Đưa giáo dục mầm non về đúng vị trí
 
Đổi mới giáo dục lẽ ra phải bắt đầu từ gốc, từ bậc học mầm non, thì ngành GD-ĐT lại đang làm ngược lại: đổi mới giáo dục đại học, giáo dục phổ thông rồi mới quay lại bàn đổi mới giáo dục mầm non và “chợt nhận ra” bậc học này đang chiếm nhiều cái “nhất” vô cùng đáng lo ngại.

Giáo dục mầm non đang sở hữu nhiều “cái nhất” rất đáng buồn: Thiếu giáo viên (GV) nhất, GV bỏ việc nhiều nhất, lương thấp nhất, số phòng học tạm lớn nhất. Tỷ lệ GV mầm non đạt chuẩn theo luật Giáo dục 2019 cũng là một trong những cấp học thấp nhất, bình quân toàn quốc chỉ đạt 77,6%.

Tại một hội thảo mới đây về học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới do Bộ GD-ĐT tổ chức, TS Ija Rinkinnen, chuyên gia cao cấp biệt phái từ Bộ Giáo dục Phần Lan, chia sẻ ở nước bà, yêu cầu về những điều kiện để đảm bảo chất lượng mầm non rất cao và được quan tâm hàng đầu. Theo quy định, một GV mầm non Phần Lan chỉ phụ trách tối đa 7 trẻ từ 3 tuổi trở lên, với trẻ dưới 3 tuổi thì một GV phụ trách không quá 4 trẻ. Ngay cả với các nhóm lớp trông giữ trẻ tư nhân thì yêu cầu cũng rất khắt khe, người giữ trẻ, bảo mẫu phải trải qua chương trình đào tạo với thời gian 3 năm. Quản lý một nhóm trẻ đòi hỏi ít nhất phải có trình độ thạc sĩ về giáo dục mầm non…

Tương tự ở nhiều nước khác, tiêu chuẩn về GV mầm non và tiểu học được đặt ra khá cao và hết sức nghiêm ngặt. Có nước, để trở thành GV mầm non, trước đó phải có bằng cử nhân. Nhiều nước, phải qua nhiều kỳ thi, có chứng chỉ mới được dạy bậc học này và phải gia hạn chứng chỉ trong thời gian quy định…

Và tất nhiên đi cùng những đòi hỏi khắt khe là thu nhập và chế độ phúc lợi tương xứng cho GV mầm non.

Soi chiếu mới thấy, các nước quy định GV theo số trẻ và chi tiết đến độ tuổi của trẻ thì ở VN, định mức GV theo lớp còn chưa đạt. Định mức với mầm non hiện là 2,2 GV/lớp (mà lớp ấy có thể lên tới 40 - 50 trẻ) nhưng tất cả các vùng miền trên cả nước đều chỉ đạt trung bình hơn 1,7 GV/lớp. Trình độ GV, hệ thống trường công lập thiếu trầm trọng, người dân ngay ở thủ đô phải bốc thăm may rủi kiếm suất học cho con vào trường, nhu cầu gửi trẻ phải dựa nhiều vào tư thục và rất nhiều nhóm trông giữ trẻ gia đình. Thế nhưng những người trông trẻ ở những nhóm trẻ gia đình không có bất cứ ràng buộc gì về trình độ đào tạo, chăm sóc trẻ mầm non, phần lớn chỉ là thỏa thuận dân sự giữa người có nhu cầu gửi con và người nhận trông giữ trẻ. Và thực tế là đã xảy ra những vụ việc, sự cố đau lòng liên quan đến những nhóm trẻ tư nhân, tự phát.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu: “Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ mầm non, gia tăng chất lượng giáo dục mầm non vừa là vấn đề thuộc về khoa học, vừa thuộc về nhận thức, tình cảm lương tri: dành những gì tốt nhất cho trẻ em”.

Hy vọng, dù bắt đầu hay cuối cùng thì việc “dành những gì tốt nhất cho trẻ em” mà bộ trưởng nói, tới đây sẽ không chỉ dừng ở mong muốn. Ít nhất trẻ không phải bốc thăm vào trường mầm non và khi nói đến những cái “nhất” của mầm non sẽ là những điều vui chứ không phải là những gì đáng buồn như hiện nay.

thanhnien.vn