Nghiên cứu khoa học là đòn bẩy để giáo dục đại học Việt Nam tăng hạng
 
Để nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới cần có một chiến lược đầu tư dài hạn và bền vững cho NCKH.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các trường đại học trên toàn cầu, việc cải thiện thứ hạng trong các bảng xếp hạng uy tín là mục tiêu quan trọng. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong thời kỳ hội nhập, khi thứ hạng không chỉ phản ánh chất lượng đào tạo, nghiên cứu mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, thu hút giảng viên và sinh viên tài năng.

Có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 5 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á; Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á là một trong những vấn đề quan trọng được nêu trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bảng xếp hạng đóng vai trò như một công cụ so sánh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc nâng cao thứ hạng trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế là một nhiệm vụ không hề đơn giản.

“Hiện nay, có rất nhiều bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới nhưng mỗi bảng lại có mục đích, tiêu chí và tiêu chuẩn riêng biệt. Điều này dẫn đến tình trạng một trường đại học có thể được ghi nhận trong bảng xếp hạng này nhưng lại không xuất hiện ở bảng khác, và cũng chưa có bảng xếp hạng nào được công nhận là "chuẩn mực" hay phản ánh hoàn toàn chính xác chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học. Do đó, thứ hạng chỉ mang tính chất tương đối, đóng vai trò như một công cụ so sánh ở mức độ nhất định.

Ngoài ra, tôi cho rằng một trong những trở ngại lớn nhất mà các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đang phải đối mặt khi tham gia các bảng xếp hạng quốc tế là vấn đề kinh phí. Nhiều trường có mong muốn cải thiện và ghi tên mình vào các bảng xếp hạng quốc tế nhưng lại không đủ nguồn lực để chi trả lệ phí tham gia. Điều này làm hạn chế cơ hội cạnh tranh trên bản đồ giáo dục toàn cầu.

Đồng thời, mỗi bảng xếp hạng lại yêu cầu các tiêu chí, dữ liệu khác nhau, đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng cung cấp thông tin phù hợp. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu của Việt Nam hiện chưa được đồng nhất hoặc không tương thích với nhiều chỉ số và tiêu chuẩn của các bảng xếp hạng quốc tế, dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu”, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay.

ts le dong phuong.png

Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, một số tiêu chí xếp hạng như đánh giá của nhà tuyển dụng, số lượng bài báo khoa học quốc tế hay uy tín học thuật thường thiếu sự minh bạch. Chẳng hạn, khi bảng xếp hạng sử dụng đánh giá từ các nhà tuyển dụng, các trường đại học Việt Nam không biết họ khảo sát từ nguồn nào, vào thời điểm nào và dựa trên cơ sở gì. Điều này khiến các trường khó xây dựng chiến lược cải thiện thứ hạng một cách hiệu quả.

Mặc dù các bảng xếp hạng đại học quốc tế có thể cung cấp một số thông tin hữu ích để các trường tự đánh giá và cải thiện nhưng không phải là đích đến cuối cùng. Đó chỉ là một công cụ đo lường mang tính tham khảo, không phải là yếu tố quyết định chất lượng thực sự của giáo dục đại học.

 

Cùng bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhận định, các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, từng bước hướng tới mục tiêu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

“Một trong những rào cản lớn là nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế và chế độ đãi ngộ giảng viên chưa đủ sức thu hút nhân tài.

Về chất lượng đội ngũ giảng viên, dù đã có những cá nhân xuất sắc nhưng số lượng giảng viên có năng lực nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế vẫn còn khiêm tốn. Cùng với đó, môi trường nghiên cứu chưa thực sự khuyến khích tính sáng tạo và đổi mới, khi nhiều quy định hành chính còn rườm rà, gây cản trở.

Ngoài ra, mức độ quốc tế hóa của các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn hạn chế với số lượng sinh viên và giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy, học tập còn thấp; các chương trình hợp tác quốc tế vẫn chưa phong phú và đa dạng. Đặc biệt, tính độc lập trong quản lý và hoạt động của các trường đại học cũng bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc lớn vào ngân sách Nhà nước, hạn chế khả năng tự chủ và đổi mới.

Những thách thức này đòi hỏi các trường đại học phải có chiến lược cụ thể, đồng bộ và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý để từng bước cải thiện vị thế trên bản đồ giáo dục quốc tế”.

Bên cạnh đó, bà Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, bảng xếp hạng các trường đại học là một công cụ hữu ích để đánh giá chất lượng nhưng cũng cần nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện. Các bảng xếp hạng quốc tế thường dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, mức độ quốc tế hóa và các yếu tố khác. Điều quan trọng hơn cả là phải nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế. Nếu tập trung quá nhiều vào việc nâng cao thứ hạng có thể dẫn đến tình trạng chạy theo thành tích “ảo”, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo thực chất.

