Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Địa phương có vai trò quyết định thành công đổi mới giáo dục
 
Sáng 30/7, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với tỉnh Tuyên Quang.
Chủ trì buổi làm việc (từ phải sang trái ảnh): Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.
Chủ trì buổi làm việc (từ phải sang trái ảnh): Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Đoàn công tác gồm có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

Về phía tỉnh Tuyên Quang có Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lê Thị Kim Dung; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Sơn; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện/thành phố của Tuyên Quang; đại diện lãnh đạo Trường Đại học Tân Trào; Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện/thành phố và đại diện Hiệu trưởng một số trường học trên địa bàn tỉnh...

Giải pháp đồng bộ tạo kết quả giáo dục bền vững, đột phá

Theo Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Ủy ban dân tộc, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, thời tiết,… song tỉnh đã nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu kép: Phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế xã hội, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Về giáo dục và đào tạo, ông Chẩu Văn Lâm khẳng định địa phương luôn dành sự quan tâm cho giáo dục-đào tạo và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Địa phương có vai trò quyết định thành công đổi mới giáo dục ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm phát biểu mở đầu buổi làm việc.

Hiện nay hệ thống mạng lưới trường mầm non, phổ thông của Tuyên Quang cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh ở 138/138 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Mỗi đơn vị cấp xã cơ bản có ít nhất 1 trường/cấp học từ mầm non đến THCS.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 468 trường mầm non, phổ thông (811 điểm trường lẻ); 1 trường đại học (Trường Đại học Tân Trào); 1 trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh; 6 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; 5 trường ngoài công lập (4 trường mầm non và 1 trường tiểu học). Về trường chuyên biệt, tỉnh hiện có 1 trường THPT Chuyên, 7 trường PTDT nội trú và 28 trường PTDT bán trú.

Về đội ngũ giáo viên, tổng số người làm việc hiện có là 13.638 (bao gồm cả số hợp đồng theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, hợp đồng theo Nghị quyết số 102/NQCP). Trong đó, mầm non có 4.448 người; tiểu học 4.617 người; THCS 2.931 người; THPT 1.642 người và 38 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2020/NĐ-CP.

Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang: Trong những năm vừa qua, ngành Giáo dục Tuyên Quang đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, góp phần quan trọng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học.

Tỉnh cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho người dạy và người học, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh. Các cơ sở giáo dục đã chủ động, tích cực trong thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả; vừa bảo đảm nội dung, chương trình và kế hoạch giáo dục; dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát trong trường học.

Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn có những chuyển biến tích cực. Điểm bình quân kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh từng bước được cải thiện vững chắc. Năm 2022, Tuyên Quang xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 4/14 tỉnh miền núi phía Bắc (tăng 13 bậc so với năm 2021). Tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ cao hơn bình quân của cả nước; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Trường Đại học Tân Trào từng bước nâng cao chất lượng, uy tín trong đào tạo và nghiên cứu khoa học...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Địa phương có vai trò quyết định thành công đổi mới giáo dục ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, báo cáo tại buổi làm việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Sơn cũng chia sẻ những khó khăn của ngành Giáo dục Tuyên Quang. Theo đó, do địa hình chủ yếu là đồi, núi, chia cắt, dân cư không tập trung nên mạng lưới điểm trường lẻ còn nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất. Toàn tỉnh hiện còn thiếu 133 phòng học cấp mầm non, 175 phòng học cấp tiểu học. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế nên tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học và tỷ lệ thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp...

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 giữa bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến quá trình biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn sử dụng sách giáo khoa gặp trở ngại nhất định. Năng lực của giáo viên dạy tổ hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý theo Chương trình GDPT 2018 hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Giáo viên dạy các môn Tin học, Tiếng Anh; Mĩ thuật, Âm nhạc (đối với cấp THPT) còn thiếu

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, ngân sách của tỉnh hàng năm phần lớn do Trung ương hỗ trợ, tỉnh đã có nhiều ưu tiên cho giáo dục, song chủ yếu mới tập trung cho giáo dục phổ thông; khả năng huy động nguồn lực và thực hiện công tác huy động xã hội hoá cho giáo dục ở địa phương còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên. Tỉnh cũng còn khó khăn trong tuyển sinh đại học. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước (tỷ lệ trung bình chung hiện nay là 30,1%)...

Chia sẻ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm về giáo dục - đào tạo trong thời gian tiếp theo, từ thực tế của tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Sơn đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất đến Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Ủy ban dân tộc liên quan đến đội ngũ nhà giáo, cơ chế chính sách, tăng cường nguồn lực cho giáo dục - đào tạo.

Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó, vùng đồng bào dân tộc

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực trong nâng cao hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo tại tỉnh Tuyên Quang; đồng thời trao đổi, chia sẻ mong muốn, nhấn mạnh những vấn đề lưu ý, gợi ý cho địa phương, liên quan đến xây dựng đội ngũ (giáo viên, nhân viên) bảo đảm cả số lượng và chất lượng; chuẩn bị các điều kiện và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện giáo dục bắt buộc đối với tiểu học; công tác giáo dục dân tộc; đầu tư, phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú...

Về phía tỉnh Tuyên Quang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Đình Hưng đã chia sẻ về tình hình giáo dục của địa phương, nhà trường, với cả những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, và đưa ra các kiến nghị, đề xuất tới Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục - đào tạo trên địa bàn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Địa phương có vai trò quyết định thành công đổi mới giáo dục ảnh 3

Ông Hầu A Lềnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Hầu A Lềnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thể hiện ấn tượng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Tuyên Quang với công tác giáo dục dân tộc và giáo dục thường xuyên; trong đó đặc biệt là mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp, mô hình giáo dục thường xuyên gắn với trung cấp nghề. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số đến lớp, tăng tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số.

Trao đổi, giải đáp liên quan đến các kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang, ông Hầu A Lềnh đồng thời thể hiện đặc biệt quan tâm liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương (trong đó có đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc), bảo tồn văn hóa từ Trường Đại học Tân Trào; tăng cường điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học và xây dựng đội ngũ giáo viên.

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định sẽ cố gắng trong phạm vi có thể để hỗ trợ nhiều nhất nguồn lực cho tỉnh; đồng thời, mong muốn tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quan tâm dành nguồn lực để hoàn thiện hệ thống trường lớp học; quan tâm đến xây dựng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số; đào tạo giáo viên dạy các môn học tiếng dân tộc thiểu số; chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Địa phương có vai trò quyết định thành công đổi mới giáo dục ảnh 4

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Tuyên Quang với ngành Giáo dục, cũng như kết quả giáo dục - đào tạo của địa phương, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Giáo dục chính là sự đầu tư rất căn cơ cho tương lai. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của Tuyên Quang trong thiếu giáo viên, khó thu hút giáo viên giỏi, thầy cô còn khó khăn trong điều kiện để học tập nâng cao trình độ; khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Nêu ra một số nội dung địa phương cần quan tâm, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh đầu tiên đến việc chú trọng quan tâm đầu tư cho giáo dục - đào tạo, làm sao đúng với tinh thần giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

“Chất lượng là mục tiêu cuối cùng”, yếu tố đầu tiên để bảo đảm chất lượng, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, là khung chương trình, tài liệu học tập (nội dung này, địa phương chịu trách nhiệm xây dựng tài liệu giáo dục địa phương); cùng với đó là yếu tố đội ngũ; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… Từ đó, mong tỉnh tiếp tục quan tâm cho các điều kiện bảo đảm chất lượng cốt lõi này.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Địa phương có vai trò quyết định thành công đổi mới giáo dục ảnh 5

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Đầu tư cho giáo dục tập trung, hợp lý, đúng thời điểm

Mở đầu phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của công tác phối hợp, sự hô ứng giữa các bộ, ngành trong xây dựng chính sách, chỉ đạo các công việc liên quan đến giáo dục - đào tạo. Với địa bàn khu vực miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc như Tuyên Quang, sự phối hợp này càng quan trọng, bởi giải quyết các vấn đề giáo dục cần phải giải quyết nhiều vấn đề khác có liên quan.

Như nhiều cuộc làm việc với các tỉnh thành, Bộ trưởng luôn khẳng định vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính quyết định của địa phương trong thực hiện các kế hoạch giáo dục, thực hiện đổi mới giáo dục. Đặc biệt trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò thiết kế, còn triển khai, thi công ra sao, chất lượng thế nào thuộc trách nhiệm cấp tỉnh/thành.

Cảm ơn các địa phương vì sự quan tâm đến giáo dục - đào tạo và những thành quả đạt được thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định: Ở nơi nào mà cấp ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân quan tâm sâu sát thì tình hình giáo dục ở nơi đó sẽ có sự khác biệt.

Riêng với giáo dục Tuyên Quang, Bộ trưởng ghi nhận lãnh đạo địa phương đã dành sự quan tâm lớn đến giáo dục. Kết quả giáo dục - đào tạo mà tỉnh đã đạt được là rất đáng ghi nhận bởi bối cảnh của địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức. Với sự quan tâm đầu tư cho giáo dục, những trăn trở về giáo dục của lãnh đạo địa phương là cơ sở để tin tưởng ngành Giáo dục Tuyên Quang sẽ có nhiều cơ hội để phát triển trong thời gian sắp tới.

