Gần 6% giảng viên đại học có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm
 
22/23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 có số bài báo công bố quốc tế trên tạp chí WoS/SCOPUS tăng mạnh.

Tại hội nghị tự chủ đại học năm 2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, tự chủ đại học là một đột phá chiến lược, được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cách mạng toàn diện cho giáo dục đại học.

Đến nay, tự chủ đại học đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện, đúng với chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.

Tự chủ đại học toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực

Gần 6% giảng viên đại học có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm ảnh 1

Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội vào ngày 4/8. 

Theo Thứ trưởng, từ khi thực hiện tự chủ đại học đến nay, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng tăng thêm. Đảng ủy nhà trường giữ vai trò lãnh đạo toàn diện, mọi mặt, đặc biệt là về mặt nguyên tắc.

Kết quả khảo sát các hiệu trưởng, bí thư đảng ủy và chủ tịch Hội đồng trường cho thấy, trên 80% các ý kiến đều đồng ý và rất đồng ý với chủ trương, chính sách tự chủ cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng ủy Trường được nâng cao; sự lãnh đạo của Đảng ủy được phân định rõ với chức năng, vai trò quản trị của Hội đồng trường.

Thực hiện tự chủ đại học từ cuối năm 2014, đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường theo Luật số 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP (đạt tỷ lệ 90,6%).

Việc chủ động trong quản trị nhà trường, quản lý tổ chức, bộ máy và chính sách tài chính, tài sản đã thay đổi mô hình quản trị theo định hướng dịch vụ và phụng sự khác với mô hình bao cấp trước kia.

Gần 6% giảng viên đại học có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Kết quả khảo sát đánh giá mức độ triển khai tự chủ trong các lĩnh vực, đại đa số các trường tham gia khảo sát đều đánh giá hiệu quả tích cực. Theo đó, tổ chức và quản trị; Phát triển đội ngũ; Tuyển sinh đào tạo và Khoa học công nghệ là những nội dung đạt kết quả đánh giá cao về mức độ tự chủ sâu và toàn diện.

Cụ thể, có tới hơn 80% các trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về tuyển sinh và đào tạo dẫn đến các kết quả đạt được tích cực (trên 85%). Trên 65% các trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về hoạt động khoa học và công nghệ, các kết quả đạt được tích cực (trên 80%).

Gần 6% giảng viên đại học có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm ảnh 3

Kết quả khảo sát 134 Hiệu trưởng các trường đại học đánh giá mức độ triển khai tự chủ trong các lĩnh vực.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cơ hội tự chủ cũng giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc phát triển đội ngũ nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tự chủ đại học cũng giúp các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó, các trường đẩy mạnh phát triển đội ngũ có trình độ, chuyên môn cao, đặc biệt ưu tiên tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ, đào tạo bồi dưỡng giảng viên theo học các chương trình tại các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.

Gần 6% giảng viên đại học có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm ảnh 4

Trình độ đội ngũ giảng viên đại học đang ngày càng được nâng cao kể từ khi thực hiện tự chủ đại học.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thu nhập của đội ngũ giáo viên được nâng cao nhờ thực hiện tự chủ đại học

Về mức độ tự chủ tài chính, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, đến thời điểm hiện tại có 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên.

Kết quả tổng kết cho thấy năng lực tài chính của các trường tự chủ từ 2018 đến 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm.

Đặc biệt, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: Tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý.

Nếu năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% thì năm 2021 chỉ còn 12,7%; năm 2018 tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm là 57,5% thì năm 2021 con số này giảm xuống còn 46,3%/ năm.

Giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.

Gần 6% giảng viên đại học có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm ảnh 5

Thu nhập trung bình của cán bộ, nhân viên/năm của 134 cơ sở giáo dục đại học tham gia khảo sát, tương quan giữa năm 2018 và 2021. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng bài báo quốc tế trong 5 năm qua cũng có sự chuyển biến tích cực: số lượng bài báo trong danh mục Web of Science (WoS) tăng thêm 3,5 lần sau 4 năm; số bài báo trong danh mục SCOPUS tăng thêm hơn 4 lần. Sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình Khoa học công nghệ cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm.

Đối với 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, 22 cơ sở có số bài báo công bố quốc tế trên tạp chí WoS/SCOPUS có số lượng tăng mạnh.

Gần 6% giảng viên đại học có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm ảnh 6

Thống kê số lượng công bố quốc tế trong 5 năm qua. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ trong quá trình thực hiện tự chủ

Tuy nhiên quá trình thực hiện tự chủ đại học trong những năm qua cũng gặp không ít khó khăn. Đó là sự chưa có sự thống nhất về một số nội dung liên quan giữa các bộ Luật; quan điểm, nhận thức về tự chủ đại học chưa thống nhất và phù hợp; nguồn kinh phí hạn hẹp, ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục; là hạn chế về chính sách tự chủ về quản lý tài sản công, quản lý đầu tư công và khai thác, sử dụng các nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, mục đích tự chủ đại học là nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển,… Vì vậy, để nâng cao hiệu quả tự chủ đại học trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra vấn đề cần hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan tới tự chủ đại học để tránh xung đột, thiếu đồng bộ.

Đồng thời, cần tiếp tục đầu tư tài chính từ ngân sách (thông qua chế độ chi đầu tư theo Luật ngân sách Nhà nước hoặc giao vốn theo Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước), chi đầu tư từ các bộ, ngành cho lĩnh vực giáo dục đại học mà bộ, ngành quản lý… để tự chủ không đồng nghĩa với cắt toàn bộ đầu tư nhà nước như giai đoạn thí điểm và cách hiểu của một số cá nhân.

Các cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay rất cần Nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua các chương trình, dự án để bảo đảm nguồn lực phát triển bền vững, thực hiện tự chủ đại học thành công.

giaoduc.net.vn