TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1969. Mưa như trút nước, dòng Gâm dâng cao, lũ siết cuồn cuộn, chuyến đò ngang bến Gốc Sấu đưa chúng tôi vượt sông rồi tiếp tục cuốc bộ 4 cây số để có mặt tại Phòng Giáo dục huyện, thời gian này Phòng đang sơ tán ở Pác Ban, gần Thác Mơ, nay là lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.
Sáng 3/9, khoảng 6 giờ 30, xe khách Nà Hang đi Thị xã Tuyên Quang rời bến. Xe cứ thế chạy qua các ổ gà, rãnh nước, bò dần xuôi về thị xã. Gần 7 giờ tối, sau hơn 12 tiếng đồng hồ lăn bánh, xe dừng, chúng tôi rẽ bộ vào Ty Giáo Dục, (Km7 đường Tuyên Quang – Hà Giang, Trường Nội trú cũ) nghỉ đêm. Trong căn phòng tập thể, dưới ánh đèn điện đỏ mờ, thầy Tạ Đức Xuân trực tiếp đón chúng tôi, thầy hỏi thăm chuyến hành lộ, ân cần động viên; sau bữa tối, thầy nghẹn ngào thông tin "Bác Hồ đã từ trần rồi các em ơi!".
Sáng sớm 4/9, Chúng tôi ra chợ sép mua rau, dưới tán đa cổ thụ, gần bia Chiến Thắng km6, tiếng loa công cộng chầm chậm đọc thông cáo, cả đường phố im lặng lắng nghe tin buồn. Để đảm bảo thời gian tập trung tại trường, khoảng 7 giờ sáng, chúng tôi khẩn chương qua đò Tân Hà sang Tràng Đà, vào Ha Vân, Tân Hồng. Quang cảnh trên đường mới qua trận lũ thật sơ xác; những ngọn cây, búi chuối, bờ tre bị ngập, nước rút còn vương đầy vết mốc đất bùn. Chân rảo bước lên đèo xuống khe, lội qua 5 lần suối sâu sau lũ, những đoạn đường lâm nghiệp gồ ghề đất đá như thế với chúng tôi - cánh thanh niên vùng cao, không ngại ngùng gì; chỉ có điều chúng tôi đang đi trong tâm trạng trĩu nặng nỗi nhớ thương Bác Hồ.
Khoảng 3 giờ chiều, đến xã Tân Hồng; chúng tôi thấy hiện ra hai bên đường dọc theo khe, dưới các tán cây rừng là những ngôi nhà đất đóng cửa, cái trên cao, cái dưới thấp; nhà này cách nhà kia chừng hai, ba chục mét; mỗi nhà khoảng 3, 4 gian; chủ yếu làm bằng cột tre, lợp néo. Những dãy nhà dài 5, 6 gian trát toóc xi là khu nghỉ trọ tập thể, tiếp đó là nhà ăn; nhà bếp; hội trường; các bể chứa nước lần dẫn từ trong khe ra. Toàn bộ cơ sở vật chất này là của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh và khối Mặt trận, đoàn thể tỉnh làm việc trong thời gian sơ tán tránh máy bay Mỹ; nay giao cho Trường Sư phạm cấp 2 mới thành lập, tiếp quản, sử dụng.
Từ tháng 9/1969 tất cả giáo viên, cán bộ hành chính và 200 giáo sinh các dân tộc của Nhà trường đều ăn, ở, làm việc, giảng dạy, học tập ở khu vực sơ tán này. Sau một tuần lao động, vệ sinh; sáng 10/ 9/1969 trường tổ chức làm Lễ truy điệu Bác. Buổi lễ có ông Ma Văn Hiệu, Trưởng Ty Giáo dục, Hiệu Trưởng danh dự; thầy Đào Lương Nhân Hiệu Trưởng đến dự. Băng tang trên ngực, tất cả lặng im; thầy giáo Tạ Đức Xuân, Phó Hiệu Trưởng thay mặt Ban Giám hiệu đọc Điếu văn; mọi người đều gìm tiếng khóc, rưng rưng nước mắt.
