Bộ trưởng nhận lỗi ''chưa làm cho xã hội hiểu được ngành giáo dục''
 
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu như trên trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành sáng 15/8.

11h15'

Kết luận phiên trao đổi buổi sáng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, thiếu sót của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa truyền thông tốt về những đổi mới của ngành.

"Lỗi của chúng ta chưa làm cho xã hội hiểu được chúng ta", ông Sơn nói.

Bộ trưởng nhận lỗi chưa làm cho xã hội hiểu được ngành giáo dục - 1

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về vấn đề bạo lực học đường (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Ông Sơn cũng cho rằng đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng trong tiến trình đổi mới. 

Với 6.500 ý kiến, chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng nhưng đủ thấy mức độ quan tâm của đội ngũ nhà giáo và dư luận xã hội. Bộ trưởng cho biết, không có quốc gia nào cải cách giáo dục trong điều kiện dịch bệnh như vậy. Do đó, chúng ta phải dốc sức, dốc lòng, không được phép dừng lại.

"Thời gian qua, có việc ngành đã làm được, có việc chưa nhưng có những điều không thể làm. Ở các diễn đàn lớn nhỏ, nếu có cơ hội chúng tôi đều tranh thủ đưa các ý kiến có lợi nhất cho nhà giáo nhưng ở cuộc này tôi muốn bày tỏ chúng ta phải thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đây là nhân tố mới quan trọng và rất quan trọng với chúng ta, một bước tiến và là cơ hội của ngành thế nhưng sự tiếp nhận cái mới của xã hội không hề dễ dàng", Bộ trưởng nói.

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, trước đây chương trình của chúng ta lệ thuộc vào sách giáo khoa, học sinh học gì thi nấy, nên bị bó buộc khuôn cứng bởi sách giáo khoa. Sự thay đổi lớn lần này đó là chương trình thống nhất toàn quốc còn sách giáo khoa chỉ là học liệu.

Giáo viên được chủ động lựa chọn sách giáo khoa, việc dạy không chỉ lệ thuộc vào sách. Thế nhưng qua kiểm tra, thời gian qua nhiều địa phương còn lệ thuộc vào sách giáo khoa, chưa đổi mới.

Do vậy, trước hết giáo viên phải tự đổi mới bản thân, thay đổi cách thức sử dụng sách giáo khoa. Đây là sự thay đổi quan trọng, căn bản. "Nếu sau 3- 4 năm, giáo viên vẫn như xưa thì sao đổi mới được?", Bộ trưởng nêu vấn đề.

"Không phải mọi thắc mắc hôm nay đã giải quyết xong, không phải những vướng mắc chính sách ngày mai sẽ được sửa cả, nhưng tôi tin ngay lúc này ta đã nhìn được vấn đề để điều chỉnh.

Chắc chắn sắp tới, Bộ sẽ rà soát hệ thống chính sách. Hiện có hơn 200 chính sách liên quan đến các bộ ngành nên sẽ rất khó triển khai và không tự quyết được mà phải bàn bạc với bộ khác. Mặc dù vậy, Bộ vẫn sẽ phải làm nhiều việc để hệ thống giáo dục công - tư đều phát triển, sao cho người dân được tiếp cận bình đẳng", Bộ trưởng nói.

11h

Sẽ sửa lại chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở nội dung môn tích hợp

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận điểm vướng nhất khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là dạy các môn tích hợp. Ông Sơn cho hay sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia, xem xét điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp bậc THCS. Riêng bậc tiểu học vẫn kiên trì các môn tích hợp này.

Ông Sơn cho biết sẵn sàng điều chỉnh chương trình để phù hợp với thực hiện, song sẽ không gây ra xáo trộn, ảnh hưởng tới những giáo viên đã tham gia tập huấn đào tạo để dạy tích hợp.

10h37'

Giáo viên chủ nhiệm là khâu then chốt trong xử lý bạo lực học đường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng quan điểm với ý kiến của các giáo viên về tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Ông Sơn cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng xuất phát từ các vấn đề gia đình như tình trạng hôn nhân của cha mẹ, bạo lực gia đình…

Về giải pháp, ông Nguyễn Kim Sơn nêu hai phương thức đồng thời.

