Cuộc đấu trí của các nhà chiến lược Việt Nam và Đồng minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
 

PGS, TS VŨ QUANG VINH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TCCS - Nói đến việc xác định thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không thể không nói đến cuộc đấu trí hết sức căng thẳng giữa một bên là lực lượng cách mạng Việt Nam và một bên là lực lượng Đồng minh gồm Anh, Pháp, Mỹ, Tưởng trong cuộc “chạy đua” tranh thủ thời cơ và xác lập quyền lực tại Việt Nam.

Học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử tại lán Nà Nưa thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) - từ đây, các chỉ thị, nghị quyết về phương châm, đường lối, sách lược của Đảng nhằm đẩy mạnh cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền truyền đi khắp cả nước _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Những mâu thuẫn trong nội bộ Đồng minh

Có thể nói, trong cuộc “chạy đua” này, lực lượng Đồng minh đã gặp khá nhiều mâu thuẫn, lúng túng, bị động và không ít bất ngờ. Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra ngày 7-12-1941, các nước Đồng minh đều lên tiếng chống Nhật, nhưng tại sao Nhật lại vào Đông Dương một cách khá “dễ dàng”, mà không vấp phải một sự chống trả nào của Anh, Pháp, Mỹ, Tưởng. Bởi nội bộ của họ chứa đầy mâu thuẫn: Mâu thuẫn giữa Anh và Mỹ, giữa Pháp và Mỹ, giữa Pháp và Tưởng. Nước Anh muốn nhanh chóng vào Viễn Đông để giành lại những thuộc địa, mà sau cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Nhật đã chiếm giữ; cho nên, trước sau Anh luôn luôn ủng hộ Pháp mau chóng đưa lực lượng sang Viễn Đông chống Nhật và giúp Pháp trở lại Đông Dương. Còn Pháp thì sau thất bại ở châu Âu vào tháng 6-1940 buộc phải chấp nhận cho Nhật vào Đông Dương, nhưng trước sau vẫn có âm mưu trở lại thống trị Đông Dương.

Nhìn thấy lực lượng của Anh, Pháp ở Viễn Đông đã suy yếu trong chiến tranh, Mỹ âm mưu gạt dần ảnh hưởng của Anh, Pháp ở khu vực này, nhất là muốn loại bỏ Pháp ra khỏi Đông Dương. Nhưng Mỹ bị kẹt vào cuộc chiến tranh Thái Bình Dương chống Nhật, chưa có cơ hội can thiệp trực tiếp, nên phải dùng con bài Tưởng Giới Thạch để kìm chân Pháp. Còn Tưởng Giới Thạch, tuy đã tuyên chiến với Nhật ngày 9-12-1941, nhưng vì bị hao người, tốn của trong cuộc chiến chống Nhật ở trong nước, nên chưa thể nói đến việc chống Nhật trên chiến trường Đông Dương. Hơn nữa, Tưởng muốn tập trung lực lượng cho cuộc chiến chống Đảng Cộng sản Trung Quốc, không muốn phân tán lực lượng đi nơi khác.

Như vậy, bề ngoài họ cũng hô hào chống Nhật, nhưng nội bộ lục đục, vừa lợi dụng nhau lại vừa kiềm chế lẫn nhau, nên quân Nhật mới tiến vào Đông Dương một cách thuận lợi. Tuy nhiên, ngay từ khi quân Nhật tiến vào Lạng Sơn, nhân dân ta đã dũng cảm đứng lên chống Nhật, điển hình là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9-1940). Vấn đề các lực lượng Đồng minh tiến vào Đông Dương là điều không sớm thì muộn nhất định sẽ xảy ra. Việc lợi dụng mâu thuẫn và làm cho các lực lượng ấy lục đục, kiềm chế và cản chân nhau trong việc vào Đông Dương là điều mà Đảng ta đặc biệt quan tâm, nhằm làm chậm bước tiến của chúng, để tạo thời cơ cho ta chuẩn bị đầy đủ lực lượng tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Nghị quyết Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 15-8-1945 đã nhận định rõ:

“a) Sự mâu thuẫn giữa hai phe Đồng minh Anh, Pháp và Mỹ, Tàu về vấn đề Đông Dương là một điều ta cần lợi dụng.

b) Sự mâu thuẫn giữa Anh, Mỹ, Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh, Mỹ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông Dương”(1).

Lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ các lực lượng Đồng minh nhằm tranh thủ và tận dụng thời cơ giành thắng lợi quyết định trong Cách mạng Tháng Tám là một chiến sách rõ ràng của Đảng ta trong thời điểm bước ngoặt này. Do đó, chiến sách của chúng ta là “phải tránh cái trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh (Tàu, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt chính phủ của Pháp Đờ Gôn hay một chính phủ bù nhìn khác trái với ý nguyện dân tộc”(2). Bởi vậy, đường lối của Đảng ta, như Nghị quyết đã chỉ rõ là: “… cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tàu định chiếm nước ta”(3). Điều quyết định trong cuộc chạy đua để tranh thủ thời cơ này là: “… chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi giữa ta và Đồng minh”(4). Đó chính là thực chất của toàn bộ vấn đề thời cơ được đặt ra lúc này.

Từ năm 1942 trở đi, trong các cuộc đàm phán về khu vực hành quân, mâu thuẫn và đấu tranh giữa các lực lượng Đồng minh xung quanh vấn đề đưa quân vào Đông Dương ngày càng gay gắt. Đối với Pháp, vốn có nhiều quyền lợi thiết thân nhất, đòi hỏi cấp bách phải vào Việt Nam, thì đã bị Mỹ nhiều lần ngăn cản và gây khó dễ. Ngay từ tháng 9-1943, Pháp đã quyết định tổ chức một đạo quân gồm hai sư đoàn Viễn Đông. Nhưng mãi đến tháng 11-1944, Tổng thống Mỹ F. Roosevelt mới lệnh cho các nhân viên quân sự và dân sự Mỹ không được thảo luận và đồng ý về bất cứ điều gì với Pháp liên quan tới Đông Dương; đồng thời, từ chối giúp Pháp trang bị vũ khí và phương tiện chuyển quân sang Viễn Đông, lấy cớ là Mỹ phải tập trung cho việc phục vụ chiến trường châu Âu. Tháng 1-1945, Tổng thống F. Roosevelt lại có công hàm chính thức từ chối yêu cầu khẩn thiết cung cấp tàu chở quân Pháp sang Viễn Đông. Mãi đến tháng 5-1945, sau cuộc “đảo chính” của Nhật ở Đông Dương hai tháng, Pháp mới bắt đầu chuẩn bị đưa hai sư đoàn sang Đông Dương, nhưng quân đoàn này đặt dưới quyền chỉ huy của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trong cuộc “đảo chính”, quân Pháp tháo chạy sang biên giới Việt - Trung, cùng với phái bộ 5 của Pháp ở Côn Minh đều bị quân Tưởng cầm chân ở Hoa Nam. Đến ngày 21-7-1945, Mỹ lại cự tuyệt một lần nữa việc cung cấp tàu chở quân sang Đông Dương. Điều thảm hại đối với Pháp là chỉ hai ngày sau, ngày 23-7-1945, tại Hội nghị Posđam, Mỹ và Anh (chẳng cần Pháp), đã thỏa thuận lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới hành quân và tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật ở Việt Nam. Ở Nam vĩ tuyến 16 thuộc quyền kiểm soát của quân đội Anh và phía Bắc là quân đội Mỹ, nhưng Mỹ lại để cho quân Tưởng thay mình làm việc này.

Một số học giả Mỹ cố biện minh cho chính sách trên là “thiện chí” của Mỹ “ngăn cản” Pháp trở lại Đông Dương. Nhưng, Mỹ làm như vậy là muốn gạt bỏ Pháp ra khỏi Đông Dương để mình thay chân Pháp bằng cách “chơi con bài” Tưởng Giới Thạch. Đồng thời, chính sách này cũng phản ánh mâu thuẫn nội bộ giữa các nước Đồng minh trong vấn đề Đông Dương.

