TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình
Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang Vũ Đình Hưng cùng các đại biểu đến từ Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đại biểu tỉnh Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa cùng đông đảo nhân dân xã Yên Nguyên.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Bộ Quốc gia Giáo dục (tên gọi từ năm 1945 đến năm 1960, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) là một trong những Bộ - thành viên Chính phủ - được thành lập ngay từ những ngày đầu ngay sau Cách mạng tháng Tám.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại lễ khánh thành |
Trong kháng chiến toàn quốc, Bộ Quốc gia Giáo dục đã dời đến nhiều địa phương như Hà Đông, Phú Thọ và trong giai đoạn năm 1951 đến 1954, cơ quan Bộ được đặt tại thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, nhân dân địa phương đã giúp đỡ xây dựng gần chục ngôi nhà làm nơi ở và làm việc cho cán bộ.
Thời gian 4 năm làm việc tại thôn Khuôn Trú là khoảng thời gian chứng kiến những bước trưởng thành của ngành giáo dục. Từ đây, Bộ Quốc gia Giáo dục đã có những chỉ đạo quan trọng đối với toàn ngành, cán bộ và nhân viên Bộ Quốc gia Giáo dục. Những kết quả đạt được của ngành đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trò chuyện cùng các em học sinh |
Các em học sinh xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa |
Với giá trị tiêu biểu trên, địa điểm Bộ Quốc gia giáo dục tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 08/2006/QĐ-BVHTT ngày 17/1/2006.
Năm 2011, Bộ GD&ĐT đầu tư xây dựng công trình di tích Bộ Quốc gia Giáo dục với tổng diện tích 3.864 m2, bao gồm bậc tam cấp, văn bia bằng đá, sân cỏ và 2 công trình phụ trợ là lớp mẫu giáo và nhà văn hóa thôn Khuôn Trú.
Sau khi khánh thành, khu di tích đã trở thành một trong những địa chỉ trong hành trình về nguồn của nhiều thế hệ nhà giáo, học sinh. Trường THPT Hòa Phú là đơn vị được giao nhiệm vụ chăm sóc di tích cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa của di tích, thường xuyên phối hợp với nhân dân địa phương vệ sinh, trồng cây, làm đẹp môi trường cảnh quan di tích.
Tuy nhiên sau hơn 10 năm xây dựng, một số hạng mục đã xuống cấp, giá trị của di tích chưa được phát huy. Do đó, với sự chung tay đóng góp của đội ngũ nhà giáo, người lao động cả nước, ngày 24/7/2022, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ khởi công công trình nâng cấp, tôn tạo di tích Bộ Quốc gia Giáo dục.
Công trình do Sở GD&ĐT Tuyên Quang làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục: đổ mới sân bê tông, sân lát gạch, xây phù điêu sau văn bia, xây cổng, hàng rào và trồng cây xanh với tổng mức kinh phí 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Sau hơn 3 tháng thi công công trình đã hoàn thiện.
Việc khánh thành công trình nâng cấp, tôn tạo khu di tích lịch sử Bộ Quốc gia Giáo dục có ý nghĩa nhân văn và giáo dục truyền thống sâu sắc với các thể hệ nhà giáo và học sinh cả nước. Khu di tích là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho học sinh và người lao động trong toàn ngành; là nơi để các thế hệ cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên cả nước hướng về và thực hiện lời dạy của Bác về công tác giáo dục.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm tại khu di tích |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Thứ trưởng Ngô Thị Minh bày tỏ cảm ơn đến UBND tỉnh Tuyên Quang, Sở GD&ĐT đã phối hợp các đơn vị, nhà thầu thi công, xây dựng công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng kỹ thuật; cảm ơn các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động toàn ngành đã quan tâm, đóng góp kinh phí để tôn tạo, nâng cấp công trình khang trang, xứng tầm với giá trị lịch sử và vị thế của ngành giáo dục.
Thứ trưởng cũng đề nghị Sở GD&ĐT Tuyên Quang, Trường THPT Hòa Phú làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình hiệu quả, thiết thực. Đồng thời đề nghị các Sở GD&ĐT, các trường đại học, các cơ sở giáo dục trên cả nước tích cực tuyên truyền, quảng bá để các nhà giáo, học sinh, sinh viên biết và hiểu về di tích, để di tích trở thành điểm kết nối các thế hệ nhà giáo, học sinh hướng về cội nguồn.
Công trình nâng cấp, tôn tạo di tích Bộ Quốc gia Giáo dục được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 784/QĐ-UBND ngày 20/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng. Ngày 24/7/2022, tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình. Sau thời gian 116 ngày thi công, công trình đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.