Nhà khoa học của người dân
 
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Trong báo cáo “Dân vận” ngày 15 tháng 10 năm 1945 trên báo Sự Thật số 120 Bác đã nhấn mạnh: “Dân Vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Mấy chục năm qua, những lời Bác dạy đã trở thành ý thức chính trị và là phương châm hành động cách mạng cho mỗi Đảng viên, cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục nói riêng và các ngành nghề khác nói chung. “Dân vận” luôn đóng vai trò quan trọng không chỉ trong đời sống vật chất mà còn là phương châm sống cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong đời sống tinh thần. Ý thức được vai trò quan trọng này, Ban giám hiệu trường Đại học Tân Trào rất quan tâm tới công tác “dân vận”. Trong những năm qua, có rất nhiều tấm gương dân vận khéo đã đóng góp cho thành tích của nhà trường. Một trong những tấm gương đó là thầy giáo Tiến sĩ Vi Xuân Học - Phó trưởng Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp.

Ở Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, trường Đại học Tân trào chúng tôi ai cũng tự hào về thầy giáo TS. Vi Xuân Học - một phó trưởng khoa mẫu mực, một phó bí thư chi bộ, Đảng viên gương mẫu bởi sự khéo léo trong công tác dân vận và đoàn kết nội bộ. Thầy luôn là người đi đầu trong các công tác của khoa và của nhà trường, luôn tuyên truyền thấu tình đạt lý cho nhân dân và giáo viên, sinh viên trong khoa những chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, những kinh nghiệm thực tiễn trong đời sống và nghiên cứu để rồi từ đó tạo được lòng tin với nhân dân, sinh viên và đồng nghiệp kính trọng.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng, một vùng quê miền núi nghèo, còn nhiều khó khăn với nghề sản xuất nông - lâm nghiệp là chính, trong lòng thầy Học luôn ấp ủ suy nghĩ, mong ước làm thế nào để giúp được cho quê hương mình phát triển trên chính tiềm năng nông nghiệp sẵn có. Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu đi học chuyên nghiệp thầy đã xác định cho mình định hướng chuyên môn nghề nghiệp là học và nghiên cứu về cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả. Năm 2020, với sự nỗ lực phấn đấu và nghiên cứu, thầy Học đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lĩnh vực Khoa học cây trồng. Bằng những tâm huyết nghiên cứu, kinh nghiệm trong thực tế và sự trăn trở của bản thân về việc phát triển các giống cây ăn quả của địa phương cho hiệu quả kinh tế cao, ngoài giờ giảng dạy trên giảng đường thầy Học thường tranh thủ đi thực tế từng vùng cây ăn quả của tỉnh, đến từng hộ dân có diện tích trồng cây ăn quả để tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ chính người nông dân và nắm bắt nhu cầu của họ để tự đặt đề bài với chính mình. Xã Thái Bình có diện tích trồng nhãn lớn, tuy nhiên nhãn chín chính vụ không đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Với kiến thức và nghiên cứu của bản thân, TS Học đã vận động bà con thôn 9 xã Thái Bình theo mình thử nghiệm phương pháp mới để cho nhãn ra hoa đậu quả trái mùa. Quả không phụ công người, thầy Học đã nghiên cứu và thành công tạo giống nhãn chín sớm hơn thời vụ từ 45-60 ngày, giúp bà con trồng nhãn xã Thái Bình tăng thu nhập cao gấp 3 lần từ cây nhãn. Hiện nay, TS. Học tiếp tục nghiên cứu thụ phấn nhân tạo cho na ra quả trái vụ tại xã Lực Hành, huyện Yên Sơn. Mục tiêu của TS. Học là muốn nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay để giá trị nông sản của người nông dân Tuyên Quang có sức cạnh tranh và đạt giá trị kinh tế cao nhất.

Hình ảnh TS. Học nghiên cứu, thực tế tại các vùng cây ăn quả

Trong công việc thầy Học luôn là người tâm huyết, nhiệt tình, đầy trách nhiệm. Thầy Học luôn sát sao, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho từng giảng viên trong khoa trau dồi, phát huy năng lực chuyên môn của bản thân trong những buổi sinh hoạt chuyên môn, thầy luôn đưa ra những lời góp ý chân thành, chính xác kèm theo đó là những ý kiến gợi mở, động viên thúc đẩy đồng nghiệp không ngừng rèn luyện, phấn đấu để nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân, vận động khuyến khích giảng viên trẻ sáng tạo, chủ động học tập, áp dụng các phương pháp, hình thức dạy học mới trong công tác chuyên môn. Với kiến thức và kinh nghiệm thực tế dày dặn của mình, trong giảng dạy thầy Học luôn tâm huyết truyền thụ cho sinh viên không chỉ kiến thức lý thuyết mà cả về thực tế, tạo hứng thú học tập, nghiên cứu với sinh viên. 

Hình ảnh TS. Học cùng giảng viên và sinh viên khoa Nông Lâm nghiên cứu học tập thực tế

Với vai trò là Phó Bí thư chi bộ, thầy luôn quan tâm đến các đồng nghiệp, luôn tìm hiểu phối hợp nắm bắt được những hoàn cảnh và tâm tư của các đảng  viên trong chi bộ, phối hợp cùng công đoàn giúp đỡ động viên đồng nghiệp mọi lúc mọi nơi. Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tiến sĩ Học đã phối hợp cùng với bà con huyện Sơn Dương bằng những việc làm rất thiết thực như: Hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng cây dược liệu với diện tích 2 ha cây dừa cạn, 500 cây ba kích tại xã Văn Phú và tham gia các hoạt động với Nhân dân tại tại xã Cấp Tiến, xã Hợp Hòa.

Hình ảnh TS. Vi Xuân Học hoạt động dân vận cùng bà con huyện Sơn Dương

Thầy giáo, TS. Vi Xuân Học là một tấm gương “Dân vận khéo” mà tôi luôn học tập và noi theo, dân vận không chỉ tuyên truyền suông bằng sách báo, khẩu hiệu mà phải bằng hành động cụ thể và thiết thực để đồng nghiệp trong khoa và nhà trường luôn lấy đó là trọng tâm. Thầy là một tấm gương hành động mẫu mực, tấm gương tốt cho thế hệ giảng viên trẻ noi theo để có thể tự tin hơn trong mọi hoạt động công tác của khoa và nhà trường góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Nhà trường.

Nguyễn Thị Thu Hoàn - Khoa Nông Lam Ngư nghiệp