GIẢNG VIÊN KHOA NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP- TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO TIẾP TỤC HỌC TẬP QUAN ĐIỂM “HỌC” GẮN VỚI “HÀNH” CỦA BÁC
 
Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên các thầy, cô giáo Khoa Nông Lâm Ngư nghiệp- Trường Đại học Tân Trào được đón các em sinh viên chuyên ngành đến nhập học. Tôi hình dung các em hồ hởi, phấn khởi khi cầm tờ giấy báo trúng tuyển đến trường, đó là điều tự hào của các em và gia đình. Có bao em hình dung được cũng vào thời khắc này cuộc đời các em rẽ sang một hướng đi mới, thời điểm mà các em quyết định nghề nghiệp của cả cuộc đời, quyết định cuộc sống và tương lai cho các em.

Sau 4 năm học đại học và ra trường, các em cảm ơn thầy, cô khi các em thành công và cũng có thể các em thầm trách các thầy, cô khi các em thất bại.

Dạy thế nào, học thế nào là một trăn trở trong Tôi, nhất là trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều sinh viên chưa xác định được mục tiêu học tập, thậm chí chỉ biết hưởng thụ, ngại học, ngại hành.

 Để vững tin vào quá trình tổ chức dạy và học trong Khoa, đặc biệt là khoa Nông - Lâm- Ngư nghiệp, khoa đào tạo khoá đầu tiên các ngành kỹ thuật của trường Đại học Tân Trào, Tôi lại lần nữa tìm đến Bác, tìm đến quan điểm của Bác, tìm đến lời dạy của Bác về dạy và học.

Việc hình thành và phát triển nhân cách theo Hồ Chí Minh cần kết hợp giữa giáo dục và thực tiễn, được đặt trong mối quan hệ “học và hành”, “hành” chính là mục đích của “học”. Ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (hiện nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Người ghi: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc, nhân loại”.

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập ngày 06/5/1950, Người đã luận giải mục đích việc học cũng như mối quan hệ biện chứng giữa “học” “hành”: “Học để làm gì? ... học để hành, học với hành phải đi đôi, học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc kết hợp các hình thức giáo dục,  không tuyệt đối hóa một hình thức giáo dục nào,  Người khẳng định: "Giáo dục dù trong nhà trường có tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn".

Theo Người, một người được xem là có tri thức khi bản thân họ biết áp dụng có hiệu quả những tri thức của mình vào thực tế. Người nêu lên công thức: Tri thức hoàn toàn = Tri thức sách vở + Áp dụng thực tế. “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức, song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác, nói tóm lại: công việc thực tế Y không biết gì cả thế là Y chỉ có trí thức một nửa; trí thức của Y là học sách chưa phải trí thức hoàn toàn và muốn thành người trí thức hoàn toàn thì Y phải đem tri thức đó áp dụng vào thực tế”.

Nguyên lý giáo dục gắn với thực tiễn còn được Người khẳng định khi nói về phương châm giáo dục nhà trường. Người nhấn mạnh: Việc tổ chức học tập cần kết hợp với lao động, lý thuyết gắn với thực hành.

Khi đến thăm trường Chu Văn An vào ngày 31/12/1958, Người đã nêu lên luận đề về nhà trường xã hội chủ nghĩa như sau: “Trường học của ta là trường học xã hội chủ nghĩa... Nhà trường xã hội là nhà trường:

 Học đi với lao động; Lý luận đi với thực hành; Cần cù đi với tiết kiệm.

Nguyên lý giáo dục gắn với thực tiễn được Người đúc kết qua quá trình hoạt động cách mạng, từ tuổi thiếu niên Người đã thấm nhuần tư tưởng giáo dục gắn với lao động của các sĩ phu yêu nước thế kỉ XIX, theo Nguyễn Tư Giản thì: “Nhà trường không phải dạy cho người ta hư văn mà phải cung cấp cái học hữu dụng, phải vừa học vừa biết làm ruộng. Đó là cách kết hợp tri và hành”.

  Ôn lại lời dạy của Người về “học và hành”, Tôi chỉ muốn chia sẻ những tâm tư và mong muốn của bản thân: “Chúng ta, cả Thầy và Trò khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Trường Đại học Tân Trào phải có tư duy, có những hành động thiết thực và cụ thể để xứng đáng với lời dạy của Người.

TS. Nguyễn Văn Cương Trưởng khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp