Chia sẻ cảm xúc với đồng nghiệp nhân ngày 14/8
 
Không thể không viết gì khi đến ngày này, ngày thành lập Trường Đại học Tân Trào của chúng ta. Với sự xúc động và yêu quý đại học, xin gửi tới các bạn một vài suy nghĩ và chia sẻ với góc nhìn của riêng tôi.

                                                                                                                                        Ngày 14 tháng 8 năm 2021

Thưa các bạn đồng nghiệp,

Ngày 14 tháng 8 năm 2013, khoảng 22h, tôi cùng đồng chí trưởng phòng Kế hoạch Tài vụ đang trên đường xuống để tham gia với đoàn công tác của Trường Cao đẳng Tuyên Quang tại Quảng Ninh, khi cách Quảng Ninh khoảng 40km, nhận được cuộc điện thoại từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã ký Quyết định thành lập Trường Đại học Tân Trào, với niềm vui khôn tả, sau khi gặp đoàn công tác, trao đổi nhiệm vụ với 3 đồng chí phó Hiệu trưởng, tôi đã trở lại Hà Nội lúc 2h sáng ngày 15 tháng 8 năm 2013 để 7h sáng theo lời hẹn, nhận Quyết định trước tại Văn phòng Chính phủ để kịp về báo cáo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Trên đường về, đã gọi điện thoại để làm biển tên trường ngày nay tại Cổng số 1.

Đến nay đã tròn 8 năm, một thời gian không dài, nhưng quá gian nan, vất vả khi tất cả chúng ta lúc đó đều chưa quen với việc đã là cán bộ, giảng viên của một trường đại học, xã hội và các cơ quan chức năng chưa quen với việc Tuyên Quang đã có một trường đại học. Trước đó, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân thời điểm là Phó Thủ tướng Chính phủ đã cảnh báo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành trong cuộc làm việc (tại phòng họp 405, Nhà A) với Trường Cao đẳng Tuyên Quang: “Tỉnh Tuyên Quang mong muốn có trường đại học, thì cũng cần phải làm quen và chấp nhận sự khác biệt của đại học”. Sau này mới thấy, sự cảnh báo của Phó Thủ tướng là xác đáng vì đại học với đặc thù luôn có sự biến động để thích ứng và thay đổi hàng ngày, trong khi hệ thống hành chính không thể thích ứng theo đã tạo nên sự xung đột trong hoạt động điều hành đại học và cơ chế quản lý. Mặc dù tôi đã bày tỏ nhiều lần với các bạn cũng như ở nhiều nơi, rằng “Thành lập đại học đã khó, giữ cho đại học ổn định và phát triển còn khó hơn rất nhiều. Hãy cho ĐHTT một thời gian, giai đoạn 2013-2020 để làm quen và ổn định, 2020-2025 là giai đoạn chuẩn bị cho sự phát triển và phải từ 2025-2030 mới là giai đoạn phát triển”, và đề nghị mọi người hãy bình tĩnh với đại học. Tuy nhiên, xã hội lại đòi hỏi ở đại học cao hơn thế nhiều, dù họ rất hiểu, rằng: “giáo dục phải là một quá trình và giáo dục càng không phải là một cuộc đua”. Nhưng vẫn kỳ vọng, đại học phải là khác biệt.

Với áp lực ấy, có những lúc tôi có thể làm mất lòng đồng nghiệp, có những việc lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành không hài lòng, nhưng với sự động viên và ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo cao nhất trong tỉnh và các bộ ngành trung ương, như có lần đồng chí Bí thư tỉnh ủy đã nói trong cuộc làm việc với đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (ngày 15/7/2020) tại Đại học Tân Trào cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, lãnh đạo các đơn vị, đoàn thể của ĐHTT: “Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ từ chối bất cứ một đề nghị nào của Trường ĐHTT, của đồng chí Hiệu trưởng”, đã làm tôi (và các bạn) ấm lòng và thêm sự quyết tâm. Áp lực đã trở thành động lực, với sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo, cùng sự đồng hành của các bạn, với niềm tin vào sự phát triển trong tương lai của ĐHTT và vì ĐHTT, tôi, các bạn đã từng ngày vượt qua.

