Trường Đại học Tân Trào - 10 năm một chặng đường phát triển
 
Trường Đại học Tân Trào được thành lập tháng 8 năm 2013 trên cơ sở nâng cấp từ trường Cao đẳng Tuyên Quang. Mười năm đào tạo trình độ đại học là một chặng đường chưa phải dài tuy nhiên với sự cố gắng không ngừng của Ban lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên, đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Tân Trào đã từng bước khắc phục khó khăn ban đầu, vươn lên và gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, khẳng định được vai trò và vị trí trong xã hội, góp phần cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, khu vực miền núi phía Bắc và trong cả nước.

1. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên 

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập Trường, Nhà trường đã tập trung vào nhiệm vụ nâng cao trình độ của giảng viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy đại học. Được sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh bằng Nghị Quyết 34/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về cơ chế chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao cho Trường Đại học Tân Trào, Nhà trường đã động viên, khuyến khích từng cán bộ, giảng viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thu hút người có trình độ cao về trường công tác. Nhà trường cũng đề ra nhiều chính sách hỗ trợ giảng viên trong thời gian đi học như: miễn, giảm giờ dạy cho giảng viên, hỗ trợ tài liệu, liên hệ với cơ sở đào tạo, giới thiệu các nguồn hỗ trợ học tập ở nước ngoài cho giảng viên của Trường... Việc học tập nâng cao trình độ cũng là yêu cầu bắt buộc, là tiêu chí đánh giá, xếp loại của cán bộ, giảng viên hàng năm. Hiện tại, đội ngũ giảng viên của Nhà trường đảm bảo tốt điều kiện giảng dạy trên 20 ngành đào tạo đại học của Trường.

Học tập nâng cao trình độ đã trở thành phong trào của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tân Trào trong 10 năm qua

2. Hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp đáp ứng tốt các hoạt động của Nhà trường

Hệ thống cơ sở vật chất của trường được quan tâm đầu tư, nâng cấp tại 3 cơ sở với hệ thống giảng đường khang trang, rộng rãi; máy tính phục vụ học tập, kết nối internet; Trung tâm Thể dục thể thao có nhà thi đấu đa năng, sân cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền, phòng tập gym, bể bơi; Trung tâm Thực hành thực nghiệm và Chuyển giao khoa học công nghệ rộng 10ha; Thư viện nhà trường với hàng chục ngàn bản sách giáo trình, tài liệu tham khảo và máy tính kết nối với trung tâm Học liệu của các trường Đại học trong và ngoài nước.

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Trường Đại học Tân Trào được phê duyệt đầu tư thêm các hạng mục công trình: Nhà thực hành khoa Y dược; Nhà điều hành, thực hành khoa Văn hóa du lịch và thư viện; Nhà giảng đường, dự kiến các công trình sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2025. 

Cơ sở vật chất Trường Đại học Tân Trào đáp ứng tốt mọi hoạt động của Nhà trường

3. Mở rộng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo

Cùng với việc xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, quy mô tuyển sinh của trường ngày được mở rộng. Nhà trường đã được Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép mở mới trên 20 ngành trình độ đại học, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao với số lượng sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi năm sau cao hơn năm trước; sinh viên đạt được thành tích cao tham gia các kỳ thi chuyên môn, học thuật,... qua đó đã góp phần đưa Trường Đại học Tân Trào trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học.

Trong giai đoạn đầu, Nhà trường tập trung mở những ngành là thế mạnh truyền thống của Trường như lĩnh vực sư phạm, nông nghiệp, khoa học cơ bản. Sau đó, Nhà trường mở các ngành cung ứng nhân lực cho phát triển kinh tế mũi nhọn của tỉnh, những ngành nhu cầu lao động cao trong giai đoạn phát triển mới như lĩnh vực văn hóa, du lịch, công nghệ thông tin, y dược, sư phạm khoa học tự nhiên…. Các ngành đào tạo của Trường được xã hội tích cực đón nhận, thu hút người học từ gần 30 tỉnh thành trong cả nước. 

Nhiều năm liền, sinh viên Trường Đại học Tân Trào tham gia và đạt thành tích cao tại kỳ thi Olympic Toán học, Olympic Vật lý toàn quốc

Năm 2019, Trường Đại học Tân Trào được công nhận là cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thuộc nhóm 50% trường đại học sớm đạt chuẩn chất lượng của cả nước. Năm 2021, Nhà trường kiểm định thành công 3 chương trình đào tạo trình độ đại học gồm ngành Kế toán, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non. 

Kết quả, trong giai đoạn 2013 – 2022, Trường Đại học Tân Trào đã đào tạo hơn 13.000 sinh viên chính quy và vừa làm vừa học; liên kết đào tạo trình độ đại học cho gần 2.000 lượt sinh viên; bồi dưỡng và cấp hơn 30.000 các loại chứng chỉ: Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, Ngoại ngữ, Chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, Nghiệp vụ Quản lý giáo dục, Tư vấn tâm lý học đường, Dược…Tỷ lệ sinh viên hệ chính quy của Nhà trường có việc làm sau một năm tốt nghiệp tăng dần theo các năm (năm 2018 tỷ lệ là 68,8 %, đến năm 2022 đạt tỷ lệ 92.45%).