Một là, cung cấp cho học sinh các kỹ năng cần thiết để tự xử lý các vấn đề phải đối mặt trong cuộc sống, trong đó có kỹ năng khi tham gia vào mạng xã hội.

Hai là, tăng cường tư vấn tâm lý học đường, trong đó cần tập huấn, bồi dưỡng tâm lý học cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trường học trên toàn quốc như đề xuất của ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ các trường ngoài công lập tại Hà Nội.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực học đường.

Ông Sơn khẳng định kỹ năng xử lý vấn đề của giáo viên chủ nhiệm là khâu then chốt, mang tính quyết định khi một vụ việc bạo lực học đường xảy ra. Do đó, kỹ năng này cần được tập huấn cho các giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp.

10h25'

Trả lời câu hỏi của giáo viên về phương án dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết chủ trương sẽ thay đổi nội dung câu hỏi, nội dung thi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên sẽ không quá mới lạ, không gây ra bất ngờ, "sốc" với học sinh lẫn phụ huynh.

Phương án thi hướng đến sự phù hợp với lứa học sinh chưa trải nghiệm toàn bộ chương trình Giáo dục phổ thông mới, mà chỉ bắt đầu ở bậc THPT.

Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 vào quý IV năm nay.

10h10'

Bộ trưởng nhận lỗi chưa làm cho xã hội hiểu được ngành giáo dục - 2

Điểm cầu Hà Nội trong cuộc đối thoại Bộ trưởng GD&ĐT với 1 triệu nhà giáo (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Cô Nguyễn Thị Diệu Hoa - giáo viên trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, Nghệ An - cho rằng, việc bồi dưỡng theo khung chương trình giúp giáo viên dạy được các môn. Tuy nhiên để giúp giáo viên tự tin, dạy được hiệu quả hơn, cô Hoa xin kiến nghị Bộ có giải pháp.

Thứ hai là, học sinh lớp 11 học chương trình giáo dục phổ thông mới chưa rõ phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sẽ như thế nào. Đề nghị Bộ có văn bản hướng dẫn, định hướng sớm để chúng tôi biết kỳ thi 2025 ra sao.

"Như quan điểm của Bộ trưởng, đội ngũ của nhà giáo rất quan trọng trong khi ngành ta vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên, chuyển đổi lương, phụ cấp để giáo viên yên tâm công tác, thu hút người giỏi làm giáo viên. Vậy nên cô giáo này băn khoăn sắp tới ngành giáo dục có giải pháp gì cho vấn đề này?", cô Hoa nêu.

Cô giáo Bùi Thị Thanh Huệ - Hiệu trưởng THCS Trung An, Vũ Thư, Thái Bình - nói về định mức giáo viên/lớp với trường học 2 buổi/ngày hiện chưa hợp lý. Khi thực hiện chương trình phổ thông mới, các khối lớp thêm môn học, nhà trường thêm một số cuộc thi nhưng định mức giáo viên như hiện nay chưa phù hợp, dẫn đến thiếu người.

9h55'

Sẽ rà lại danh mục các cuộc thi, lọc bớt những cuộc thi ít ý nghĩa

Với đề xuất của giáo viên tại TP.HCM và Lạng Sơn về việc cần xem lại các cuộc thi đang quá nhiều và không phù hợp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ rà soát lại danh mục các cuộc thi, chỉ giữ lại những cuộc thi có nhiều ý nghĩa, lọc bớt các cuộc thi ít ý nghĩa, ít hiệu quả.

Với cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, Bộ trưởng cho rằng không có gì phải bàn, chỉ nên đổi mới sao cho thực chất và phù hợp với lứa tuổi học sinh tham gia. Đồng thời, cải thiện thành tích của học sinh Việt Nam khi tham gia sân chơi quốc tế ở nội dung này.

9h20'

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết đã thống nhất với Bộ Nội vụ dự kiến tăng ưu đãi phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 10% và tăng 5% cho giáo viên tiểu học.

Bộ trưởng nhận lỗi chưa làm cho xã hội hiểu được ngành giáo dục - 3

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết dự kiến tăng ưu đãi phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 10% và tăng 5% cho giáo viên tiểu học (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Mức tăng này đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính. Bộ trưởng hy vọng việc tăng phụ cấp sẽ giúp bù đắp cho các giáo viên.