Giải pháp vĩ tuyến 16 về Việt Nam thực chất là sự thỏa hiệp và nhượng bộ giữa Anh, Pháp, Mỹ, Tưởng trong việc trở lại và tiêu diệt phong trào cách mạng Việt Nam. Mỹ chấp nhận để Anh đưa quân vào phía Nam vĩ tuyến 16, tức là mặc nhiên chấp nhận cho Pháp trở lại ít nhất là miền Nam Việt Nam, vì Mỹ hiểu được lập trường trước sau như một của Anh ủng hộ việc Pháp trở lại Đông Dương. Cho nên, khi Mỹ tìm cách ngăn cản không muốn cho Pháp vào Việt Nam suốt từ năm 1941 đến năm 1945, thì điều đó Mỹ không có gì là “thiện chí” đối với Việt Nam, mà chính là xuất phát từ duy nhất lợi ích của họ.

Như vậy, sau cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, cuộc chạy đua giữa các lực lượng cách mạng nước ta và các lực lượng Đồng minh cùng thực dân Pháp nhằm tranh thủ thời cơ giành và xác lập quyền lực tại Đông Dương và Việt Nam ngày càng quyết liệt hơn. Đặc biệt là, trước và sau thời điểm Hội nghị Posdam có sự phân chia dứt khoát khu vực hành quân và tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật ở Việt Nam, thì cuộc chạy đua giữa hai lực lượng càng đi vào giai đoạn nước rút.

Nhưng, tại sao trước tình hình các lực lượng Đồng minh có cả một âm mưu, kế hoạch và được chuẩn bị kỹ càng lâu dài để xâm nhập và trở lại Việt Nam, tại sao nhìn bề ngoài có vẻ như họ đã chiếm thế thượng phong, mà cuối cùng vẫn phải đứng nhìn cả dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945?

Việc lục đục, mâu thuẫn, lợi dụng, kiềm chế nhau của các lực lượng Đồng minh xuất phát từ lợi ích đế quốc chủ nghĩa chính là nguyên nhân đầu tiên, quan trọng nhất khiến họ lúng túng, bị động và bất ngờ trong việc chọn thời điểm đưa quân vào Đông Dương và Việt Nam để tranh giành quyền lực. Điều đáng nói là việc nhận định chủ quan và đánh giá sai lệch về các đối thủ mà họ phải tranh đua và giành giật quyền lực tại Việt Nam.

Trước hết, hãy nói đến sự chủ quan và sai lệch của họ trong việc nhận định và đánh giá về phát-xít Nhật? Về thời điểm kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương và sự đầu hàng của Nhật Bản, cả Anh và Mỹ đều xác định rằng phải đến năm 1947 mới có thể đánh bại được phát-xít Nhật; tháng 2-1945, tại Hội nghị Yanta, cả hai bên đều vẫn nhắc lại nhận định sai lệch trên. Căn cứ mà họ đưa ra nhận định ấy chính là xuất phát từ sự đánh giá quá cao lực lượng so sánh của Nhật, rằng Nhật vẫn còn một đội quân hùng mạnh khoảng 7 triệu người, riêng ở chiến trường Đông Dương có khoảng 100.000 người, thì việc đánh bại quân Nhật phải mất vài ba năm.

Về sự chủ quan trong việc đánh giá lực lượng của Liên Xô, Anh, Mỹ cho rằng, tuy ở Hội nghị Yanta (tháng 2-1945), Liên Xô đã thỏa thuận tham chiến chống Nhật ba tháng sau khi Đức bị đánh bại ở châu Âu, nhưng họ lại không bao giờ lường được Liên Xô lại có thể nhanh chóng chuẩn bị và điều động được một lực lượng hùng hậu sang mặt trận phía Đông trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, họ cho rằng, dù có tuyên chiến với Nhật, nhưng Liên Xô không thể tiêu diệt nhanh gọn đội quân Quan Đông hầu như còn nguyên vẹn như vậy. Bởi do đánh giá cao lực lượng của Nhật và đánh giá thấp lực lượng của Liên Xô, mà trong cuộc chạy đua vào Đông Dương, các Đồng minh đã bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Đến mùa hè năm 1945, chính sách của Mỹ đối với Đông Dương vẫn còn trong tình trạng mơ hồ. Họ cho rằng, phong trào cách mạng Việt Nam là một phong trào quốc gia, “không có khả năng làm việc gì lớn”, Pháp và Tưởng có thể giải quyết được.