Đề tài nghiên cứu khoa học là “đòn bẩy”, cần chiến lược đầu tư dài hạn

Để nâng cao vị thế trên các bảng xếp hạng trường đại học quốc tế, nghiên cứu khoa học không chỉ là một tiêu chí quan trọng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nguồn lực dành cho hoạt động nghiên cứu tại nhiều trường đại học còn hạn chế cả về tài chính, nhân lực lẫn cơ sở vật chất.

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, số lượng nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước còn khá hạn chế, trong khi nguồn kinh phí dành cho hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Điều này tạo nên những rào cản lớn trong việc triển khai các nghiên cứu có chất lượng cao, một yếu tố quan trọng giúp nâng cao thứ hạng và uy tín của các trường đại học trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Trong bối cảnh thiếu hụt kinh phí, nhiều dự án khoa học không thể triển khai hoặc phải dừng giữa chừng, đặc biệt là các lĩnh vực khoa học công nghệ vốn đòi hỏi đầu tư lớn về thiết bị, nhân lực và thời gian càng phải đối mặt với nhiều khó khăn.

 

Thực tế cho thấy, để tạo ra những sản phẩm khoa học có tính đột phá, các trường đại học cần có nguồn tài chính ổn định và sự hỗ trợ lâu dài. Do đó, kỳ vọng lớn nhất hiện nay là sự hỗ trợ từ Nhà nước mạnh mẽ hơn, không chỉ tăng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học mà còn đầu tư vào đào tạo, cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ dành cho giảng viên, nhà khoa học.

Đây chính là nền tảng để cải thiện chất lượng giáo dục, thúc đẩy các công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế và tạo ra những bước đột phá để hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có thể hội nhập và phát triển bền vững trong tương lai.

Ngoài ra, thay vì quá tập trung vào xếp hạng, các cơ sở giáo dục đại học cần chú trọng vào việc cải thiện chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và phát triển toàn diện để đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế một cách bền vững.

anh minh hoa nckh.jpg

Ảnh minh họa: Linh An

Còn theo Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước đóng vai trò như một "đòn bẩy" quan trọng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học. Những đề tài này không chỉ cung cấp nguồn vốn cần thiết mà còn trang bị cơ sở vật chất và tạo động lực cho các nhà khoa học tập trung vào những vấn đề nghiên cứu có ý nghĩa xã hội, mang tính đột phá.

Nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học hiệu quả, theo bà Trịnh Thị Tú Anh, Nhà nước cần có các chính sách và hình thức đầu tư mạnh mẽ.

“Trước hết, cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, bởi đây là nền tảng quan trọng cho mọi sự đổi mới và phát triển. Đặc biệt, cần chú trọng đến các lĩnh vực nghiên cứu mà Việt Nam có thế mạnh, các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, gắn liền với nhu cầu thực tiễn và các ngành kinh tế trọng điểm.

Việc ưu tiên các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao thứ hạng của các trường đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế. Khi các trường tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn, họ có cơ hội công bố các nghiên cứu chất lượng cao trên các tạp chí quốc tế uy tín, qua đó gia tăng chỉ số trích dẫn và cải thiện thứ hạng. Đồng thời, phát triển những lĩnh vực này cũng sẽ thu hút nhân tài trong và ngoài nước, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu.

Tuy nhiên, việc lựa chọn các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm cần phải dựa trên các tiêu chí khoa học và khách quan, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Việc ưu tiên quá mức một lĩnh vực có thể dẫn đến sự thiếu cân đối trong phát triển nghiên cứu khoa học”, nữ đại biểu bày tỏ.

dbqh trinh thi tu anh.png

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: NVCC)

Đồng thời, để nâng cao thứ hạng của các trường đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế, bà Trịnh Thị Tú Anh chỉ rõ ba ưu tiên hàng đầu cần được thực hiện.

 

Một là, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học thông qua việc tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, khuyến khích công bố bài báo quốc tế và chuyển giao công nghệ, xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Hai là, cải thiện chất lượng đào tạo bằng cách đầu tư vào cơ sở vật chất, mời các chuyên gia quốc tế giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế và thường xuyên đánh giá chất lượng đào tạo.

Ba là, xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và tăng cường quan hệ quốc tế thông qua việc quảng bá thành tựu, mở rộng hợp tác với các trường đại học hàng đầu, thu hút sinh viên và tham gia các hoạt động quốc tế.

Đặc biệt, để nâng cao vị thế của các trường đại học Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới, bà Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh rằng, Nhà nước cần triển khai một chiến lược đầu tư dài hạn và bền vững cho nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư, cần có các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo và tạo ra môi trường nghiên cứu năng động, hiệu quả.

giaoduc.net.vn