Công tác xã hội - Ngành học hấp dẫn
 
Ngành Công tác xã hội trong vài năm trở lại đây đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các thí sinh khi đăng ký nguyện vọng vào các trường cao đẳng, đại học; bởi cơ hội việc làm tốt và mức thu nhập ổn định. Để hiểu rõ hơn về ngành học này, các bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây.

1. Tìm hiểu về ngành Công tác xã hội

Ngành Công tác xã hội (tiếng Anh là Social Work): là ngành học học thuật và hoạt động chuyên môn nhằm trợ giúp các cá nhân, nhóm, cộng đồng phục hồi hay tăng cường chức năng xã hội góp phần đảm bảo nền an sinh xã hội.

Mục tiêu đào tạo: đào tạo sinh viên có đạo đức và tài năng làm việc được trong những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội của con người, thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người; giải quyết được các vấn đề mới xuất hiện và nảy sinh trong đời sống xã hội thường ngày. Xây dựng kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy và nhất là kỹ năng can thiệp giải quyết các vấn đề xã hội, tư vấn xây dựng các chính sách xã hội đáp ứng các nhu cầu phát triển của đất nước.

2. Các tổ hợp xét tuyển ngành Công tác xã hội

Mã ngành: 7760101

+ C00: Văn, Sử, Địa

+ C19: Văn, Sử, GDCD

+ C20: Văn, Địa, GDCD

+ D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh

3. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Công tác xã hội

Sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công tác xã hội có thể công tác trong các tổ chức Kinh tế – chính trị – xã hội, tổ chức đoàn thể quần chúng ở các cấp từ trung ương đến địa phương: Cán bộ ủy ban các cấp, cán bộ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ, ban văn hóa đối ngoại, bảo hiểm xã hội, chính sách xã hội,…. trong các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá – xã hội, giáo dục, pháp luật, tín ngưỡng tôn giáo, môi trường, an sinh xã hội, dân số, sức khoẻ, truyền thông, cụ thể: 

Làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước: Với vai trò là người hỗ trợ, tham mưu cho tổ chức, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ công nhân viên. Nhân viên Công tác xã hội là người kết nối giữa công nhân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với xã hội, cải thiện các mối quan hệ tiêu cực đang ảnh hưởng đến doanh nghiệp. 

Thực hành Công tác xã hội trong trường học: Nhân viên Công tác xã hội là người hỗ trợ nhà trường trong việc quản lý, xây dựng các chính sách, hạn chế những thói quen không tốt và phát huy những thế mạnh của nhà trường. Kết nối nhà trường với các tổ chức xã hội khác, trợ giúp cho giáo viên và học sinh vượt qua những khó khăn đang gặp phải trong quá trình dạy và học, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cán bộ công nhân viên và học sinh.

Làm Công tác xã hội tại các bệnh viện: Các hoạt động của Công tác xã hội nhằm hỗ trợ cho các y bác sĩ trong việc phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc cho người bệnh… góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh của bênh viện, trung tâm khám chữa bệnh.

Làm việc với cộng đồng ở thành thị và nông thôn: Làm công tác xóa đói giảm nghèo tại các xã, phường, thị trấn; kết nối cộng đồng với các tổ chức xã hội trong và ngoài nước nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội tại cộng đồng như: Giảm đói nghèo; đẩy lùi tệ nạn xã hội; Ô nhiễm môi trường; Trẻ em mồ côi; số phận neo đơn; Sức khỏe sinh sản; Vệ sinh môi trường…, hướng tới một cộng đồng tự lực, phát triển bền vững.

Làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các trung tâm, dự án phát triển xã hội. Làm việc trực tiếp tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến ngành Công tác xã hội.

4. Mức lương ngành Công tác xã hội

Một nhân viên trong ngành Công tác xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự tiến bộ của đời sống xã hội con người. Những người sống và làm việc trong ngành này cũng có mức thu nhập tương đối ổn định, trung bình khoảng từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Đối với một nhân viên Công tác xã hội được làm việc tại nước ngoài thì mức thu nhập lên tới 10.000 - 50.000 USD/năm (theo báo cáo của cục thống kê Lao động tại Mỹ).

5. Những tố chất nào phù hợp với ngành Công tác xã hội

Nếu bạn hội tụ những tố chất sau đây, hãy tự tin lựa chọn ngành Công tác xã hội.

+ Trung thực, thật thà;

+ Có lòng bao dung, độ lượng;

+ Yêu thương đồng loại, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn;

+ Có kĩ năng lập kế hoạch, theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch

+ Có kĩ năng làm việc theo nhóm

+ Có kĩ năng giao tiếp, nghiên cứu;

+ Có sức khỏe tốt.

Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về ngành Công tác xã hội, từ đó có thể đưa ra lựa chọn có nên lựa chọn ngành học lý tưởng này hay không.

Thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường Bưu điện về địa chỉ: Phòng Đào tạo, Trường Đại học Tân Trào, Km6, Trung Môn, Yên sơn, Tuyên Quang. Hạn nộp hồ sơ: 17h00 ngày 22/8/2021. Hotline tư vấn, hỗ trợ: 0326 626 888/ 0962915110.

 

TQU Media