Nhân lực cho nông nghiệp - xa rồi tư duy ''nghề chân lấm tay bùn''
 
Nông nghiệp của Việt Nam đang phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên nhu cầu về nguồn nhân lực lớn. Thế nhưng hiện nay, ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp khó tuyển sinh có thể là do phần lớn sinh viên chưa thật sự hiểu rõ và nhầm tưởng sau khi ra trường sẽ… làm ruộng.

Học sinh chưa “mặn mà” để học "nghề nông"

Thực tế cho thấy những năm qua, trong các nghề đào tạo tại Trường Đại học Tân Trào nói riêng và một số cơ sở giáo dục đại học nói chung, số lượng sinh viên học các nghề liên quan đến nông nghiệp rất ít. Mặc dù khi ra trường các em có việc làm đạt tỷ lệ cao.

Nguyên nhân là do phần lớn người học cho rằng học các nghề nông nghiệp “chân lấm, tay bùn” vất vả so với các nghề học khác. Hơn nữa, hệ thống các công ty, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp có phát triển nhưng chưa nhiều, chưa ổn định. Tuy vậy, trong những năm gần đây thị trường lao động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành rõ nét. Nguyên nhân là do tác động của sự phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Rất nhiều công ty đã gửi thư thông báo tuyển dụng đến các trường đào tạo các ngành liên quan đến nông nghiệp để đặt hàng trong đó có Trường Đại học Tân Trào.  Đây là một cơ hội tốt để đào tạo một nguồn nhân lực vừa có chuyên môn vừa yêu nghề phục vụ tốt cho định hướng phát triển nguồn nhân lực phục vụ nền nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương.

Nhân lực cho nông nghiệp - xa rồi tư duy ''nghề chân lấm tay bùn''

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp. Do đó phát triển nguồn nhân lực có trình độ phục vụ cho ngành nông nghiệp để xoá bỏ tình trạng sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào sức người và kinh nghiệm là một trong những nội dung quan trong được Đảng và Nhà nước quan tâm đẩy mạnh.

Trường Đại học Tân Trào đổi mới phương pháp đào tạo các chương trình đào tạo các ngành nông nghiệp

Hiện nay Trường Đại học đang đào tạo các ngành liên quan đến nông nghiệp như: Khoa học cây trồng, Quản lý đất đai, Chăn nuôi, Kinh tế nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng

Trong những năm qua, ngoài việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Nông nghiệp để tham gia giảng dạy, Trường Đại học Tân Trào còn ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo các ngành này, Trung tâm Thực hành Thực nghiệm & CGKHCN với diện tích hơn 10ha để nghiên cứu và thực hành, các vườn ươm, phòng thí nghiệm đạt chuẩn, …

Nhà trường thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đào tạo năng lực thực hành, những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi và các kỹ năng mềm để thích ứng và phát huy trong môi trường làm việc mới; Từng bước đưa các công nghệ trong nông nghiệp như công nghệ sinh học, công nghệ số, tự động hóa,… vào các chương trình đào tạo; Xây dựng bộ chuẩn đầu ra cho sinh viên trong đó chú trọng trình độ ngoại ngữ và tin học đảm bảo hội nhập quốc tế. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo sinh viên tại các trang trại, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp; tham khảo, tiếp nhận các chương trình đào tạo các nghề nông nghiệp của các quốc gia phát triển cao trong nông nghiệp … Hướng đến cung cấp nguồn nhân lực thích ứng ngay với công việc, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Sinh viên Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Trường Đại học Tân Trào được cử đi thực tập tại Philippines.