Cho rằng giáo dục Tuyên Quang vừa phải thực hiện những nhiệm vụ chung của cả nước, vừa phải thực hiện những yêu cầu mang tính đặc thù của địa phương, nhiệm vụ chung lớn đầu tiên được Bộ trưởng lưu ý là triển khai thực hiện thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Địa phương có vai trò quyết định thành công đổi mới giáo dục ảnh 6
Dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" cho lãnh đạo tỉnh và các cá nhân có đóng góp trong công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh Tuyên Quang.

Theo Bộ trưởng, đổi mới trong giáo dục phổ thông - một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết 29 - lần này là đổi mới sâu sắc, toàn diện và có không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, lấy phát triển con người làm cơ sở để phát triển những yếu tố khác. Từ nền tảng tạo lập con người nói chung, sẽ tạo lập tầng thứ nhân lực và cao nhất là nhân tài. Lấy phát triển con người làm gốc rễ, nếu không có nền tảng ấy sẽ không có nhân lực, nhân tài. Nếu lãnh đạo địa phương có sự chia sẻ, thấu hiểu với những đổi mới rất sâu ấy, thành công sẽ sâu sắc hơn.

Trong bối cảnh đổi mới diễn ra với tốc độ rất nhanh, Bộ trưởng lưu ý đến ý nghĩa của sự đầu tư đúng thời điểm và mong tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung cao độ cho việc đầu tư trong 2-3 năm tới. Trong đó, tập trung trong chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Ngoài ra, lần đổi mới này cũng được thực hiện bằng các phương pháp phi truyền thống từ soạn sách giáo khoa đến đẩy mạnh xã hội hóa..., do đó tỉnh cần lưu ý để tránh vấp phải khó khăn.

“Lần đổi mới này với cả nước nơi nào cũng nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với Tuyên Quang, thách thức gấp 2-3 lần. Đổi mới cần đội ngũ giáo viên hùng hậu, cần nguồn lực đầu tư lớn, trong khi chúng ta phải “gồng mình” làm việc lớn, việc mới, việc khó trong điều kiện nhiều khó khăn. Tôi rất chia sẻ với địa phương khi bắt tay thực hiện” - Bộ trưởng chia sẻ.

Các "từ khóa" với giáo dục Tuyên Quang được Bộ trưởng lưu ý, phân tích; trong đó có: Đẩy mạnh xã hội hóa một cách phù hợp; đẩy mạnh kiên cố hóa trường học; hợp lý hóa về mạng lưới; chuẩn hóa; hiện đại hóa, số hóa và nội trú hóa.

Trong đó, Bộ trưởng cho rằng, địa phương cần có quyết tâm chiến lược, ra nghị quyết riêng cho vấn đề kiên cố hóa trường lớp học; Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đặt Tuyên Quang ở vị trí số 1 trong quan tâm hỗ trợ nội dung này. Việc hợp lý hóa mạng lưới không có lời giải chung cho các tỉnh, các huyện,.... nên phải rà soát, xử lý, bảo đảm hợp lý nhất và quyền lợi học tập của học sinh cần được đặt lên hàng đầu.

Với chuẩn hóa, cần lưu ý cả chuẩn về cơ sở vật chất, chuẩn về trường học, trong đó có chuẩn về đội ngũ giáo viên. Riêng từ khóa “nội trú hóa”, Bộ trưởng cho rằng, không chỉ phát triển trường nội trú mà phải quan tâm đổi mới mô hình trường nội trú và có giải pháp để tạo điều kiện tốt nhất, giảm bớt những khó khăn, thách thức cho học sinh.

Với giáo dục mũi nhọn, theo Bộ trưởng, cách đặt vấn đề của Tuyên Quang cần khác với các tỉnh thành khác. Theo đó, mục tiêu không phải là có nhiều học sinh giỏi, học sinh thi quốc gia, quốc tế mà cần đặt vấn đề đáp ứng nhân lực tốt nhất cho tỉnh, giải quyết bài toán nhân lực cho địa phương, đem lại giá trị chung cho số đông.

Tại buổi làm việc, nhiều đề xuất, kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang về giáo dục - đào tạo cũng được Bộ trưởng trao đổi, giải đáp. Một số công việc cụ thể, Bộ trưởng lưu ý những vấn đề cần quan tâm trước thềm năm học 2022-2023 - thời điểm then chốt, quan trọng của quá trình đổi mới. Trong đó, cùng với việc chuẩn bị các điều kiện, lên kế hoạch cho một năm học sẵn sàng ứng phó với tình huống mới của dịch bệnh, cần đặc biệt chú trọng bù đắp những tổn thương, ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian qua, nhất là đối với học sinh.

giaoducthoidai.vn