Dự báo sắc bén của các nhà chiến lược Việt Nam

Tháng 10-1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ : “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”(5). Ngày 8-8-1945, khi Liên Xô mở mặt trận phía Đông, chính thức tham chiến chống Nhật, thì đến ngày 10-8-1945, Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc và ngày 15-8-1945 thì có Nghị quyết Hội nghị. Nghị quyết chỉ rõ: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi… Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Còn nhiều quyết định cực kỳ khoa học và chính xác nữa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã đưa ra trong thời cơ lịch sử quan trọng này. Đó là những quyết định ở tầm chiến lược và sách lược, ở tầm phương pháp cách mạng và nghệ thuật chỉ đạo, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Những ngày tháng tám năm 1945 sôi sục ở Thủ đô Hà Nội_Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong khi các nước Đồng minh có nhiều cơ hội và được chuẩn bị khá chu đáo để giành giật và xác định quyền lực tại Việt Nam, thì thời cơ cách mạng chỉ đến với Đảng ta và nhân dân ta trong vòng trên dưới 15 ngày - kể từ khi Liên Xô chính thức tham chiến chống Nhật - để tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, vì ngay ngày 19-8-1945, cuộc khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23-8-1945 ở Huế và ngày 25-8-1945 ở Sài Gòn. Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu ra đời ngày 28-8-1945. Trong khi đó thì mãi đến ngày 24-8-1945, Mỹ mới thừa nhận chính thức quyền của Pháp trở lại Đông Dương,  tức là sau khi Cách mạng Tháng Tám đã thành công về cơ bản trong cả nước. Còn Anh thì phải đến ngày 12-9-1945, những đơn vị đầu tiên của quân Anh - Ấn mới vào tới Sài Gòn, trong khi ta đã tuyên bố độc lập từ ngày 2-9-1945. Thảm hại hơn là Pháp, ngày 18-8-1945, tướng P. Leclerc mới lên đường sang Viễn Đông, cao ủy G. d'Argenlieu thì đến ngày 5-9-1945 mới rời Pari lên đường đi Ấn Độ để từ đó sang Đông Dương. Còn quân Tưởng thì đến ngày 27-8-1945, gần hai tuần sau khi Nhật đầu hàng, mới bắt đầu vượt biên giới Việt - Trung và mãi đến ngày 9-9-1945 mới vào tới Hà Nội, trong khi mọi việc chúng ta đã giải quyết xong vào ngày 2-9-1945.

Như vậy là vấn đề “ai thắng” trong cuộc đấu trí để tranh thủ thời cơ chạy đua giành và xác lập quyền lực tại Đông Dương và Việt Nam đã quá rõ ràng. Một âm mưu, một kế hoạch được Mỹ, Anh, Pháp, Tưởng vạch ra và chuẩn bị trong thời gian bốn - năm năm, nhưng đến thời điểm then chốt thì lại phạm sai lầm trong đánh giá đối phương, trong quyết định hành động và trong lựa chọn thời cơ, thì đó là một sai lầm có tính chất lịch sử.

Những đối sách do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng xử lý đã minh chứng cho tư duy sáng tạo và cho tài năng kiệt xuất trong nghệ thuật chỉ đạo cách mạng. Đó là một Đảng đã từng được thử thách trong đấu tranh, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, biết lãnh đạo phong trào thực tiễn bằng cách vận dụng uyển chuyển tính nguyên tắc và tính linh hoạt trong chiến lược và sách lược, bằng cách kết hợp khéo léo tính cứng rắn và tính mềm dẻo trong phương pháp. Sự tỉnh táo và tài thao lược của Đảng được phát huy đúng lúc và đúng chỗ cần thiết, nhất là trước những bước ngoặt của lịch sử đã làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945./.

(1), (2), (3), (4)  Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t. 7, tr. 427
(5) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđđ, t. 7, tr. 353

Các tin bài mới hơn