Nhìn nhận lại. Từ khi thành lập, đội ngũ giảng viên của chúng ta chỉ có 3 tiến sĩ, đến nay, sau 8 năm chúng ta có 53 tiến sĩ, chưa nhiều, nhưng đã như một sự kiện. Sản phẩm khoa học, chỉ vài chục đề tài NCKH cấp trường ngày đó, thì nay, hàng năm chúng ta có hàng trăm đề tài NCKH từ cấp Nhà nước, cấp Bộ, đến cấp cơ sở, hàng trăm bài báo công bố quốc tế với hàng chục bài trong các tạp chí xếp hạng trong danh mục ISI, Scopus, một điều mơ ước của khá nhiều trường đại học. Tạp chí khoa học ĐHTT có mã số quốc tế, chỉ số DOI, xếp thứ 71 trong 86 tạp chí có điểm về chỉ số ảnh hưởng IF và chỉ số trích dẫn H-index, trong tổng số hơn 600 tạp chí khoa học của các bộ, ngành, viện nghiên cứu và trường đại học trong cả nước theo xếp loại của VN Citation Index và nằm trong hệ thống Google Scholar. Các cơ sở thực hành như Trung tâm Thực nghiệm-Thực hành và Chuyển giao Công nghệ đã trở thành một trung tâm mạnh của khu vực về nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu công nghệ cao, trường Phổ thông Tuyên Quang, Phòng khám  Đa khoa đã hình thành và đang dần đi vào hoạt động ổn định. Từ lúc chưa có sự Hợp tác quốc tế nào, thì nay đã hợp tác hiệu quả với gần 30 cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới về đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành thực tập của sinh viên,... . Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của ĐHTT đã đóng góp to lớn vào sự phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận. Cho dù chưa thật sự được thừa nhận về vai trò và chất lượng, nhưng không thể phủ nhận, ít nhất trên 95% cán bộ viên chức của tỉnh Tuyên Quang đã và đang được đào tạo, bồi dưỡng từ ĐHTT với trên 30 ngành đại học, sau đại học và chứng chỉ các loại. Diện tích đất của trường trước thành lập chỉ vỏn vẹn 4,6ha thì nay đã là một số ít trong số những trường đại học của cả nước có diện tích lớn, ~ 60ha.

Đặc biệt, tháng 11 năm 2019, Trường ĐHTT đã được công nhận đạt chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Một dấu mốc, đủ để khẳng định với xã hội, rằng “Trường ĐHTT đã đủ điều kiện về quản lý, quản trị, đủ điều kiện về đội ngũ, về chương trình đào tạo và cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế có chất lượng. Phục vụ tốt cộng đồng và đảm bảo về tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt yêu cầu quy chuẩn, phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Vị thế của Trường Đại học Tân Trào đang dần được nâng cao tại địa phương cũng như trong hệ thống các trường đại học của cả nước. ĐHTT là một trong 37 trường đại học là Ủy viên Ban Thường vụ của Hiệp hội các trường đại học của Việt Nam.

Đôi nét điểm qua ấy để thêm tự hào vì chúng ta đã vượt qua quá nhiều khó khăn để có.

Trường Đại học Tân Trào sẽ trường tồn và dần vững mạnh theo năm tháng.

Chúng ta chỉ là những thực thể có hữu hạn thời gian may mắn được đồng hành cùng đại học.

Không một thực thể nào vẹn toàn, không một cá nhân nào toàn mỹ trong suốt cuộc đời.

Chúng ta hãy trân trọng những gì đã qua, cống hiến sức mình và dành những điều tốt đẹp nhất đang có hôm nay và hướng đến ngày mai cho Đại học Tân Trào.

Tất cả vì một Đại học Tân Trào yêu quý của chúng ta.

Thân mến!

PGS.TS. Nguyễn Bá Đức