Bộ trưởng khẳng định rất thấu hiểu với giáo viên mầm non khi phải lao động nặng nhọc nhưng chế độ chính sách và thu nhập chưa tương xứng.

"Nhà nước có rất nhiều chính sách ưu tiên ngoài lương cho giáo viên mầm non chứ không phải không quan tâm, như phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu khi chuyển công tác, phụ cấp thâm niên…

Tuy nhiên tất cả những chính sách đó cộng lại thì mức lương giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập, đặc biệt thấp so với công sức mà các cô giáo bỏ ra.

Số giờ lao động của giáo viên mầm non đang quá nhiều, không có thời gian chăm sóc gia đình. Một số tỉnh và địa phương có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để bù đắp thù lao cho số giờ làm việc ngoài giờ của giáo viên mầm non nhưng thiếu chính sách ổn định, bền vững cho vấn đề này", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định.

Liên quan tới tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa đối tượng giáo viên mầm non vào đối tượng nặng nhọc để giữ nguyên tuổi hưu của nữ là 55.

Bộ trưởng khẳng định sẽ kiên trì kiến nghị việc này, đồng thời kiến nghị giữ nguyên các chính sách để đảm bảo thu nhập, tránh sự thiệt thòi cho giáo viên mầm non cao tuổi.

9h5'

Cô Lê Thị Tuyết Hường - giáo viên trường Mầm non Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, thời gian làm việc của giáo viên mầm non đang ở mức 10-11h/ngày, thay vì 8 tiếng như quy định, nhiều người không có thời gian lo cho gia đình.

Thế nhưng, theo cô Hường, mức lương của đội ngũ này chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa đáp ứng tối thiểu nhu cầu cuộc sống.

Bộ trưởng nhận lỗi chưa làm cho xã hội hiểu được ngành giáo dục - 4

Giáo viên nêu lên thực tế khó khăn trong công tác (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Một số tỉnh, quãng đường từ trung tâm đến điểm trường gần 50km, giao thông khó khăn, ảnh hưởng tới tính mạng nhưng chưa có chế độ hỗ trợ đi lại cho đối tượng này.

Tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non đang theo quy định là chưa phù hợp, thiếu nhà công vụ, nguồn nước sạch, giáo viên ăn ngủ tại điểm trường cả tháng mới về với gia đình, rất vất vả.

Đặc biệt, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường còn thiếu giáo viên âm nhạc, tin học, hệ thống cơ sở giáo dục chưa phù hợp với GDPT 2018.

Cô giáo Dương Thị Thanh Hồng - giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh - chia sẻ vấn đề, lương giáo viên hiện chưa theo chuẩn trình độ đào tạo, gây thiệt thòi cho nhiều người, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non nên giữ ở mức 55 tuổi. Ngoài ra, đội ngũ hành chính trường học có mức lương rất thấp nhưng không có nguồn thu gì thêm.

Cô giáo này đề xuất xếp lương cấp mầm non tương quan với các bậc học khác và có thêm phụ cấp cho đội ngũ hành chính trường học.

Ông Nguyễn Bá Dũng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, tỉnh Đắk Nông -  Thực hiện chương trình phổ thông 2018 có định mức 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học 2 buổi/ngày là thấp, dẫn đến thiếu người làm việc.

Ông Dũng đề nghị điều chỉnh định mức giáo viên/lớp phù hợp hơn, chẳng hạn ở mức 1,7 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học 2 buổi/ngày. Ông cũng đề xuất có chế độ tiền lương cho đội ngũ làm công tác hành chính trong nhà trường.

8h40'

Trong số 6.500 ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục trên cả nước, có hơn 500 ý kiến gửi về đề nghị Bộ trưởng "cứu" trường học vùng cao.

Một thầy giáo ở Điện Biên cho hay, cơ sở vật chất của các trường học vùng cao đang rất sơ sài, không có thư viện, phòng tin học, chỗ ăn ngủ bán trú của học sinh hẹp, học sinh thiếu đồ dùng đồ chơi, bếp ăn lẫn nhà vệ sinh đều tạm bợ… Đến phòng hội đồng cho các thầy cô trong ban giám hiệu cũng không có. Nhà công vụ dành cho các giáo viên cắm bản xuống cấp nghiêm trọng.

Thầy giáo cho biết, nhiều điểm trường thiếu thốn đến mức không có nước. Phụ huynh phải nộp nước hằng ngày để các cô chăm trẻ.

