Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ đề án ‘cứu’ các ngành khoa học cơ bản
 
Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ. Đề án có đề xuất giải pháp cụ thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học cơ bản.

Nhà báo Lê Huyền: Ông nhìn nhận như thế nào về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực Khoa học cơ bản tại Việt Nam hiện nay?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn: Tôi muốn đề cập tới cả khối ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Toán và thống kê (gọi chung là khối ngành Toán và KHTN, trong đó có các ngành khoa học cơ bản). Đây là những ngành nền tảng, thiết yếu đối với phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Về đào tạo trình độ đại học, theo số liệu thống kê năm 2022, số sinh viên đại học khối ngành này chiếm chưa tới 1,5% tổng số sinh viên đại học, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới (Hàn Quốc 6,3%, Israel 7,4%, trung bình khối EU 7,0% và riêng Đức 7,8%).

Nếu tính cả quy mô đào tạo sau đại học, số sinh viên khối ngành Toán và KHTN trên một vạn dân của Việt Nam năm 2021 chỉ xấp xỉ bằng 1/3 của Singapore, 1/12 của Malaysia, 1/8 của trung bình khối EU và bằng 1/11 của Đức.

Dữ liệu do ông Hoàng Minh Sơn cung cấp

Bên cạnh đó, tỉ lệ sinh viên theo học và nhập học mới có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, trừ lĩnh vực Toán và thống kê có sự cải thiện đáng kể trong năm 2022.

Năm 2022, số sinh viên đại học được tuyển mới của khối này chỉ chiếm xấp xỉ 1,3% tổng số sinh viên tất cả các ngành. Số chỉ tiêu tuyển sinh được của hai lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học sự sống chỉ đạt dưới 60%, riêng lĩnh vực Toán và thống kê đạt được chỉ tiêu xấp xỉ 90%. Đáng nói là ngay cả đối với khối học sinh các trường chuyên, được ưu tiên đầu tư, tỉ lệ chọn học các ngành này ở bậc đại học không cao. 

Theo số liệu thống kê tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT, trong 75 trường THPT chuyên của cả nước, chỉ có 709 trên tổng số hơn 25.000 em trúng tuyển các trường đại học trong nước (2,8%) chọn học khối Toán và KHTN.

Do sức hút không lớn, nên điểm xét tuyển bình quân của các sinh viên trúng tuyển của hầu hết các ngành này nằm ở mức trung bình và dưới trung bình tất cả lĩnh vực đào tạo, trừ nhóm ngành Toán học có đầu vào khá tốt trong một vài năm gần đây.

Xét về cả số lượng và chất lượng tuyển sinh các ngành này, đây là một nguy cơ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, chất lượng cho đất nước.

Dữ liệu do ông Hoàng Minh Sơn cung cấp

Về sử dụng nguồn nhân lực thuộc các ngành khoa học này, Bộ GD-ĐT chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng có thể nói việc sử dụng nguồn nhân lực và thị trường việc làm chắc chắn có liên hệ chặt chẽ với sức hút đầu vào.

Đầu vào của hai lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học sự sống không được tốt, cũng một phần do cơ hội việc làm của các ngành này hiện tại còn hạn chế. Riêng lĩnh vực Toán và thống kê có khởi sắc chính là nhờ sự phát triển của các công nghệ liên quan tới khoa học và công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và học máy trong những năm gần đây.

KHÔNG ĐỦ NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO NỀN KINH TẾ SẼ MẤT NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Không phải bây giờ mà trong 3 năm liên tiếp trở lại đây, các ngành khoa học cơ bản tại các trường đại học, trong đó có những trường hàng đầu, rơi vào tình trạng không tuyển sinh được. Vậy theo ông cốt lõi của vấn đề này do đâu?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Yếu tố cốt lõi nằm ở quan hệ khép kín giữa nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của thị trường việc làm. Thông thường, nếu không có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước, quan hệ này tuân thủ hoàn toàn quy luật thị trường.

Nếu trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, thị trường việc làm sẽ không có nhu cầu cao về nguồn nhân lực khoa học - công nghệ và sẽ ít thí sinh chọn học những ngành khoa học - công nghệ. Trong khi đó nếu nguồn nhân lực chất lượng cao khoa học - công nghệ chưa có sẵn sàng sẽ không thúc đẩy được đầu tư phát triển nền kinh tế tri thức. 

