Khi lý thuyết chạm vào thực tế
 

“Học đi đôi với hành” là nguyên lý cốt lõi và là nguyên tắc nền tảng trong quá trình giáo dục và đào tạo, kim chỉ nam định hướng nhà giáo dục không chỉ giảng dạy về lý thuyết, mà còn tạo cơ hội để người học áp dụng lý thuyết đó vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Đồng thời, cũng nhắc nhở người học rằng học lý thuyết và kết nối điều đã học ấy để làm, vận dụng vào đời sống, nghề nghiệp và phát triển bản thân.

Khi lý thuyết được “chạm” vào thực tế là lúc kiến thức được thể hiện bằng hành động, bằng trải nghiệm và sự dấn thân, người học được thử, được làm, được cảm nhận được sự sống động của những điều đã học, do đó không chỉ biết mà còn “thấm”, không chỉ hiểu mà còn “thấu”, không chỉ học mà còn trưởng thành. Trong nhiều giờ học do các giảng viên Khoa Chính trị và Tâm lý – Giáo dục phụ trách, không khó để bắt gặp hình ảnh sinh viên đang thuyết trình, thảo luận nhóm sôi nổi trong các tiết học, hay thực hành, trải nghiệm ngoài cộng đồng. Đó chính là minh chứng sống động cho tinh thần “học đi đôi với hành”, phương châm dạy - học được các giảng viên và sinh viên phát huy trong từng hoạt động dạy và học.

Sinh viên thực hành tổ chức hoạt động trải nghiệm

Sinh viên thực tế nghề nghiệp tại cơ sở

(Thực tế nghề nghiệp ngành Công tác xã hội)

Sinh viên với Hội thi Nghiệp vụ Hướng dẫn viên du lịch (Học phần Giao tiếp ứng xử trong Kinh daonh – Du lịch)

Sinh viên trong tiết học thực hành giảng dạy (Học phần Giáo dục học)

Tham gia vào các hoạt động học tập các môn học vận dụng lý thuyết vào để giải quyết các tình huống thực tiễn, sinh viên luôn rất hào hứng, sôi nổi, tinh thần chủ động và trách nhiệm trong học tập được nâng lên. Sinh viên Lê Phương Quỳnh (Đại học Khoa học tự nhiên khóa 2024-2028) trong môn Tâm lý học đã chia sẻ cảm nhận qua các giờ học rằng “việc giảng viên thường xuyên tổ chức cho sinh viên thực hành môn học giúp chúng em hiểu sâu, rộng, rõ hơn kiến thức của bài giảng và đây chính là cơ hội cho chúng em được sáng tạo và rèn luyện các kĩ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện”. Sinh viên Đặng Thị Kim Oanh - Lớp Đại học Sư Phạm Ngữ Văn K3 cũng cho biết: “Việc làm bài tập vận dụng, thực hành giúp chúng em phát triển kỹ năng xử lý tình huống cụ thể, hiểu bài sâu hơn và thấy chỗ nào em chưa hiểu rõ để còn kịp bổ sung. Ngoài ra, cũng rèn cho em tính tích cực, chủ động hơn trong học tập, nhờ vậy mà em cảm thấy việc học không còn khô khan nữa và trở nên ý nghĩa hơn”.

ThS. Chu Thị Mỹ Nga, Khoa Chính trị và Tâm lý – Giáo dục