Bên cạnh vấn đề trường học vùng cao, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho biết rất nhiều ý kiến gửi về phản ánh về chế độ tiền lương, phụ cấp của giáo viên mầm non.

Bộ trưởng nhận lỗi chưa làm cho xã hội hiểu được ngành giáo dục - 5

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Theo quy định ngày làm việc 8 tiếng, nhưng giáo viên mầm non thực chất phải làm việc hơn 10 tiếng một ngày. Buổi sáng phải đến sớm, buổi trưa ở lại trường trông trẻ, buổi chiều ở lại muộn chờ phụ huynh đón con. Tuy nhiên, chế độ tiền lương cho giáo viên mầm non thấp hơn nhiều các ngành nghề khác.

Giáo viên mầm non nói riêng và giáo viên nói chung có mức thu nhập thấp hơn mặt bằng xã hội so với thời gian làm việc và tính chất vất vả của công việc. Đó là lý do nhiều giáo viên bỏ nghề. Những giáo viên còn bám trụ với nghề phải làm thêm những công việc khác, dẫn tới không có thời gian đầu tư nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, có nhiều giáo viên chỉ xem nghề là "cái phao" để làm kinh tế bên ngoài, lên lớp dạy cho hết tiết. Những bộ tiêu chuẩn đánh giá nghề nghiệp, xếp loại thi đua còn chung chung và không phân loại được những giáo viên như trên để đào thải họ ra ngoài ngành.

8h30'

Phát biểu khai mạc sáng nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là cuộc hội ngộ của hơn 1 triệu thành viên trong "ngôi nhà" giáo dục. Ông rất hồi hộp vì chưa làm việc này bao giờ.

Bộ trưởng nhận lỗi chưa làm cho xã hội hiểu được ngành giáo dục - 6

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

"Có người khuyên tôi không nên tổ chức cuộc này vì làm sao có thể trả lời hết? Nhỡ không trả lời hết thì mọi người chuyển từ sự hồ hởi, trông chờ sang thất vọng thì sao, nhỡ lỡ mồm thì sao? Mọi điều đều có thể xảy ra nhưng mong muốn làm thì cứ phải làm, không đắn đo nhiều quá", Bộ trưởng nói.

Nhưng tư lệnh ngành khẳng định, đã có hơn 6.500 câu hỏi chuyển đến từ nhiều kênh khác nhau.

"Đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi để gần gũi và thấu hiểu nhau hơn chứ không phải đối thoại của người sử dụng lao động và người lao động", Bộ trưởng chia sẻ.

Người đứng đầu ngành giáo dục thừa nhận, trong thời gian có hạn, việc trao đổi chỉ được một phần nhỏ trong số đó nhưng sau hôm nay, ông sẽ có cách trả lời cho từng chủ đề , lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Bộ trưởng nhận lỗi chưa làm cho xã hội hiểu được ngành giáo dục - 7

Toàn cảnh cuộc đối thoại, gặp gỡ trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành (Ảnh chụp màn hình).

Sự kiện diễn ra dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Điểm cầu đặt tại Bộ GD&ĐT và 63 tỉnh, thành phố.

Không chỉ vậy, chương trình sẽ được kết nối trực tiếp tới cả địa bàn huyện, cơ sở giáo dục (tùy điều kiện cụ thể của địa phương).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí ngày 14/8, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, giáo viên nhiều nhà trường đang rất mong đợi cuộc gặp gỡ này.

Do quá nhiều câu hỏi, Bộ GD&ĐT đã nhóm thành từng nhóm vấn đề liên quan đến khối đại học và phổ thông để trả lời.

Bộ trưởng nhận lỗi chưa làm cho xã hội hiểu được ngành giáo dục - 8

Giáo viên rất mong đợi cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh: Thế Đại).

Trước sự kiện, Công đoàn Giáo dục Việt Nam làm đầu mối nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đội ngũ giáo viên, giảng viên. Đến nay, đơn vị đã tập hợp hơn 6.200 ý kiến.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tổng hợp lại các ý kiến tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn.

Nhóm 1 liên quan đến triển khai chương trình GDPT 2018, như dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…

Nhóm 2 liên quan đến chế độ chính sách nhà giáo, như tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…

Nhóm 3 liên quan đến điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên, như trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…

Các tin bài mới hơn