 Sinh viên Trường Đại học Tân Trào rạng rỡ trong ngày lễ tốt nghiệp

4. Phát triển Hoạt động khoa học công nghệ cả về số lượng và chất lượng

Từ năm 2014 đến nay cán bộ, giảng viên trong Nhà trường đã thực hiện 36 đề tài cấp Nhà nước/Bộ/Tỉnh; 221 đề tài cấp cơ sở; 89 đề tài của sinh viên. Biên soạn, xuất bản và lưu hành nội bộ 189 sách, giáo trình, tài liệu tham khảo, trong đó có 03 giáo trình xuất bản ở nước ngoài; công bố 1660 công trình khoa học trên các tạp chí, hội thảo trong nước và quốc tế, trong đó có 194 bài báo thuộc danh mục uy tín quốc tế ISI/SCOPUS; đã phối hợp nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất được 10 giống cây lâm nghiệp, 4 giống mía, 7 giống hoa, 3 giống dược liệu và 1 giống cây ăn quả; sản xuất hơn 10 triệu cây giống cung cấp cho các đối tác trên cả nước. Nhiều cán bộ, giảng viên được tặng bằng ''Lao động sáng tạo'' và vinh danh Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang.

Trung tâm TNTH&CG KHCN đã hoàn thiện 3 quy trình kỹ thuật và cho ra mắt các dòng sản phẩm Đông trùng hạ thảo được cấy trên giá thể nhộng tằm và gạo lứt. 

 Sinh viên Khoa Y Dược thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Tân Trào được xây dựng và nâng cấp theo chuẩn quốc tế, cơ sở dữ liệu của Tạp chí được quản lý khoa học, các bài báo đều được cấp chỉ số DOI (Digital Object Identifier), được chia sẻ rộng rãi trong nước và quốc tế, Tạp chí khoa học của Trường được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đưa vào danh mục tính điểm khi xét phong phó giáo sư, giáo sư của 11 chuyên ngành.

5. Công tác hợp tác quốc tế được mở rộng và đi vào chiều sâu

Công tác hợp tác quốc tế được Trường Đại học Tân Trào chú trọng, đẩy mạnh tạo môi trường học tập và làm việc năng động, hội nhập cho giảng viên và sinh viên. Từ 2013-2023, Trường đã ký kết hơn 30 biên bản ghi nhớ hợp tác với các trường đại học của Thái Lan,  Philipines, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia....  Triển khai các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên, hợp tác nghiên cứu khoa học. Nhà trường đã mời 08 chuyên gia, giảng viên người nước ngoài đến giảng dạy tiếng Anh và tổ chức các chương trình tập huấn phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học; phối hợp với các trường đối tác tổ chức 05 hội thảo quốc tế và liên kết thực hiện 04 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học; hàng năm đều cử sinh viên đi thực tập, giao lưu văn hóa ở nước ngoài, đồng thời tiếp nhận sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập, giao lưu văn hóa tại Trường, trong đó hoàn thành tốt niệm vụ đào tạo lưu học sinh Lào trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang với 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Phông Xa Lỳ.

Trường Đại học Tân Trào đã phối hợp tổ chức thành công nhiều Hội thảo khoa học quốc tế

Sinh viên Lào đang sinh sống và học tập tại Trường Đại học Tân Trào

Sinh viên Philippines tham gia chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên quốc tế tại Trường Đại học Tân Trào

Có thể thấy, trong 10 năm qua, Trường Đại học Tân Trào đã có những bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đạt được mục tiêu đã đặt  ra về việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang nói riêng và khu vực miền núi phía Bắc và trên cả nước nói chung; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho tỉnh, đặc biệt là việc cung ứng nhiều loại giống cây trồng chất lượng tốt, tạo điều kiện cho ngành lâm ngiệp tỉnh phát triển mạnh. Đến nay có thể khẳng định sự ra đời với lịch sử hơn 60 năm xây dựng, phát triển và thực tế 10 năm đào tạo trình độ Đại học của Trường Đại học Tân Trào đã góp phần mở ra một trang mới về giáo dục đào tạo của tỉnh Tuyên Quang, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh, xứng đáng với niềm tự hào ngôi trường mang tên Tân Trào lịch sử.

Trong giai đoạn tới, với yêu cầu của tự chủ đại học, chuyển đổi số và sự tác động ngày càng mạnh mẽ của hội nhập quốc tế trong giáo dục, các hoạt động của Trường Đại học Tân Trào sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với truyền thống quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử; sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên trong Nhà trường; đặc biệt là sự ủng hộ của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang,  Trường Đại học Tân Trào sẽ vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đa dạng hóa ngành đào tạo, hình thức đào tạo gắn với nhu cầu xã hội; không ngừng đổi mới, sáng tạo, tăng cường ứng dụng các thành tựu của công nghệ 4.0 trong hoạt động đào tạo và quản trị đại học, góp phần hình thành một thế hệ công dân toàn cầu năng động và tự tin hội nhập, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang, các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc và cả nước.

Các tin bài mới hơn