Công việc những ngày đầu như: Phân công Ban cán sự lớp, chia tổ, bố trí nơi ăn ở, tạm thời ổn định; thầy trò bắt tay vào giảng dạy và học tập. Từ đây mỗi đêm về, khe Ha Vân, xã Tân Hồng - ATK; khắp các phòng học, nhà ở, các đoạn đường dẫn đến lớp đâu đâu cũng le lói ánh đèn dầu hoa kỳ của thày trò Trường Sư Phạm. Thầy cô say sưa soạn giảng, trò mải miết thi đua học tập, chăm chú nghiên cứu bài giảng, các chị phục vụ đời sống thức khuya, dạy sớm, lo lắng từng bữa ăn; hàng tuần mỗi giáo sinh đều có một vác củi nộp cho nhà bếp. Vì khu trường nằm gọn giữa 2 dãy núi cao, dọc theo khe cạn, nên mỗi đợt gió đông về rét như cắt da, cắt thịt; chúng tôi đắp chung chăn, có lúc thay nhau mặc chung chiếc áo bông. Bác Thuyên phụ trách tiếp phẩm cho toàn trường mặc dù đã cố gắng hết mình, nhưng gạo, ngô độn, bột mỳ, rau, muối... gần như tuần nào cũng thiếu và không kịp thời do trường học quá xa trung tâm chợ búa, ngày mưa không thể vận chuyển; có bữa không muối, hàng trăm người chung một bánh Mazi buông xuống cái chảo vạc to, lóng bõng đỗ tương. Nước sinh hoạt khan hiếm, ngày đông máng nước lần nhỏ giọt, tắm giặt phải đi bộ 2, 3 cây số mới đến dòng suối tận làng xa. Nam, nữ gần như ai cũng bị ghẻ lở, hắc lào. Cái khổ cứ thế bám đuổi Nhà trường; mọi cố gắng của thầy và trò cũng chỉ trụ hết học kỳ 1 của năm thứ nhất.
Gian khổ thường nhớ lâu. Với tôi, ký ức về Ha Vân, nơi ngày đầu của khóa 1 nhập trường thật khó phai mờ!
Sau tết nguyên đán, tháng 2 năm 1970 trường lại chuyển đến cơ sở Trường Đảng tỉnh, thuộc xã Chân Sơn, Yên Sơn, gần đèo Hoa, cách bia Chiến Thắng km6 khoảng 5 cây số; để tạm thời duy trì việc dạy và hoc. Tại đây, Nhà trường đã hoàn thành tiếp học kỳ 2 của năm thứ nhất (1969 - 1970). Buổi tổng kết năm học, một bộ phận giáo sinh vắng mặt, vì nhiệm vụ phải chuẩn bị làm trường lớp ở cơ sở mới. Mấy chục nam thanh niên chúng tôi lại khoác ba lô hành lý, dao, cuốc xẻng lên bãi hoang cột mốc km12 đường Tuyên Quang - Hà Giang. Chúng tôi nghỉ trọ tại các nhà dân xung quanh bãi hoang đó. Hôm sau, lại đi bộ khoảng 6km vào chân Núi Là, trọ ở nhà ông Trực, dân tộc Dao Quần Trắng. Công việc hàng ngày của chúng tôi là lần theo suối nguồn, leo lên núi khai thác tre gầy, kéo về tập kết tại một bãi gần suối; tiếp theo đóng mảng lõng theo dòng suối ngoằn ngoèo ra gần cầu km11, xã Lang Quán rồi thầy trò cùng nhau vác bộ hơn 1000m lên bãi hoang xây dựng trường lớp. Các giáo sinh nam trong đó có một số giáo viên cấp 1 đi học, nhiều người có tay nghề làm thợ giỏi; việc đục khoét, suôn duổi, dựng khung nhà tre, lợp néo nằm trong tầm tay; chẳng thế, chỉ sau 3 tháng hè nhiều ngôi nhà đã được cất lên trên bãi hoang. Để có cái lợp, thầy trò lại từng tốp lên cây số16 đường Tuyên Quang - Hà Giang, khai thác nứa, dập làm néo. Từng bó néo lại lên vai theo chúng tôi lên phủ mái nhà.
