Về đích năm 2022
 
Năm 2022 được đánh giá là một năm khó khăn với nhiều địa phương, khi những động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa, điều hành giá cả trong và ngoài nước tác động mạnh mẽ đến tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuyên Quang cũng không nằm ngoài tác động. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Tuyên Quang đã về đích năm 2022 với kết quả ấn tượng.

Ấn tượng năm kiến tạo

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm phục hồi kinh tế - xã hội sau tác động của làn sóng dịch Covid-19, kiến tạo các nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Du lịch là điểm sáng trong nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh sau 2 năm gián đoạn, tạm dừng nhiều hoạt động vì dịch Covid-19. Trong năm 2022, nỗ lực phục hồi và phát triển du lịch được tỉnh và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Nhiều hoạt động lớn về du lịch được tổ chức thành công, như Khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất, Lễ đón nhận bằng ghi danh di sản văn hóa phi vật thể thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên... Qua đó, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với Tuyên Quang.

Năm 2022 cũng là năm Tuyên Quang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm. Như công trình đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường trục phát triển đô thị từ thành  phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn, cầu Xuân Vân… Tiến độ giải ngân vốn đầu tư đến giữa tháng 10 đạt trên 2,1 nghìn tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ việc quyết liệt trong chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. UBND tỉnh ban hành các văn bản giao nhiệm vụ cho các chủ đầu tư về đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư; thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện tiến độ các công trình xây dựng và giải ngân vốn tại các địa phương.

Du lịch là một trong những điểm sáng của năm 2022 khi thu hút hơn 2,28 triệu lượt khách đến với Tuyên Quang. Ảnh: Quang Hòa

Sau một năm quyết liệt triển khai các giải pháp của trung ương, của tỉnh, nhiều chỉ tiêu được dự đoán có mức tăng trưởng ấn tượng, như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,6%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,8%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 7,2%; trồng rừng đạt 114,3% kế hoạch; thu hút trên 2,28 triệu lượt khách du lịch; thu ngân sách nhà nước đạt trên 2.784 tỷ đồng...

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch Đầu tư, năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,63% so với năm 2021. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,93%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,66%, khu vực dịch vụ tăng 7,09% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 8,87%.

Đây là một trong những năm có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất mà Tuyên Quang đã đạt được trong nhiều năm trở lại đây. Có thể nhận thấy, ngoài các chính sách, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đã truyền cảm hứng cho toàn hệ thống, sự điều hành đổi mới, sáng tạo của các cấp chính quyền, thì sự nỗ lực vượt khó của người dân, doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định.

Nhận diện khó khăn

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2022. Mặc dù dự đoán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều cơ bản đạt và vượt kế hoạch, nhưng các ngành, các địa phương trong tỉnh không vì thế mà chủ quan.

Công nhân Công ty TNHH gỗ Acacia, cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) sản xuất gỗ thanh xuất khẩu.

Theo Sở Công thương, thời điểm cuối năm và những tháng đầu năm 2023 được dự báo sẽ khó cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Trong đó, khó khăn hàng đầu là nguồn nhiên liệu khan hiếm đã tác động đến sản xuất; thị trường bị ảnh hưởng do biến động chính trị ở một số quốc gia; dịch Covid-19 có nguy cơ tái bùng phát... Trên thực tế, ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc thắt chặt chi tiêu do lạm phát ở Mỹ và châu Âu đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng may mặc, giày da gặp khó khăn trong sản xuất. Để tháo gỡ khó khăn này, hiện ngành Công thương đang khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu, qua đó giảm áp lực phụ thuộc và có cơ hội cho năm tiếp theo.

Tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu cũng đang khiến việc sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó. Quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hoàng Văn Hùng cho biết, hiện đơn vị đang tập trung kiểm tra, rà soát tại tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các chủ cửa hàng ký cam kết cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Hùng, điều này cần những chính sách điều hành vĩ mô từ phía Bộ Công Thương, đảm bảo từ nguồn cung đến chính sách giá… đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người dân và doanh nghiệp.

Năm 2022 sắp khép lại. Ấn tượng với những kết quả đạt được trong năm cũ, nhưng các ngành, các địa phương cũng đã sẵn sàng tâm thế để bước vào năm mới với những thách thức mới.

baotuyenquang.com.vn