Lương giáo viên thay đổi ra sao?
 
Bộ GD&ĐT đã đề xuất với Chính phủ điều chỉnh phụ cấp ưu đãi với mức tăng từ 5 – 10% cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tiểu học.
Cô Bùi Thị Vân và học trò. Ảnh: TG
Cô Bùi Thị Vân và học trò. Ảnh: TG
 

Điều này sẽ tạo thêm động lực để nhà giáo gắn bó với nghề.

Quan tâm tới nhà giáo

Chia sẻ về vấn đề này, cô Lê Thị Phương Châu - Trường Tiểu học An Cựu (TP Huế, Thừa Thiên Huế) bày tỏ vui mừng khi tới đây, Chính phủ thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018. Bộ GD&ĐT cũng lắng nghe và thấu hiểu nỗi vất vả của nhà giáo nên đề xuất tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên tiểu học và mầm non. Đây là động thái cần thiết trong bối cảnh lương nhà giáo còn thấp so với mặt bằng chung.

Dạy ở cấp học nhỏ nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân, cô Bùi Thị Vân – Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) cho rằng, động thái trên của Bộ GD&ĐT đã làm nức lòng đông đảo cán bộ, giáo viên mầm non. Công việc của các cô là dạy dỗ, chăm sóc trẻ và thường kéo dài từ sáng sớm tới chiều muộn. Lứa tuổi mầm non, nhiều trẻ chưa tự phục vụ được nên các cô phải kiêm nhiều vai để quản lý, trông coi, dạy dỗ trẻ với nhiều hình thức khác nhau.

“Dù vậy, áp lực của nghề ngày một tăng khi mạng xã hội phát triển, phụ huynh kỳ vọng trong khi thu nhập lại thấp. Thời gian vừa qua, số lượng giáo viên trong đó có cô giáo mầm non nghỉ việc tăng lên đáng kể. Điều này gây khó khăn cho các trường khi bố trí giáo viên đứng lớp và các vị trí khác như y tế học đường, nhân viên nuôi dưỡng, kế toán. Do đó, khi Chính phủ chuẩn bị ra quyết sách mới liên quan đến lương nhà giáo đều được mong chờ theo hướng tăng thêm để động viên thầy cô”, cô Vân trải lòng.

Năm học này, Trường Tiểu học Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 23 cán bộ quản lý, giáo viên. Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Dung cho hay, trường nằm ở địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn nên mong muốn nhận thêm sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để thầy cô yên tâm công tác và gắn bó với nghề. Những gian truân của nghề giáo nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, xa luôn hiện hữu. Giáo viên phải thực sự yêu nghề, mến trẻ mới vượt qua được áp lực để bám trường, lớp và tiếp tục hành trình “gieo chữ” tới học trò.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng. Ảnh: TG

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng. Ảnh: TG

Thay đổi tiền lương theo vị trí việc làm

Dước góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên Học viện Quản lý giáo dục đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT đề xuất với Chính phủ điều chỉnh phụ cấp ưu đãi với mức tăng từ 5 – 10% dành cho cán bộ, giáo viên làm công tác chăm sóc, giáo dục cấp mầm non và tiểu học. Đây là động thái cho thấy, Bộ luôn quan tâm đến đời sống của giáo viên, nhất là về thu nhập. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, việc điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên sẽ động viên tinh thần rất lớn đội ngũ nhà giáo.

Từ 1/7, Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương và áp dụng chính sách tiền lương mới. Cơ cấu tiền lương mới của giáo viên gồm: Lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp – tương đương 30% tổng quỹ lương và tiền thưởng (nếu có). Lương xếp theo vị trí việc làm, phân định rõ năng lực, trách nhiệm giáo viên. PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cho rằng, nếu đề xuất của Bộ GD&ĐT về tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học thành hiện thực sẽ tạo hiệu ứng tích cực tới đội ngũ nhà giáo.

Nữ chuyên gia khẳng định, chỉ khi được đảm bảo điều kiện tối thiểu về đời sống vật chất, thu nhập mới động viên người lao động gắn bó với nghề. Theo tháp nhu cầu Maslow, con người có 5 nhóm nhu cầu cơ bản gồm: Sinh lý, an toàn, xã hội, được tôn trọng và tự khẳng định mình. Tăng lương chính là đảm bảo nhu cầu vật chất, tinh thần của con người. Hơn nữa, Nhà nước đã xếp lương theo từng vị trí việc làm và đặc thù của mỗi ngành nghề cho thấy những vất vả nghề giáo đã được nhìn nhận.

“Thầy cô tuy quần là áo lượt, ăn mặc sạch sẽ để lên lớp mỗi ngày nhưng ít ai thấy được cảnh hằng đêm họ phải thức khuya soạn bài giảng để thu hút cho học trò, tạo sự hấp dẫn trong mỗi giờ dạy. Do đó, tùy vào tính chất công việc cũng như mức độ phức tạp của mỗi ngành nghề để xếp lương cho phù hợp”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng phân tích.

Điều 72 Luật Giáo dục 2019 nêu rõ, chuẩn giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng; chuẩn giáo viên tiểu học phải là đại học. Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 quy định, trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Nhà giáo xác định theo dạy trình độ nào thì có sự đầu tư về thời gian, chất xám tương ứng. Vì thế, khi đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non và tiểu học, giảng viên đại học cũng mong chờ được quan tâm như vậy.

giaoducthoidai.vn