. Sau những thất bại về quân sự, cục diện chiến trường diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho quân Pháp, buộc thực dân Pháp thay đổi kế hoạch, xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ở Tây Bắc Việt Nam. Điện Biên Phủ được coi là cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, “pháo đài quân sự bất khả xâm phạm”, sẵn sàng “nghiền nát” lực lượng bộ đội chủ lực của Việt Nam.
Trong bối cảnh lịch sử phức tạp lúc đó, trên cơ sở dự đoán chính xác âm mưu của thực dân Pháp, phân tích so sánh lực lượng giữa ta và địch và khả năng diễn biến của chiến tranh, Bộ Chính trị đã họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh gian khổ, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam.
Quan điểm của Việt Nam
Ngay từ trước khi bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 26-11-1953, trả lời phỏng vấn báo Expressen của Thụy Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó... Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”(1).
Quan điểm của Pháp
Chiến tranh kéo dài khiến tình hình kinh tế - xã hội Pháp ngày càng gặp khó khăn; phong trào nhân dân Pháp chống chiến tranh phát triển mạnh mẽ, lan rộng, làm rung chuyển dữ dội nội bộ xã hội và dân tình nước Pháp(2); cùng lúc đó, Đảng Cộng sản Pháp giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội nước này. Giới cầm quyền Pháp cũng phân hóa thành hai phái: phái chủ hòa và phái chủ chiến. Ngày 20-10-1953, Quốc hội Pháp thảo luận về vấn đề Đông Dương. Nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Pháp đã yêu cầu Chính phủ Pháp đàm phán ngay với Chính phủ Việt Nam, khiến Thủ tướng Pháp Giô-xép La-ni-en (Joseph Laniel) phải tuyên bố sẽ nghiên cứu về mọi đề nghị của Việt Nam, không từ chối thương lượng. Trong tình hình phức tạp đó, Chính phủ Pháp quyết định vừa tiến hành chiến tranh, vừa tìm kiếm thương lượng để cứu quân đội viễn chinh Pháp, không giữ toàn bộ Đông Dương như cũ, chỉ giữ một số quyền lợi. Ngày 10-3-1954, Quốc hội Pháp hoan nghênh việc bốn cường quốc, bao gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, nhất trí triệu tập Hội nghị Giơ-ne-vơ.
Quan điểm của các nước lớn tham gia Hội nghị
Vào thời điểm đó, Liên Xô cần hòa bình để xây dựng đất nước và củng cố Đông Âu, thúc đẩy lợi ích chiến lược của mình. Trọng tâm chiến lược của Liên Xô là ngăn chặn sự phục hồi của chủ nghĩa phát-xít Đức ở khu vực châu Âu nên cần tranh thủ Pháp. Ở khu vực Đông Nam Á, Liên Xô có rất ít ảnh hưởng. Do đó, Liên Xô đã điều chỉnh chiến lược đối ngoại, đẩy mạnh hòa hoãn quốc tế nhằm củng cố lực lượng trong nước, tiến hành chạy đua với Mỹ để giành ưu thế trên các lĩnh vực.
Trong khi đó, chiến lược của Mỹ là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt sau khi cách mạng Trung Quốc thành công vào năm 1949. Đông Dương là khu vực giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên và nằm trong phòng tuyến chiến lược thiết yếu cho lợi ích an ninh của Mỹ, đồng thời là “chìa khóa” của khu vực Đông Nam Á. Do vậy, Mỹ xem Đông Dương và Triều Tiên là hai sườn của một mặt trận chống chủ nghĩa cộng sản ở châu Á, mà trung tâm là Trung Quốc. Theo “học thuyết đô-mi-nô”(3), bảo vệ được miền Bắc Việt Nam là “chìa khóa” giữ khu vực Đông Nam Á khỏi rơi vào tay cộng sản. Ban đầu, chính sách của Mỹ là can thiệp vào Đông Dương, tiếp đến là quốc tế hóa chiến tranh thông qua khối quân sự Đông Nam Á. Do không được Anh, Pháp ủng hộ thành lập khối quân sự Đông Nam Á nên Mỹ buộc phải chấp nhận triệu tập Hội nghị về Đông Dương.
Là quốc gia nắm giữ nhiều lợi ích và ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Anh ngày càng suy yếu, phải từ bỏ nhiều thuộc địa. Anh không tán thành học thuyết Đô-mi-nô của Mỹ. Anh muốn ngăn chặn cách mạng Đông Dương ảnh hưởng đến Khối thịnh vượng chung, nhưng quan ngại Mỹ tăng cường can thiệp và đẩy Anh khỏi khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Anh cũng lo ngại Trung Quốc can thiệp vào khu vực Đông Nam Á và việc Trung Quốc, Liên Xô tăng cường hợp tác. Hơn nữa, nhận thấy Pháp sẽ sớm đầu hàng Việt Minh, vì vậy Anh muốn nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, chia cắt lâu dài Việt Nam và thiết lập phòng tuyến mới.
Để triển khai kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế - xã hội, đặt nền móng xây dựng chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc mong muốn đạt được giải pháp hòa bình ở Đông Dương, tạo môi trường hòa bình ổn định ở khu vực châu Á, an ninh phía nam đất nước; thúc đẩy chính sách cùng tồn tại hòa bình. Do đó, tham dự hội nghị quốc tế lớn quan trọng đầu tiên sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, với sự hiện diện của các cường quốc là dịp để Trung Quốc xác lập vai trò trong giải quyết những vấn đề quốc tế, trước hết là ở châu Á. Đồng thời, mở rộng tiếp xúc chính trị, thương mại quốc tế nhằm phá thế bao vây, cấm vận mà Mỹ áp đặt chống Trung Quốc kể từ năm 1951, sau khi Trung Quốc gửi quân tình nguyện giúp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Mặt khác, Trung Quốc là một trong những nước xã hội chủ nghĩa viện trợ tích cực cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, do đó Trung Quốc cần nhanh chóng chấm dứt chiến tranh để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh từ phía nam đất nước(4).
Có thể thấy, thất bại chiến lược của Pháp trên chiến trường Đông Dương, nhất là tại cứ điểm Điện Biên Phủ và xu thế hòa hoãn giữa các nước lớn được xem là nhân tố quyết định dẫn đến Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương năm 1954.
Ngày 21-7-1954 (giờ Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết_Ảnh: Tư liệu TTXVN
Diễn biến, kết quả và ý nghĩa của Hội nghị
Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương năm 1954 trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất: từ ngày 8-5 đến 19-6-1954; giai đoạn thứ hai: từ ngày 20-6 đến 10-7-1954; giai đoạn thứ ba: từ ngày 11-7 đến 21-7-1954; với 75 ngày thương lượng, đàm phán căng thẳng, bao gồm 7 phiên họp rộng và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập phía sau các hoạt động công khai. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô V. Mi-khai-lô-vích Mô-lô-tốp và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh An-thô-ni Ê-đen (Anthony Eden) đồng chủ tịch hội nghị. Các trưởng đoàn các nước tham dự hội nghị là bộ trưởng bộ ngoại giao hoặc thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ ngoại giao. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu tham dự hội nghị.
Hội nghị đã ký kết ba hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và thông qua Tuyên bố chung bao gồm 13 điểm, với sự nhất trí của bảy đoàn đại biểu, trừ Mỹ và Chính phủ Quốc gia Việt Nam do Pháp dựng lên. Nội dung cơ bản của Tuyên bố chung là các nước tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia; tuyệt đối không can thiệp vào nội trị các nước đó; ngừng bắn trên toàn bộ chiến trường Đông Dương; quân đội Liên hiệp Pháp rút khỏi Đông Dương trong thời hạn 300 ngày; vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân đội; sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào tháng 7-1956 để thống nhất nước Việt Nam. Ủy ban Giám sát quốc tế, bao gồm Ba Lan, Ấn Độ và Ca-na-đa, sẽ được thành lập nhằm giám sát việc thi hành các điều khoản của Hiệp định.
