Sự khác biệt giữa giáo dục tiểu học ở Việt Nam và Úc
 
Có một thực tế là học sinh tiểu học ở nước ta hiện nay phải học quá nhiều với một chương trình khá nặng, chưa kể các em còn được gia đình gửi đi học thêm. Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc học không bao giờ là thừa, học nhiều thì biết nhiều, và điều này hoàn toàn đúng, đặc biệt sống trong một xã hội phát triển như ngày nay.

Tuy  nhiên, điều này chưa hoàn toàn chính xác đối với giáo dục tiểu học. Nếu so sánh với chương trình và phương pháp giảng dạy ở bậc tiểu học ở Úc (một trong những nước có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới) chúng ta sẽ phải suy ngẫm nhiều về nền giáo dục của chúng ta nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng.

          Chương trình giáo dục tiểu học ở Úc được xây dựng trước hết để giúp các em phát triển một cách tự nhiên và không gò bó. Chương trình học rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất đa dạng và đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa chiếm một phần đáng kể. Phần lớn chương trình học tập được truyền tải trong thời gian ở trường, bởi vậy học sinh ít khi phải làm bài tập ở nhà. Ngay từ lớp một (stage 1) học sinh đã được hướng dẫn học theo nhóm (group learning) và kỹ năng thuyết trình theo chủ đề trước đám đông (presentation skills). Trong lớp học, giáo viên luôn kết hợp giữa việc học và chơi. Ví dụ: các em có thể vẽ một bức tranh về bất kì một đề tài gì, sau đó giới thiệu cho cả lớp về nội dung bức tranh đó. Ở mỗi kỳ học, học sinh tiểu học được đi dã ngoại (excursion) hai lần. Các em được nhà trường đưa đến những cánh đồng hoặc trang trại, và tận mắt được chứng kiến và giải thích về các quy trình sản xuất và thu hoạch.

          Quan niệm của các bậc phụ huynh về việc học hành của con cái cũng rất đơn giản. Nếu như ở Việt Nam, các ông bố bà mẹ thường rất tự hào về việc con mình mới ít tuổi mà đã biết được nhiều, học được nhiều thì ở Úc họ không quan trọng về việc khả năng tiếp thu kiến thức học thuật của con cái họ ở bậc tiểu học. Điều họ quan tâm hơn cả là con cái họ có được cảm thấy thoải mái trong môi trường học tập hay không. Họ sẽ rất hứng thú nếu như con họ có thể kể cho cả nhà về một đề tài nào đó mà đã được thực hành ở lớp hơn là việc con họ đạt được điểm cao ở một môn học.

          Một mô hình giáo dục tiểu học như vậy liệu có thể áp dụng được ở Việt Nam hay không? Theo tôi chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Chương trình của họ rất đơn giản, giáo viên dạy cũng rất nhàn. Tuy nhiên nếu chúng ta làm như vậy ở bậc tiểu học thì liệu các em có thể theo kịp chương trình cấp hai rồi cấp ba hay không, chưa kể các bậc cha mẹ cố cho con em họ thi vào các lớp chọn, trường chuyên. Nói như vậy có nghĩa là để đổi mới một nền giáo dục thì phải đổi mới một cách toàn diện và triệt để  về cơ sở vật chất, chương trình học, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy từ bậc tiểu học cho tới các bậc học cao hơn, có như vậy mới tạo ra sự đồng bộ và hiệu quả.

TS. Nguyễn Cao Thành