Tháng 9/1970, năm học thứ 2 bắt đầu; số giáo sinh tuyển mới của năm học này khoảng hơn 200. Vừa học vừa làm, từng ngôi nhà mới lại tiếp tục mọc lên. Cảnh hoang sơ mới ngày nào nay nhường chỗ cho những ngọn đèn dầu như những ánh sao khuya nhấp nháy; sự vắng lặng hoang tàn được thay bằng không khí nhộn nhịp, rộn ràng của các chàng trai, cô gái khắp các huyện thị về tụ hội. Từ những ngôi nhà do chính bàn tay, khối óc của thầy trò tạo dựng, tiếng giảng bài của thầy cô cùng lời ca, tiếng hát, tiếng thơ của giáo sinh trong các phòng học ngày đêm cứ thế ngân lên.
Các thế hệ Ban Giám hiệu và các cán bộ, giáo viên Nhà trường lo toan bộn bề. Khóa này đến khóa khác, lớp trước đến lớp sau. Hàng nghìn, hàng vạn giáo sinh lần lượt ra trường; tung bay khắp các vùng quê, nơi thôn cùng, xã tận trong tỉnh và ngoài tỉnh. Họ là những thầy giáo, cô giáo thực thụ, hết mình mang cái tâm, cái chữ đào tạo biết bao thế hệ con em học sinh phổ thông của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trở thành những cán bộ có trí tuệ, có bản lĩnh góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong số đó, nhiều người thành đạt giữ các cương vị lãnh đạo của huyện, của tỉnh và Trung ương; cũng trong số đó nhiều người đã dâng hiến máu xương hy sinh vì độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân; họ không bao giờ có cơ hội được quay trở về nữa.
Chắc nhiều người còn nhớ, vào tháng 5 năm 1971, chuẩn bị bước vào học năm thứ 3; theo lệnh tổng động viên, thanh niên cả nước tòng quân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; trên 2 phần 3 số giáo sinh nam Trường Sư Phạm cấp 2, tạm gác bút nghiên, cầm súng bảo vệ tổ quốc. Buổi chia tay tiễn các bạn lên đường vô cùng xúc động; tình thầy trò, tình bạn bè những tháng ngày gian khổ bên nhau thật da diết, ai cũng ứa lệ, bịn rịn nhớ thương. Các bạn giáo sinh khóa 1, như Hà Sỹ Ngẩm, Tân An, Chiêm Hóa; Triệu Hoài Nam, Trung Trực, Yên Sơn; Khổng Văn Tự, Sơn Dương... họ đã mãi mãi ra đi. Cũng có bạn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường, mặc dù thân thể còn nhiều thương tật nhưng vẫn quay về mái trường thân yêu của mình tiếp tục theo học, thi tốt nghiệp. Sự cống hiến, hy sinh của họ thật sự là những tấm gương tiêu biểu giàu nghị lực, bản lĩnh; giàu ước mơ và khát vọng vươn lên.
Đến bây giờ, mặc dù thời gian đã lùi dần về quá khứ hơn nửa thế kỷ, đi qua 50 mùa hoa trái; tất cả các thế hệ thầy giáo, cô giáo từng giảng dạy; các giáo sinh từng học tập ở Trường Sư Phạm cấp 2 Tuyên Quang dù đã lên chức ông, chức bà; chức cụ; tạo hóa có người còn người mất; nhưng ký ức về mái trường xưa vẫn đầy ắp kỷ niệm. Mái trường ấy, chẳng những trang bị cho ta về kiến thức khoa học mà còn cho ta rất nhiều điều về lẽ sống, về đạo lý làm người, về tình đời, tình người, về đối nhân xử thế. Những gì có được từ mái trường này vẫn mãi là hành trang theo ta, giúp ta đi suốt cuộc đời. Và, mái trường này, vẫn mãi là địa chỉ tin cậy, là ngọn lửa truyền thống trong sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo rất đáng tự hào và trân trọng của tỉnh Tuyên Quang, nơi một thời là Thủ đô khu giải phong, Thủ đô kháng chiến.