Từ những điều khoản trên, có thể khẳng định, Hiệp định Giơ-ne-vơ có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng ba nước Đông Dương nói chung, cách mạng Việt Nam nói riêng và ý nghĩa của nó được thể hiện dưới nhiều góc độ. Một là, nếu trong Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp và luôn khẳng định quyền lợi của Pháp ở Nam Bộ thì đến Hiệp định Giơ-ne-vơ, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã được Pháp và các quốc gia khác thừa nhận. Pháp phải rút quân để lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hai là, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, trở thành căn cứ địa cách mạng, hậu phương lớn của cách mạng miền Nam. Đồng thời, Hiệp định đặt cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ còn có ý nghĩa quốc tế to lớn và mang tính thời đại sâu sắc; mở đầu cho quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, làm thay đổi cục diện thế giới và khu vực, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đòi độc lập dân tộc. Nhấn mạnh về ý nghĩa quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Hội nghị Giơ-ne-vơ “ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”(5). Hội nghị là cơ sở chính trị - pháp lý quốc tế quan trọng để nhân dân Việt Nam đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ trong toàn quốc.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, Hiệp định Giơ-ne-vơ chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân ba nước Đông Dương nói chung trên chiến trường và xu thế của cuộc chiến tranh. Cả Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đều có phần chịu ảnh hưởng bởi sự chi phối của xu thế hòa hoãn và sự thỏa hiệp. Đó là, việc xác định ranh giới quân sự tạm thời và phân chia khu vực tập kết chuyển quân ở Việt Nam không phải vĩ tuyến 13 hay vĩ tuyến 16 theo phương án đấu tranh của Việt Nam, mà là vĩ tuyến 17. Hội nghị đã quyết định những vấn đề liên quan đến các lực lượng kháng chiến ở Lào và Cam-pu-chia mà không có sự tham gia của các chính phủ kháng chiến ở hai nước này. Thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam không phải là 6 tháng như đề nghị của Việt Nam, mà là 2 năm. Về việc thi hành, trên thực tế Hiệp định Giơ-ne-vơ chỉ được thực hiện một phần, đó là: chấm dứt chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương; tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Sau này, việc tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam đã không thể thực hiện do chính sách can thiệp và xâm lược của Mỹ. Tóm lại, bối cảnh lịch sử và nhất là tương quan lực lượng lúc đó chưa cho phép Việt Nam giành thắng lợi cuối cùng. Thế nhưng, với quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đến năm 1973 với Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử cách mạng.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham quan trưng bày ảnh về Hiệp định Geneva tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam_Ảnh: TTXVN
Bài học kinh nghiệm từ đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ
Hội nghị Giơ-ne-vơ là cuộc thương lượng đa phương lớn đầu tiên mà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia, đã để lại nhiều bài học vô giá cho nền ngoại giao Việt Nam.
Thứ nhất, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Mặc dù chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang mới cho cách mạng Việt Nam, song khi Việt Nam tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Hội nghị chịu sự chi phối của năm nước lớn tham gia đàm phán và mỗi nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng. Ở đó, “các cường quốc đã tự thỏa thuận phần lớn các điều khoản trong hiệp định mà không cần tính đến phản ứng của các nước Đông Dương”(6). Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp đó, Đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở phát huy chiến thắng trên chiến trường, sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc, nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng. Sau hội nghị, vị thế của Việt Nam được củng cố và nâng cao đáng kể. Trong giai đoạn từ sau Hội nghị Giơ-ne-vơ đến năm 1973, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 36 quốc gia, trong khi trước đó mới thiết lập quan hệ ngoại giao với 9 nước xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, chấp nhận tham gia cuộc thương lượng nhiều bên do các nước lớn triệu tập, chi phối. Ngày 26-11-1953, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Expressen (Thụy Điển) liên quan đến vấn đề thương lượng tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu bốn nội dung lớn, trong đó nội dung thứ tư nhấn mạnh: “Nếu có những nước trung lập nào muốn cố gắng để xúc tiến việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng cách thương lượng, thì sẽ được hoan nghênh, nhưng việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp”(7). Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn được trước vấn đề. Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử lúc đó chưa cho phép Việt Nam giành thắng lợi cuối cùng, nên cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do trọn vẹn của dân tộc Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. Bài học kinh nghiệm từ Hội nghị Giơ-ne-vơ giúp Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vững vàng hơn, độc lập, tự chủ hơn, để đến Hội nghị Pa-ri năm 1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành đàm phán trực diện với Mỹ. Tại Hội nghị Pa-ri, sự độc lập, tự chủ của Việt Nam thể hiện rõ, từ thành phần, nội dung, thời gian đàm phán đến hình thức đàm phán...; không để bất kỳ nước nào can thiệp vào cuộc đàm phán.
Thứ ba, độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế. Đây là tư tưởng lớn, quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”(8). Nói chuyện với các nhà ngoại giao (tháng 1-1964), Người nhấn mạnh: cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh. Tuy nhiên, độc lập, tự chủ không có nghĩa là biệt lập, cô lập, trái lại gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế.
Tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, do lần đầu tham gia đàm phán đa phương, đoàn đại biểu Việt Nam chưa có chiến lược, sách lược đàm phán rõ ràng, mà chỉ tập trung vào mục tiêu đàm phán. Các bước cụ thể liên quan đến phương án đàm phán, thời điểm mở đầu và kết thúc đàm phán, phân công phối hợp các lực lượng trong đàm phán... luôn bị các nước lớn can thiệp và tác động. Trong khi đó, đoàn Việt Nam còn thiếu nhiều phương tiện vật chất cần thiết, nhất là thông tin. Khi đưa ra các quyết sách, nhiều khi phải dựa vào đánh giá tình hình của các nước bạn bè. Những điều đó ảnh hưởng rất lớn tới nỗ lực làm chủ tiến trình đàm phán, giữ vững thế chủ động tiến công trong quá trình hội nghị. Chính vì vậy, hoạt động ngoại giao phải nhất quán nguyên tắc độc lập, tự chủ, bởi mỗi quốc gia, kể cả quốc gia đồng minh thân cận cũng đều xử lý vấn đề quốc tế trên cơ sở lợi ích quốc gia của họ.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị - ngoại giao. Sức mạnh của ngoại giao phụ thuộc vào sức mạnh tổng hợp quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(9) nên “muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực”(10). Về quan hệ biện chứng giữa ngoại giao và quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội: Thắng lợi quân sự ảnh hưởng quyết định đối với ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “đánh thắng lợi thì ngoại giao thắng nhiều. Không cứ gì ở ta mà ở nước nào cũng vậy. Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng nhưng cái chính là mình phải đánh thắng”(11). Ngược lại, thắng lợi ngoại giao tác động đến chiến trường. Qua mấy năm kháng chiến, Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chắc chắn cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này(12).
Thứ năm, coi trọng nghiên cứu chiến lược. Nghiên cứu chiến lược là nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện, sâu xa về lịch sử và dự báo triển vọng. Do nhiều nguyên nhân, nên việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ với những điều khoản được nhiều ý kiến đánh giá là không hoàn toàn thỏa đáng về phía Việt Nam, chưa ngang tầm với thắng lợi của Việt Nam trên chiến trường. Rút kinh nghiệm thương lượng tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, trong đàm phán với Mỹ tại Thủ đô Pa-ri (Pháp) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặc biệt coi trọng nghiên cứu chiến lược và đã xây dựng được cơ quan nghiên cứu chiến lược hiệu quả phục vụ “đánh” và “đàm”.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 70 năm qua kể từ khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, có thể thấy rõ, con đường đi đến độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam không phải là con đường thẳng tắp, mà phải trải qua những chặng đường, khúc quanh lịch sử. Tình hình thế giới, khu vực cũng như vị thế của Việt Nam hiện nay đã nhiều đổi thay. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt hơn 30 năm, tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng gia tăng, tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước ngày càng cao; hòa bình, hợp tác và phát triển đã trở thành xu thế và khát vọng to lớn của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, những tác động phức tạp của tình hình thế giới luôn biến động, xoay vần, vẫn đặt ra những thách thức không nhỏ đến an ninh và phát triển của đất nước Việt Nam nói chung và mặt trận đối ngoại nói riêng. Trong bối cảnh mới hiện nay, để hoàn thành tốt trọng trách của mình, ngoại giao Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm quý báu của Hội nghị Giơ-ne-vơ mà lịch sử đã khắc ghi./.
---------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 340
(2) Hoàng Minh Thảo: “Chiến thắng Điện Biên Phủ với Hội nghị Giơ-ne-vơ”, trong Vũ Dương Huân (Chủ biên) Hiệp định Giơ-ne-vơ: 50 năm nhìn lại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 42
(3) Trong cuộc họp báo ngày 7-4-1954, Tổng thống Mỹ D. Ai-xen-hao đã đề ra “học thuyết Đô-mi-nô”, trong đó quan niệm rằng việc Pháp để cho vùng Đông Dương của Pháp “thất thủ” trước chủ nghĩa cộng sản sẽ tạo nên “hiệu ứng đô-mi-nô” (phản ứng dây chuyền trên toàn khu vực Đông Nam Á).
(4) Trần Quang Cơ: “Ý đồ chiến lược và lợi ích của năm nước lớn tại Hội nghị Giơ-ne-vơ”, trong Vũ Dương Huân (Chủ biên): Hiệp định Giơ-ne-vơ: 50 năm nhìn lại, Sđd, tr. 46 - 48
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 315
(6) Vũ Quang Hiển: “Hiệp định Giơ-ne-vơ - 50 năm nhìn lại”, Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 7-2004, tr. 16
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 341
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 162
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 147
(10) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 27
(11) Bộ Ngoại giao: Bác Hồ và hoạt động ngoại giao. Một vài kỷ niệm về Bác, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 72
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 423 - 424