Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5
 
Một số chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5 này như Quy chế thi Khoa học Kĩ thuật, hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục đào tạo trường đại học.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập.

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5 ảnh 1

Dự án "Hệ thống cảnh báo đa năng sử dụng nguồn năng lượng sạch" của học sinh Trường THPT Chuyên Cao Bằng dự thi Khoa học kĩ thuật năm 2024. Ảnh: Thùy Linh

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5.

Theo Thông tư, nguyên tắc xác định vị trí việc làm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục; bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo gắn với cơ cấu tổ chức, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng của các cơ sở giáo dục;

Đồng thời đảm bảo hiệu quả, thu gọn đầu mối, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức và giảm chi phí ngân sách nhà nước khi xác định vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Xem chi tiết thông tư tại đây.

Ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giáo dục

Ngày 18/3, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 3/2024/TT-BGDĐT ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giáo dục.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/5; quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục, gồm danh mục chỉ tiêu và nội dung chỉ tiêu thống kê.

Thông tư số 19/2017/TT-BGDĐT ngày 28/7/2017 ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục là tập hợp những chỉ tiêu thống kê để thu thập thông tin thống kê phục vụ công tác đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển của ngành giáo dục; đáp ứng nhu cầu trao đổi, chia sẻ thông tin thống kê giáo dục theo quy định của Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn Luật Thống kê; là căn cứ để xây dựng chế độ báo cáo thống kê ngành giáo dục.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục bao gồm: Danh mục chỉ tiêu thống kê ngành Giáo dục và nội dung chỉ tiêu thống kê ngành Giáo dục.

Xem chi tiết Thông tư tại đây.

Quy chế thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia cho học sinh trung học

Ngày 10/4, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT (Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT).

Quy chế này ban hành kèm Thông tư số 06 /2024/TT-BGDĐT ngày 10/4; có hiệu lực thi hành kể từ 27/5 và thay thế Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 2/11/2012 ban hành Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia học sinh THCS, THPT và Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT ngày 19/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia học sinh THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là tăng số lượng dự án dự thi. Cụ thể, sở GD&ĐT được đăng ký tối đa 3 dự án dự thi (quy định cũ là 2). Riêng Sở GD&ĐT Hà Nội, TPHCM, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 6 dự án dự thi (quy định cũ là 4).

Đối với các đơn vị dự thi là trường trực thuộc Bộ GD&ĐT, đại học, trường đại học, viện, học viện, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 2 dự án dự thi; đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi được đăng ký tối đa 6 dự án dự thi. Riêng đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi là Sở GD&ĐT Hà Nội hoặc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 12 dự án dự thi.

Quy chế mới cũng bổ sung quy định người hướng dẫn nghiên cứu. Cụ thể, quy định mỗi dự án dự thi có ít nhất 1 người hướng dẫn nghiên cứu là giáo viên, nhân viên có chuyên môn phù hợp với dự án dự thi đang làm việc tại cơ sở giáo dục nơi thí sinh đang học. Mỗi người hướng dẫn nghiên cứu chỉ được hướng dẫn 1 dự án dự thi (quy định cũ tối đa là 2) trong 1 lần tổ chức cuộc thi.

Quy định về số giải cũng tăng so với trước đây. Theo đó, tổng số giải của cuộc thi không vượt quá 60% (quy định cũ là 50%) tổng số dự án dự thi. Trong đó, số giải nhất không vượt quá 10% (quy định cũ là 5%) tổng số giải; số giải nhì, giải ba, giải tư, mỗi loại giải không vượt quá 30% tổng số giải. Quy định cũ giải nhì không quá 10%, giải ba không quá 15% và giải tư không quá 20%.

Xem chi tiết Quy chế tại đây.

tienphong.vn
Các tin bài mới hơn