Đảng và Nhà nước ta đã xác định nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học - công nghệ là một trong ba đột phá chiến lược, vì vậy cần phải có cơ chế, chính sách đầu tư đột phá để hỗ trợ, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, trong đó có các ngành khoa học cơ bản, đi trước một bước.

Theo ông, với tình trạng mất cân đối tuyển sinh như hiện nay, sinh viên đổ xô vào các ngành hot, không đăng ký vào các ngành khoa học cơ bản dẫn đến hậu quả về sau như thế nào?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Nước ta đang đứng trước cơ hội lớn để đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế số, nhưng yếu tố quyết định chính là nguồn nhân lực chất lượng cao và năng lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Sự thiếu hụt nhân lực trong các ngành khoa học cơ bản sẽ không thể khắc phục được trong một thời gian ngắn, mà phải mất rất nhiều năm. Nếu không phát triển được khoa học cơ bản sẽ không có các công nghệ nền tảng và không có các công nghệ nền tảng sẽ không có công nghệ mũi nhọn.

Không có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học - công nghệ sẽ không thu hút được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, nền kinh tế sẽ đánh mất năng lực cạnh tranh. 

 BỘ GD-ĐT SẼ CÓ NHỮNG ĐỀ XUẤT, GIẢI PHÁP CỤ THỂ LÊN CHÍNH PHỦ

Hiện tại, một số trường đại học đã có một số chính sách hỗ trợ ngành khoa học cơ bản cho người học, tuy nhiên đây mới chỉ là việc làm trước mắt. Về lâu về dài Nhà nước, Bộ GD-ĐT có những chính sách như thế nào để giữ các ngành này? 

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Những ngành khoa học cơ bản nói riêng và các ngành khoa học - công nghệ nói chung có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì thế không chỉ phải giữ các ngành này, còn phải phát triển mạnh hơn, gia tăng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. 

Luật Giáo dục đại học đã quy định về chính sách đầu tư cho giáo dục đại học, nhất là các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và các ngành đào tạo tạo đặc thù.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP trong đó có quy định về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, tuy nhiên việc triển khai trong thực tiễn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn (Ảnh: Thanh Hùng)

Bộ GD-ĐT đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, sẽ có những đề xuất giải pháp cụ thể để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt. 

Với các trường, theo ông, cần làm gì để thu hút sinh viên vào các ngành khoa học cơ bản?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Các cơ sở giáo dục đại học lớn, nhất là hai đại học quốc gia và các trường đại học có định hướng phát triển thành đại học nghiên cứu, chắc chắn rất quan tâm và đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút sinh viên giỏi vào các ngành khoa học cơ bản nói riêng và các ngành khoa học - công nghệ nói chung.

Đó là phát triển các chương trình đào tạo tài năng từ bậc đại học liên thông tới thạc sĩ và tiến sĩ, đổi mới chương trình, học liệu và phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hợp tác chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động, gắn kết đào tạo với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, xây dựng chính sách ưu tiên về học bổng cho sinh viên các ngành này, tăng cường truyền thông, hướng nghiệp sớm cho học sinh phổ thông... 

Đây là vấn đề không phải của từng trường, vì vậy Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tăng cường hợp tác, liên kết để cùng đưa ra những sáng kiến và tiến hành những hoạt động chung, ví dụ các chương trình truyền thông, hướng nghiệp, nhất là đề cao vai trò của nữ giới trong lĩnh vực khoa học. 

Bộ GD-ĐT có giải pháp gì về thực hiện quy hoạch việc đào tạo các ngành Khoa học cơ bản? 

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Trong sự phát triển và biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới như hiện nay, cộng với cơ chế thị trường trong giáo dục đại học và sự tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, việc quy hoạch các ngành đào tạo là một việc không đơn giản.

Nhưng căn cứ kinh nghiệm của các nước phát triển, chúng ta có thể xác định được những mục tiêu và định hướng lớn đối với một số lĩnh vực và ngành đào tạo then chốt trong từng giai đoạn phát triển. 

Như đã nói trên đây, Bộ GD-ĐT đang chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, trong đó có những tính toán và đề xuất giải pháp cho các ngành khoa học cơ bản. 

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đang phối hợp với một số bộ, ngành để xây dựng một hệ thống thông tin theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và dự báo nhu cầu của các ngành đào tạo.

Đây sẽ là một công cụ hết sức quan trọng để hoạch định và điều chỉnh các chính sách, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của toàn ngành cũng như đối với từng cơ sở giáo dục đại học.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

giaoduc.net.vn
EMC Đã kết nối EMC