TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Báo chí cách mạng Việt Nam với tầm nhìn xa và trí tuệ kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng hai bàn tay không cùng vài học trò thân cận, Bác Hồ đã tạo dựng Báo Thanh niên (1925), mở ra kỷ nguyên mới cho báo chí Việt Nam.
Từ khi có báo "Thanh niên", báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nối tiếp và theo hướng Báo Thanh niên gợi mở, từ năm 1925 đến năm 1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, nước ta có ít nhất 250 ấn phẩm phần lớn lưu hành bí mật, phần còn lại tùy tình hình, thời cuộc từng lúc, từng nơi mà xuất bản công khai hợp pháp hoặc nửa hợp pháp. Trong số đó, hai tờ báo có nhiều cống hiến vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là Cờ giải phóng và Cứu quốc (1942-1945).
Tác dụng của mỗi ấn phẩm báo chí cách mạng lưu hành bí mật, nửa công khai hoặc công khai thời kỳ ấy là như thế nào? Không có bất kỳ ai đủ sức đánh giá. Như một hệ thống nước ngầm có mạch lớn có mạch nhỏ, cũng có con suối trồi lên mặt đất một quãng ngắn, mỗi tờ một vẻ, một chức năng, một số phận, rốt cuộc cùng góp phần đào tạo cán bộ, củng cố tổ chức, thức tỉnh người dân, vạch mặt kẻ thù, làm thối ruỗng dần, lung lay tận gốc rễ chế độ thực dân, phong kiến, chờ ngọn sóng Tháng Tám 1945 trào lên lật nhào tất cả.
Báo Thanh Niên số ra ngày 3/10/1925. Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, báo chí luôn đóng góp tích cực trên mặt trận thông tin tuyên truyền, thực hiện vai trò định hướng dư luận xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia giám sát, phản biện, giúp các cơ quan ban ngành xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách. Điều này đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, chính là một sự khẳng định dân chủ hoá đời sống báo chí và cũng là một bước phát triển, đổi mới lý luận báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta cùng suy nghĩ đôi chút về nghề: Nghề báo cũng như nhiều nghề nghiệp khác, là đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho xã hội và được trả công xứng đáng. Nhưng với đặc thù nghề nghiệp, nghề báo dường như được ưu ái hơn để đôi khi được vinh danh là một nghề cao quý.
Với đặc thù nghề báo là phát hiện, thông tin sự kiện, phản biện, đấu tranh, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, nghề báo còn được mệnh danh là “quyền lực thứ tư”. Thực tế cho thấy, báo chí đã góp phần mang lại nhiều đổi thay tích cực, đồng hành cùng xã hội, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Nghề báo, một nghề vinh quang nhưng cũng vô cùng vất vả: Nghề báo là nghề đặc thù, yêu cầu nghề nghiệp và đòi hỏi sự dấn thân của người làm nghề. Bên cạnh đó, áp lực còn đến từ tin, bài do Ban Biên tập phân công, hoặc có những bài viết mang tính thời sự được lãnh đạo chỉ định, gắn với yêu cầu hoàn thành trong thời gian tính bằng giờ. Trước áp lực này, nếu nhà báo, phóng viên xem nhẹ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, phản ánh thông tin không trung thực, thiếu khách quan thì sẽ làm cho bạn đọc hiểu nhầm; hơn thế là đã không làm tròn trách nhiệm của cơ quan báo chí về việc thông tin, giám sát và quản lý xã hội.
Có lẽ chỉ những người trong nghề hoặc đã tham gia với trách nhiệm của nghề mới thấy nỗi vất vả của phóng viên, nhà báo. Trước mỗi chuyến đi, phóng viên, nhà báo đều có những suy tính, dự định nhưng nhiều khi không chủ động được thời gian, hiệu quả công việc. Nhiều khi phóng viên, nhà báo đã hẹn trước cơ quan, đơn vị, cơ sở, nhưng khi đến nơi vì nhiều lý do khác nhau (có người báo bận việc đột xuất, có người viện đủ lý do để không tiếp nhà báo, phóng viên…), không gặp được người cung cấp thông tin, bài viết coi như phải làm lại, hoặc chuyển địa điểm khác. Rồi khi tham gia đoàn công tác, hay dự sự kiện nào đó, lúc mọi người được nghỉ ngơi thì cũng là lúc phóng viên, nhà báo phải bắt tay vào viết, truyền tin, bài, ảnh về tòa soạn để bộ phận biên tập kịp thời chỉnh sửa, để phát sóng hoặc lên trang. Và rồi sau mỗi bài viết ấy, các phóng viên lại phải bắt tay ngay vào việc khai thác tin, bài và lập kế hoạch cho số báo, trang thông tin tiếp theo.
Trong cách đánh giá của xã hội, nghề báo và nhà báo thường được gắn với chữ “sợ” và “ghét”. Bởi một số tác phẩm báo chí ra đời, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất không chính đáng của một số tổ chức, cá nhân nào đó… Vinh quang và vất vả luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề thì những người làm báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp. Phía sau mỗi tác phẩm là cả sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả nước mắt của những người làm báo. Mong rằng, mỗi tác phẩm báo chí ra đời sẽ góp phần nào đó trong việc dựng xây xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng với trọng trách to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó.
Nguồn ảnh: Internet
Nhân kỉ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), kính chúc toàn thể các anh/chị phóng viên, nhà báo lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc anh/chị thật nhiều sức khỏe, giàu nhiệt huyết để gặt hái được nhiều thành công hơn nữa và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng nền báo chí Việt Nam.